(CAO) Chiều 28-2, cuộc họp đối thoại đã được ghi biên bản, làm cơ sở để chính quyền Đà Nẵng ra kết luận chính thức, thông báo đến người dân xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang) vào ngày 5-3-2018 về vấn đề các nhà máy thép gây ô nhiễm.
Buổi họp đối thoại với hơn 300 người dân diễn ra tại khuôn viên nhà văn hóa thôn Vân Dương 1 (xã Hòa Liên), ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chủ trì, có sự tham dự của lãnh đạo TP, các sở, ban ngành, ông Đặng Thương – Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đại diện của của Nhà máy Thép Dana Ý và Nhà máy thép Dana Úc.
Như CAO đã thông tin, tối 26 và sáng 27-2, hàng trăm người dân thôn Vân Dương 1 và Vân Dương 2 (xã Hòa Liên) kéo đến bao vây trụ sở 2 nhà máy của Công ty CP Thép Dana Ý và Công ty CP Thép Dana Úc phản đối, yêu cầu dừng hoạt động vì ô nhiễm môi trường.
Người dân xã Hòa Liên tại cuộc họp đối thoại vào chiều 28-2
Lãnh đạo chính quyền, các ban ngành và các nhà máy tại buổi đối thoại
Buổi họp đối thoại được đông đảo các cơ quan báo chí tham dự. Đại diện chính quyền, các ban ngành chăm chú lăng nghe, ghi nhận ý kiến của người dân.
Ông Phan Trọng (ngụ tổ 6, thôn Vân Dương 1) bày tỏ: “Các nhà máy gây ô nhiễm môi trường đã lâu làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe, đe dọa tính mạng của bà con. Đã có nhiều cuộc họp đối thoại trong những năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Dân đã kêu nhiều rồi, phản ứng nhiều rồi.
Lãnh đạo quyết định chọn phương án vì dân hay vì nhà máy (nghĩa là di dời dân hay di dời nhà máy – PV). Nếu chọn phương án giải tỏa dân thì phải bố trí nơi ở nào khác chứ không thể lên khu tái định cư (TĐC) Hòa Liên 6 vì nơi đó cũng không xa các nhà máy”.
Trưa 28-2, hàng chục người dân vẫn ở trước cổng Nhà máy Thép Dana Ý và Nhà máy Thép Dana Úc
Ông Nguyễn Mô (80 tuổi): “Giờ lãnh đạo TP phải quyết liệt quyết định phương án là dân đi hay là nhà máy đi. Nếu dân chúng tôi đi thì đi như thế nào, thời gian cụ thể. Nhà máy chỉ được hoạt động cho đến khi dân chúng tôi đi hết. Theo kế hoạch, thì cuối năm 2017 sẽ giải tỏa 50% hộ dân đi khỏi nhà máy và năm 2018 sẽ di dời hết. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực hiện nên chúng tôi còn bức xúc”.
Ông Hoàng Mai (tổ 5, thôn Vân Dương 2) nhấn mạnh: “Đề nghị lần này lãnh đạo đừng hứa, không nói dài dòng, đừng “đá bóng” nữa mà phải quyết định phương án cuối cùng”.
Đại diện người dân bày tỏ ý kiến
Ông Huỳnh Văn Tân – Chủ tịch HĐQT nhà máy Thép Dana Ý cho biết: “Vấn đề nhà máy hoạt động làm ảnh hưởng đến người dân là có và đặt vào hoàn cảnh, vị trí của bà con thì bản thân tôi cũng rất hiểu, thậm chí bày tỏ bức xúc. Chúng tôi cũng đã cố gắng cải thiện tình trạng môi trường, thực hiện các giải pháp khắc phục nhưng mọi công việc cũng cần phải có thời gian, đảm bảo các quy trình, quy định.
Chúng ta đã gặp nhau rất nhiều lần và đã có kết quả, thống nhất là di dời bà con. Trước đây bà con cũng hoan hỷ, vui vẻ chấp nhận nhưng hôm nay nhiều ý kiến bày tỏ muốn nhà máy di dời nên chúng tôi cũng rất bối rối. Chúng tôi luôn lắng nghe và sẽ chấp nhận quyết định của bà con”.
Đại diện chính quyền, các ban ngành ghi nhận ý kiến vào biên bản
Ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng
Ông Hồ Kỳ Minh kết luận: “Trước đây thành phố và bà con đã thống nhất phương án di dời dân nhưng hôm nay đa số ý kiến muốn nhà máy di dời nên chúng tôi cũng rất lúng túng. Cuộc đối thoại hôm nay sẽ được ghi biên bản sau đó lãnh đạo TP, các ban ngành họp, thống nhất đi đến kết luận. Đến thứ 2 tuần sau (tức ngày 5-3) sẽ thông báo chính thức đến bà con. Mong bà con bình tĩnh và chờ kết luận, quyết định của TP”.
Đại diện lãnh đạo 2 nhà máy thép
Nghe xong, nhiều người dân phản ứng yêu cầu lãnh đạo TP, chủ trì buổi đối thoại trả lời luôn phương án cuối cùng và lục đục ra về. Mâu thuẫn, khúc mắc đã diễn ra trong thời gian khá dài khiến cả người dân, chính quyền, doanh nghiệp đều mệt mỏi. Nhiều người quả quyết đây sẽ là cuộc họp đối thoại cuối cùng giữa chính quyền, doanh nghiệp với người dân.
Clip chính quyền, nhà máy đối thoại cùng hàng trăm người dân: