Với lòng yêu nước nồng nàn, sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, quân và dân ta đã anh dũng, kiên cường chiến đấu, đập tan âm mưu của quân xâm lược Trung Quốc tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam trên địa bàn các tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái), Lai Châu, Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang), Quảng Ninh.
Trong đó, lực lượng Công an nhân dân (CAND) đã xuất sắc chủ động nắm tình hình, sáng tạo, anh dũng, kiên cường, sát cánh cùng các lực lượng vũ trang và nhân dân đánh đuổi quân xâm lược, góp phần to lớn trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
CHỦ ĐỘNG TRƯỚC VIỆC GÂY HẤN CỦA QUÂN TRUNG QUỐC
Đầu năm 1978, Trung Quốc bắt đầu tổ chức hàng loạt các hoạt động gây hấn, khiêu khích khiến tình hình căng thẳng ở biên giới phía Bắc. Ở ngoại biên, Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự, chuẩn bị chiến tranh, bắt dân ta ở biên giới sang Trung Quốc (đi chợ, thăm thân) khai thác thu thập tình báo, lợi dụng quan hệ họ hàng của người H’Mông (Mèo) giữa hai bên biên giới, xúi giục người H’Mông ở biên giới gây bạo loạn…
Điển hình là nổ súng diễn ra ở Bắc Luân, Hữu Nghị, Pò Pao khiến người dân vô tội bị chết, bị thương hàng chục người. Thậm chí, Trung Quốc còn xâm nhập sâu vào biên giới Việt Nam phục kích, bắt cóc cán bộ, lấy tài liệu.
Ngoài ra, Trung Quốc còn cho hàng trăm tàu, thuyền vũ trang xâm nhập, khiêu khích quấy rối ngư dân Việt Nam, nổ súng vào tàu đánh cá của dân ta...
Các lực lượng vũ trang phối hợp và nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc kiên cường chiến đấu chống quân xâm lược. Ảnh: TTXVN
Trước những diễn biến gây căng thẳng của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, lực lượng Công an đã chủ động nắm chắc tình hình, triển khai phương án đấu tranh. Ngày 7-7-1978, Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 33 ra Nghị quyết, trong đó nhấn mạnh: “Phải kịp thời chuyển hướng mạnh mẽ về tư tưởng, tổ chức, công tác, khẩn trương chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Đẩy mạnh công tác chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới, bờ biển và hải đảo. Trong bất kỳ tình huống nào, lực lượng Công an nhân dân vũ trang biên phòng cũng phải đứng vững trên vị trí, nắm vững chức năng của mình trong nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền và an ninh biên giới của Tổ quốc” .
Nghị quyết Hội nghị xác định: “Đối với biên giới phía Bắc, phải tranh thủ xây dựng phòng tuyến nhân dân, tổ chức các bản, xã chiến đấu, các khu vực chiến đấu, vùng chiến đấu đi đôi với tăng cường bố phòng, chuẩn bị sẵn sàng chống các hoạt động khiêu khích, tập kích, gây phỉ, gây bạo loạn, sẵn sàng chiến đấu chống vũ trang lấn chiếm hoặc vũ trang xâm lược.
Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang phải trao đổi với Bộ Tổng tham mưu và các Bộ Tư lệnh quân khu I, II (Bộ Quốc phòng) để thống nhất kế hoạch bố phòng tác chiến, phối hợp chiến đấu trong tình huống có chiến tranh do phía Trung Quốc gây ra ở biên giới phía Bắc” .
Từ Hội nghị này, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) lập kế hoạch “KH 778”- Kế hoạch đối phó với chiến tranh biên giới.
Tháng 10-1978, đồng chí Trung tướng Trần Quyết - Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, trực tiếp lên chỉ đạo công tác chuẩn bị chiến đấu của CAND vũ trang và công an các tỉnh biên giới phía Bắc. Ngày 27-12-1978, Bộ Tư lệnh CAND vũ trang ra Mệnh lệnh số 02/ML-BTL yêu cầu tất cả các đơn vị CAND các tỉnh biên giới phía Bắc chấp hành nghiêm chỉnh lệnh báo động cấp II.
Tất cả các đơn vị phải khẩn trương triển khai sẵn sàng chiến đấu theo phương án tác chiến bảo vệ biên giới. Đồng thời, Bộ Tư lệnh CAND vũ trang chỉ đạo lực lượng Công an vũ trang các tỉnh phải kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thuộc quyền chấp hành lệnh triển khai sẵn sàng chiến đấu.
Các đồn, trạm Công an vũ trang phải tổ chức trực ban, trực quân số, vũ khí sẵn sàng chiến đấu tại trận địa, chống pháo kích, tập kích, tiến công bất ngờ, tham mưu cho địa phương xây dựng tuyến phòng thủ biên giới.
