Cha tôi

Thứ Hai, 26/02/2018 16:54

|

(CAO) Tôi không có may mắn như nhiều đứa trẻ khác được nằm trong vòng tay rắn chắc của cha ngay khi cất tiếng khóc chào đời... Lúc tôi còn trong bụng mẹ, cha tôi vì nhiệm vụ phải chia tay người vợ trẻ khi ấy mới hai mươi tuổi.

1. Mẹ tôi kể, trong đêm chia tay, cha tôi đặt tay lên bụng mẹ dặn: "Con đầu lòng của chúng mình dù trai hay gái cũng lấy chữ lót tên anh và chữ lót tên em đặt tên cho con, nha em". Gửi lại phương Nam người vợ trẻ và đứa con đầu lòng sắp chào đời, đầu năm 1953, cha tôi ôm súng đi về hướng Bắc. Ở đó, ông đã được gửi đi học quân sự ở nước ngoài một thời gian ngắn, rồi năm 1958 được Nhà nước phong quân hàm thiếu tá trong đợt phong quân hàm đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cùng đợt phong hàm ấy có các bác, các chú: Trần Văn Trà, Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Tô Ký (đại tá), Trần Đình Xu - trung tá, Hoàng Cầm, Trương Văn Ban (thiếu tá), Nguyễn Thới Bưng - thượng úy...

Chân dung ông Nguyễn Thế Truyện, chụp tại Hà Nội năm 1958, đợt phong quân hàm đầu tiên của QĐNDVN (ảnh tư liệu gia đình)

Những năm tháng ấy, cha tôi và nhiều đồng đội từng sát cánh bên nhau trên chiến trường chống Pháp ở miền Đông Nam bộ nay lại cùng nhau chia sẻ cái cảnh "ngày Bắc đêm Nam", thế nên mùa xuân năm 1958 với cha tôi là mùa xuân thật đặc biệt. Ông được cơ quan quân đội thông báo chuẩn bị ra sân bay Gia Lâm đón vợ và con, báo vậy nhưng đón hụt đến những vài ba lần. Rồi cũng đến được giây phút trùng phùng ngập tràn hạnh phúc. Những vòng tay ôm chặt lấy nhau của chồng vợ, cha con. Những nụ hôn đầm đìa nước mắt sung sướng. Cha tôi kể đi kể lại với bạn bè: "Con bé Thanh đầu lòng của mình bốn tuổi rưỡi chưa từng gặp mặt cha, vậy mà nó đi từ trên thang máy bay xuống, chạy thẳng đến trước mặt mình và kêu thật lớn "Ba!". Mình sung sướng không gì tả nổi”!

2. Lúc sinh thời, các bác Trần Văn Trà, Tô Ký, Lê Trọng Tấn, Lưu Quang Tuyến thường kể về cha cho tôi nghe. Trong mắt các bác ấy, những người đồng đội vừa là cấp trên trong công việc vừa là người anh trong cuộc sống của cha tôi, Nguyễn Thế Truyện là một con người có nhân cách đẹp và là một chỉ huy quân sự tài năng. Bác Ba Tô Ký thường nói: "Truyện là một tướng trận. Thông minh và dũng cảm lắm. Người như Truyện ngồi ở miền Bắc yên bình trong khi miền Nam chiến đấu thì sao chịu được. Thế nên cậu ấy cứ nằng nặc đòi tôi cho đăng ký trở lại chiến trường miền Nam.

Truyện gửi gắm tôi và chị Năm Bi (đại tá Hồ Thị Bi): "Em giao Cầm và các cháu ở lại miền Bắc, nhờ anh Ba và chị Năm quan tâm chăm sóc giùm. Em phải trở lại chiến trường mới được, anh Ba à". Tôi hiểu Truyện và đồng ý để cậu ấy đi. Đúng là chiến trường miền Nam rất cần những người như Truyện. Tôi tháo cái đồng hồ đang đeo trao cho Truyện như một cử chỉ chấp thuận, như một sự tin tưởng".

Cuộc họp của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định bàn kế hoạch tổng tấn công Mậu Thân 1968. Ông Nguyễn Thế Truyện đứng sau, giữa các ông Mai Chí Thọ (ngồi, trái) và Nguyễn Hồng Lâm (ngồi, phải). Ảnh: Dương Thanh Phong

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trước 1975, những trận đánh lớn trở thành mốc son trong lịch sử quân sự nước nhà như Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng, Nhà Đỏ - Bông Trang, Dầu Tiếng, Bàu Cỏ, Bến Cầu... đều có những đóng góp mang tính chất dấu ấn của Nguyễn Thế Truyện trong cương vị trung đoàn trưởng và sau này là Sư đoàn trưởng... Sâu sát, cụ thể, quyết đoán và quả cảm - những cán bộ cùng công tác với cha tôi thường có chung nhận xét như vậy về ông.

Khi chuẩn bị chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chính cha tôi đã đề xuất ý kiến xin được đích thân vào nội thành Sài Gòn để trực tiếp điều nghiên trước về hướng tấn công xung yếu mà đơn vị và phân khu do ông làm Tư lệnh phụ trách trong chiến dịch. Một đề nghị táo bạo nhưng hợp lý và khả năng cho phép nên đã được cấp trên chuẩn y và phòng tình báo quân giải phóng miền Nam triển khai thực hiện.

Chuyến đi đặc biệt nguy hiểm nhưng có ý nghĩa lớn đó của cha tôi đã được cụm tình báo A20 bố trí và tình báo viên H3 đảm trách trực tiếp (H3 khi đó là Nghị sĩ quốc hội Sài Gòn, sau năm 1975 là đại tá QĐNDVN Ba Nghĩa – nhân vật trong bài viết của thiếu tướng Phùng Đình Cung, sách “Sài Gòn dưới những tầng khói”, NXB Văn Nghệ TP.HCM năm 1998). Chuyến đi ấy của cha tôi đặc biệt là vì lần đầu tiên Quân ủy và Bộ tư lệnh Miền cử một cán bộ từng là sư đoàn trưởng và khi ấy đang là Tư lệnh phân khu Bắc Sài Gòn – Gia Định vào sào huyệt địch ở nội đô Sài Gòn, vào tận sân bay Tân Sơn Nhất thị sát, điều nghiên tình hình.

Sự lựa chọn nhân sự ấy trong công tác chuẩn bị cũng là nhắm tới mục tiêu giảm thiểu tối đa những hy sinh không thể tránh khỏi về nhân lực trong một chiến dịch lớn lần đầu tiên nổ ra đồng loạt tại các đô thị trọng yếu ở miền Nam. Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân 1968, sau những ngày chiến đấu ác liệt đợt đầu tiên, cha tôi được lệnh rời bộ chỉ huy tiền phương để đi họp ở Bộ Tư lệnh Miền. Cùng đi với ông còn có chú Năm Xuân (Mai Chí Thọ - sau này là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an). Chú Năm kể: “Ba tôi hẹn với ông "Anh đi trước, tôi sẽ đi sau một chút và sẽ gặp nhau ở cuộc họp". Nhưng rồi, trận pháo kích ngay sau đó của địch vào đúng vị trí căn hầm của bộ chỉ huy đã ngăn bước di chuyển của ông.

Nhớ về cha tôi, trong cuốn "Kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm" (NXB Văn Nghệ TP.HCM, 1983), thượng tướng Trần Văn Trà đã viết "Đồng chí Nguyễn Thế Truyện, một Tư lệnh Sư đoàn dũng cảm vô song đã vào tận thủ đô ngụy trong Tết Mậu Thân 1968 và đã hy sinh anh dũng trên vùng ven ác liệt ngày nào...". Là một trong số những người còn được sống khi cuộc chiến tranh sắp kết thúc, thiếu tướng Lê Trọng Tấn (sau này là đại tướng) đã dẫn đầu một cánh quân tiến vào bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Tại đây, ông lấy nhanh một tấm ảnh nằm trong đống tài liệu bề bộn mà đối phương để lại khi tháo chạy, lật phía sau ảnh ghi rất nhanh và trao cho sĩ quan thư ký: "Chuyển ảnh này ngay cho chị Cầm vợ anh Nguyễn Thế Truyện".

Tấm ảnh ấy đã đến tay mẹ con chúng tôi ở Hà Nội, chỉ vài ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, với dòng chữ "Gởi chị Cầm, niềm vinh dự của chị và các cháu" - Ba Long, 11h, ngày 30 tháng 4 năm 1975" (Ba Long là bí danh của ông Lê Trọng Tấn). Tấm ảnh ghi lại một phiên họp ở mặt trận vùng giáp ranh Sài Gòn có các vị Lê Trọng Tấn, Trần Độ, Hoàng Cầm… và ba tôi. Với gia đình tôi, tấm ảnh đó là một kỷ vật vô giá, được giữ gìn cẩn thận từ bấy đến nay.

