Sau một ngày làm việc, chiều 19/9, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội 2023 đã bế mạc với nhiều đề xuất, gợi mở hữu ích cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, ban hành cơ chế, chính sách.
Các kết quả thảo luận sẽ được Ban tổ chức tổng thuật đầy đủ để gửi đến các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách, định hướng về phát triển kinh tế - xã hội. Bản tổng thuật cũng sẽ được gửi đến các vị đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo.
Khái quát lại trong phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, các ý kiến thảo luận thống nhất và nhấn mạnh rằng cần phải “làm mới” các động lực tăng trưởng cũ, các động lực tăng trưởng truyền thống trên cơ sở ban hành, thực thi khuôn khổ chính sách, pháp luật để khuyến khích các thay đổi hành vi trong cả tiêu dùng, sản xuất và đầu tư.
Bên cạnh củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, Diễn đàn nhấn mạnh phải phát hiện, khai thác hiệu quả những động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là các động lực như phát triển kinh tế số, tăng năng suất lao động và năng suất các yếu tố tổng hợp, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế, nhất là cho chuyển đổi số một cách bền vững, an toàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp với các quốc gia trong việc duy trì các chuỗi cung ứng hiện có… cũng là những vấn đề được đặt ra.
Vẫn theo các đại biểu, bài toán phát huy nội lực, nâng cao năng lực nội sinh của doanh nghiệp, của nền kinh tế, đồng thời vận dụng hiệu quả các yếu tố “ngoại lực” và kiến tạo các động lực mới cho tăng trưởng là yếu tố mấu chốt, đem lại sức mạnh cộng hưởng nhằm hướng tới phục hồi và phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững.
Đề cập đến việc vận dụng, khai thác hiệu quả “ngoại lực”, quá trình thảo luận, các ý kiến tại Diễn đàn đề xuất cần phát huy các động lực từ thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu, hướng tới bền vững.
Chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết và xúc tiến, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thế hệ mới, các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các ngành kinh tế mới, có công nghệ hiện đại, có kế hoạch đầu tư cho nghiên cứu và triển khai, có kết nối, chuyển giao công nghệ với doanh nghiệp trong nước; tranh thủ tối đa các thị trường xuất khẩu chủ lực, truyền thống, phát triển thị trường mới, thị trường ngách, đáp ứng nhanh, kịp thời yêu cầu mới của nước đối tác xuất khẩu…
Nhiều ý kiến về kiến tạo các động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế cũng được nêu ra, trong đó tập trung vào 5 động lực chủ yếu về thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp nội địa; đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh; hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu và năng cao năng lực tự chủ, tự lực của nền kinh tế.
Các đại biểu cũng cho rằng cần có thêm các chính sách nhằm quan tâm thúc đẩy liên kết vùng, phục hồi và tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, nhất là Hà Nội và TP.HCM. Tăng cường phát triển khu vực kinh tế tư nhân cần phải có đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn…
Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc, rào cản lớn đối với doanh nghiệp trong nước hiện nay. Cần có các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ linh hoạt, chuyên trách, chuyên nghiệp và hiệu quả.
Liên quan đến động lực từ lợi ích thiết thực của tăng trưởng xanh, các đại biểu khẳng định đây là con đường tất yếu, trụ cột xuyên suốt trong định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách nhằm hướng tới nâng cao sức cạnh tranh và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Các đại biểu cho rằng cải cách và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế là động lực đột phá nhưng cũng khó thực hiện và có thể cần nhiều thời gian nhất bởi động lực này giúp kiến tạo cơ chế mới, cách thức vận hành mới, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn, minh bạch. Đây là một trong những đột phá chiến lược để phát triển bền vững đất nước…
Khẳng định những thông tin quý, hữu ích của Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội lần nữa nhấn mạnh, các ý kiến này sẽ là đầu vào, tư liệu hết sức quan trọng được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan hữu quan nghiên cứu trong quá trình hoạch định chính sách và quản lý nhà nước.
Trong phiên thảo luận cấp cao vào chiều 19/9, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã chia sẻ việc triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TPHCM.
Ông Dương Anh Đức cho biết, Nghị quyết ra đời đã tạo tâm lý phấn khởi cho người dân toàn Thành phố. Hiện Thành phố đang rất quyết liệt triển khai để đưa Nghị quyết này vào cuộc sống.
“Nghị quyết 98 đã đem đến nhiều cơ hội triển khai các dự án đối tác công tư với những chính sách đặc thù, giúp đẩy nhanh những dự án trọng điểm, sớm đưa vào sử dụng, tạo lợi ích cho xã hội cũng như đà cho sự phát triển của Thành phố” – ông Dương anh Đức tin tưởng.
Lãnh đạo UBND TPHCM cũng chỉ ra một nguồn lực nội sinh không kém phần quan trọng của TP là nguồn lực về con người. Theo đó, HĐND TP đã ban hành nhiều chính sách về vấn đề này để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học vào sự phát triển của Thành phố.
“Đây là những nỗ lực mà Thành phố quyết tâm triển khai để đưa Nghị quyết 98 vào cuộc sống” – ông Đức nói.
Thông tin thêm sau đó, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch nói, chưa bao TPHCM được cho hệ thống chính sách bài bản để phát triển như Nghị quyết 98 của Quốc hội. Theo ông, Nghị quyết này vừa là chế định mang tính hình thức, vừa là chế định mang tính nội dung, sẽ góp phần giúp cho TPHCM cải cách, nâng cao quản trị cải cách hành chính địa phương.
“Với 4 nhóm chính sách tạo động lực trước nay chưa từng có và 5 nội dung phân cấp, phân quyền để nâng cao năng lực quản trị hành chính mà Nghị quyết 98 của Quốc hội giao cho, TPHCM đã được gỡ những điểm nghẽn về thể chế” – TS.Trần Du Lịch nhìn nhận.
Ông tin tưởng, sau 3 năm sơ kết thực hiện các chính sách đặc thù, TPHCM sẽ gỡ được những điểm nghẽn về hạ tầng và thực sự phát triển xứng tầm.