Vừa qua, một chủ đầu tư (CĐT) có văn bản gởi lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đề nghị giao 12 héc ta đất thuộc KDL cù lao An Bình (xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ) để xây dựng dự án Trung tâm văn hóa, KDL tâm linh chùa An Bình. Theo đề nghị trên, toàn bộ diện tích xã Hòa Ninh giao cho chủ đầu tư, hàng ngàn người dân chưa biết sẽ sống thế nào?.
GIAO ĐẤT CÀNG NHIỀU CÀNG TỐT(?)
Ngày 2-1-2018, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long nhận được văn bản của một CĐT (tại phường 13, quận 10, TP.HCM). Một lãnh đạo tỉnh cho biết, dù chưa một lần gặp mặt, trao đổi, làm việc với lãnh đạo tỉnh nhưng CĐT trên gởi văn bản khái quát dự án.
Theo đó, dự án này đặt tại KDL cù lao An Bình thuộc xã Hòa Ninh, huyện Long Hồ. Đối với diện tích đất thực hiện dự án, CĐT đề nghị tỉnh Vĩnh Long cấp tối thiểu 12 ha (tức 120.000 m2).
CĐT ghi thêm rằng giao càng nhiều đất càng tốt. “Việc thực hiện dự án hết sức cần thiết để thu hút khách du lịch tham quan…”,
Theo văn bản trên, ngoài cổng chính, cổng phụ và chính điện, sẽ xây dựng công viên Đức Phật bằng đá sa thạch xanh, khu công viên hòa bình, khu công viên văn hóa và khu từ thiện. Mỗi khu được xây dựng trên diện tích 20.000 m2.
Đặc biệt, tại khu công viên văn hóa, CĐT sẽ xây dựng chùa Một Cột (đúng với nguyên mẫu), tượng Lý Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Quang Trung, Nguyễn Trãi và tượng thầy trò Tam Tạng thỉnh kinh… Khu từ thiện sẽ xây 2 trung tâm cô nhi từ bi và trung tâm dưỡng lão cấp cô độc...
Khu du lịch cù lao An Bình có rất đông khách chọn để tham quan tour miệt vườn
Về nguồn vốn đầu tư, CĐT không dự trù như những dự án khác. Về đánh giá tác động môi trường, CĐT cho rằng “Việc triển khai dự án không chỉ mang giá trị về văn hóa, nghệ thuật mà có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh, mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội cho người dân huyện Long Hồ.
Từ đó, CĐT đề nghị tỉnh Vĩnh Long sớm cho chủ trương để thực hiện dự án trong năm 2018.
Văn bản trên làm chính quyền địa phương hết sức bối rối. Nếu theo đề nghị của CĐT thì tỉnh Vĩnh Long sẽ xóa sổ KDL cù lao An Bình. Điều đó đồng nghĩa tỉnh xóa sổ luôn xã Hòa Ninh trong bản đồ hành chính tỉnh bởi diện tích của xã này hơn 11 km2.
KDL cù lao An Bình là điểm du lịch cho vùng sông nước miền Tây. Những ngày lễ, ngày nghỉ, nhiều du khách đến đây để tham quan.
Du khách đi thuyền qua cù lao An Bình
KHÔNG CẦN THIẾT ĐỂ XÂY DỰNG
Một lãnh đạo địa phương cho rằng, xây dựng KDL tâm linh chùa An Bình là không cần thiết bởi địa phương đã có ngôi cổ tự Tiên Châu được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 3211/QĐ, ngày 12-12-1994.
Chùa được xây dựng theo hình chữ tam, 3 gian nối liền nhau, gồm có chánh điện, hậu tổ, hậu liêu. Chùa có tất cả 96 cột gỗ tròn, các kèo, xuyên, trính đều được chạm trổ khéo léo qua bàn tay tinh xảo của các nghệ nhân địa phương, nhất là những người thợ tài hoa từ kinh đô Huế vào. Toàn bộ gỗ xây dựng đều là danh mộc được thả bè từ Nam Vang (Phnom Penh, Campuchia) về đây.
Trong chùa có nhiều pho tượng được đắp tạc khéo léo, công phu, đậm nét mỹ thuật, được sơn son thếp vàng đẹp đẽ, nhưng độc đáo nhất là bằng mắt thường không ai có thể biết đó là các pho tượng đắp bằng đất sét. “Trên địa bàn có ngôi chùa Tiên Châu thì không cần thiết xây dựng chùa An Bình”, một lãnh đạo địa phương cho biết.
Một cuộc thi"chó đẹp" được tổ chức tại cù lao An Bình dịp Tết vừa qua
Ông Lê Phi Long, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, cù lao An Bình rộng 6.000 ha nằm giữa sông Tiền và sông Cổ Chiên, gồm 4 xã: An Binh, Hòa Ninh, Bình Hòa Phước và Đồng Phú.
Ngày 26-2, tỉnh Vĩnh Long mời CĐT, Sở Kế hoạch - Đầu tư, UBND huyện… dự họp. Sau khi nghe trình bày của các cơ quan liên quan và quan điểm của tỉnh, CĐT "chốt hạ" một câu: gởi văn bản nhầm địa chỉ và chọn nhầm nơi thực hiện dự án.
Trước đó, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long có quy hoạch một phần xã Đồng Phú xây dựng Trung tâm văn hóa, KDL tâm linh. Xã Hòa Ninh không có quy hoạch nên địa phương không đồng ý đề xuất của CĐT.
Chiều 27-2, trao đổi với PV, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho biết: “Tỉnh luôn chào đón nhà đầu tư, xây dựng các dự án trên địa bàn tỉnh để thúc đầy phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi hết sức xem xét về đánh giá tác động môi trường, nơi thực hiện dự án. Dĩ nhiên, không phải dự án khu du lịch tâm linh mà tất cả các dự án liên quan đến thu hồi đất của người dân, tỉnh sẽ kiểm tra kỹ hơn chứ không vội vàng đồng ý bởi gắn liền quyền lợi của người dân”. |