Bức ảnh về một cuộc họp tại Bộ chỉ huy quân giải phóng Miền Nam năm 1967, do tướng Lê Trọng Tấn thu được tại Bộ TTM quân đội Sài Gòn. Trong ảnh là các ông Lê Trọng Tấn (sau này là đại tướng, Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN), Hoàng Cầm (sau này là thượng tướng QĐNDVN)... Ông Nguyễn Thế Truyện là người đứng, mặc áo đen, đeo kính trắng
Sau bức ảnh này là bút tích của đồng chí Lê Trọng Tấn (ảnh tư liệu gia đình)

3. Năm 2010, bốn mươi hai năm sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, khi ba tôi có trong danh sách được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, không ít người quen biết gia đình tôi đặt câu hỏi “Vì sao đến bây giờ ông Truyện mới được phong danh hiệu anh hùng ?”. Má tôi đã thưa lại với họ những lời tự đáy lòng bà: “Chậm vậy chứ chậm nữa hoặc không được cũng chẳng sao. Nhiều người có đóng góp lớn và nhiều người đã không trở về cũng chưa nhận được danh hiệu gì. Hỏi thăm việc thực hiện chính sách không sai, nhưng cũng e có chút gì xúc phạm đến người đã tự nguyện ra tiền tuyến và ngã xuống trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước”.

Đúng là vậy, đại tá Nguyễn Thế Truyện - cha tôi khi cầm súng ra chiến trường, để lại phía sau người vợ trẻ và ba đứa con nhỏ chưa đứa nào đủ 10 tuổi, ông có đời nào nghĩ đến việc sẽ được phong tặng những huân chương hoặc danh hiệu nào đó nếu may mắn sống sót trở về. Điều mà ông có thể đã lan man nghĩ, lan man nhớ khi nằm tòn ten trên chiếc võng vải dù màu xanh cỏ úa, ở khoảng lặng ngắn ngủi giữa hai cuộc hành quân, là hình ảnh ông - trong phút ngẫu hứng bế bổng vợ lên cầu thang căn hộ tập thể ở 18 bis Nguyễn Biểu, Hà Nội năm 1961 sau khi đi xem vở kịch Luba về.

Hành động lãng mạn ấy của một sĩ quan chỉ huy của quân đội đã bị ông Hai Đốc - một vị lãnh đạo của Ban Thống nhất trung ương và là hàng xóm lớn tuổi của ông Truyện - bắt gặp. Ông Truyện đã xấu hổ đỏ mặt nhưng ông Hai Đốc thì lại khuyến khích: “Được, được đó, làm tới đi đồng chí chỉ huy!”. Và có lẽ ông lại nhớ, hồi ông chia tay vợ năm 1962, Hà Nội đang vào mùa cuối xuân, hoa sữa thơm suốt cả con đường Nguyễn Du nơi có căn nhà cơ quan bố trí cho người sắp đi B tiếp khách (để giữ bí mật), ông đã nắm tay vợ và hẹn ngày gặp lại. Gặp ở đâu cũng được, ở vùng ven Sài Gòn nơi ông bà gặp nhau lần đầu tiên vào năm 1950, hay ở Hà Nội – nơi ông lần đầu tiên chia sẻ cùng bà cuộc sống gia đình đầm ấm nhưng vô cùng ngắn ngủi. Mùi hoa sữa và hơi ấm bàn tay người vợ trẻ đã đi theo ông suốt sáu năm cuối cùng cuộc đời chinh chiến kéo dài hơn hai mươi năm.

Khi đại tá Nguyễn Thế Truyện nằm xuống vĩnh viễn ở khu vực Bộ chỉ huy tiền phương Bắc Sài Gòn - Gia Định mùa xuân năm 1968, ông tròn bốn mươi tuổi. Năm ấy, em gái út Thanh Hiền của tôi mới đứng cao hơn cái mặt bàn chút xíu. Nó tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy một trong những tấm ảnh chân dung cha tôi được phóng to khác thường, phía trước là bát nhang đượm hương khói. Và khi nó được cho hay là cha sẽ không bao giờ có thể trở về để bồng nó trên tay như nó từng ao ước, em tôi đã khóc thút thít như vừa bị ai lấy mất đi thứ gì đó rõ ràng là thuộc về nó. Nhưng rồi chỉ lát sau, nó đã lại chạy ra sân với đám bạn loắt choắt trong khu tập thể. Tội nghiệp em, nó chẳng có bất cứ kỷ niệm nào về cha, vì khi ông đi vào chiến trường, nó mới 10 tháng tuổi….

Ngày 17-4-2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho đại diện gia đình đại tá liệt sĩ Nguyễn Thế Truyện. Buổi lễ được tổ chức trọng thể tại nhà hát TP.Hồ Chí Minh.

Năm 2012, Hội đồng đặt tên đường TP.HCM đã chọn một con đường mang tên Nguyễn Thế Truyện. Đường này nằm ở P.Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM.

Bà Dương Thanh Cầm, vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thế Truyện cùng con gái lớn (tác giả bài viết) tại đường Nguyễn Thế Truyện, P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú
Bà Dương Thanh Cầm cùng con rể - luật sư Trương Trọng Nghĩa (phu quân của bà Nguyễn Thế Thanh)

Bình luận (0)

Lên đầu trang