Từ ngày 26-12-1978 đến ngày 2-1-1979, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 34, tiếp tục xác định: Ở biên giới phía Bắc phải tiến hành các biện pháp củng cố và làm trong sạch địa bàn, không để xảy ra bạo loạn trong bất kỳ tình huống nào.
Tổ chức tốt công tác nắm tình hình ngoại biên, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng bộ đội và dân quân du kích, khẩn trương tăng cường các mặt công tác phòng thủ, bảo vệ biên giới, chủ động chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống các hoạt động khiêu khích, lấn chiếm ồ ạt tung người Hoa sang nước ta và đặc biệt là phương án phòng, chống chiến tranh xâm lược.
Trong phương án này, phải dự kiến những tình huống có thể xảy ra, từ đó dự kiến các chủ trương đối phó và các việc phải làm trước, trong và sau khi xảy ra chiến tranh xâm lược để chủ động thực hiện việc phòng, chống chiến tranh xâm lược.
Phải có biện pháp hiệu lực bảo vệ nhân dân, tránh phi pháo, bắn súng, bắt cóc của địch, giữ bí mật các tin tức, hoạt động của ta. Phải tiếp tục phát hiện và quét sạch bọn gián điệp, bọn thám báo mới xâm nhập hoặc đã cài cắm từ trước. Phải làm công tác bảo vệ những nhân vật mà địch có thể lợi dụng dựng lên làm ngọn cờ cho các “chính quyền” ly khai, tự trị… mà chúng đang tìm cách thực hiện ở một số nơi.
Lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình mọi di biến động của các đối tượng, nhất là các đối tượng chính trị; dự kiến các tình huống phức tạp xảy ra, các biểu hiện liên kết hoạt động trong, ngoài; xóa các cơ sở xã hội mà địch có thể lợi dụng gây bất ổn từ bên trong; giữ yên tình hình từ bên trong và từ cơ sở.
Ngày 8-1-1979, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã triệu tập cán bộ lãnh đạo các vụ, cục thuộc cơ quan Bộ Nội vụ, phổ biến tình hình giải phóng Campuchia và chuẩn bị đối phó chiến tranh biên giới Việt- Trung (lúc này Trung Quốc đã đưa quân áp sát biên giới phía Bắc. Quân đội Việt Nam đã được lệnh chuyển quân lên biên giới phía Bắc để chuẩn bị chiến đấu).
MỆNH LỆNH "QUÂN SỰ HÓA CƠ QUAN"
Trước những động thái gây hấn của Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam, Bộ Quốc phòng khẩn trương điều chỉnh lực lượng, kiện toàn tổ chức quân sự theo lãnh thổ, tăng cường khả năng chiến đấu phòng thủ trên tuyến biên giới phía Bắc; đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết những bất đồng với Trung Quốc bằng con đường hòa bình.
Tuy nhiên, lợi dụng trời tối và nhiều sương mù đêm 16 rạng ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc bí mật vượt biên giới, luồn sâu ém sẵn trên đất Việt Nam dọc tuyến biên giới từ Quảng Ninh đến Lai Châu; đồng thời triển khai lực lượng áp sát biên giới. Dấu chân và xích xe tăng của quân xâm lược giày xéo in trên mảnh đất thân yêu của Tổ quốc.
Cuộc sống của đồng bào các dân tộc Việt Nam ở biên giới bị xâm hại. Máu của đồng bào ta đã đổ. Quân và dân ta một lần nữa lại buộc phải cầm súng đứng lên, bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng trước âm mưu của quân xâm lược.
Trước tình thế cấp bách, ngay trong chiều 17-2-1979, đồng chí Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn phổ biến tình hình chiến sự nổ ra ở biên giới Việt- Trung và chỉ thị cho Cục Cơ yếu, Cục Thông tin liên lạc phải tổ chức tốt mạng liên lạc cơ yếu ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc từ Bộ xuống các tỉnh; từ tỉnh xuống các huyện, thị xã và từ huyện với các đồn, trạm Công an nhân dân vũ trang.
Các chiến sĩ bám sát trận địa, trừng trị đích đáng quân xâm lược. Ảnh: TTXVN
Cục Cơ yếu tổ chức thường trực 24/24 giờ/ngày, hoãn nghỉ phép, tăng cường kiểm tra giúp cơ yếu biên giới, chuẩn bị phương án di chuyển tài liệu khi cần thiết. Bộ trưởng ra mệnh lệnh số 35 và 36 “Quân sự hóa cơ quan” trong toàn lực lượng CAND. Từ ngày 17-2-1979 đến nửa đầu tháng 3-1979, hằng ngày, đồng chí Bộ trưởng đều thông báo tình hình chiến sự ở biên giới và nghe các vụ, cục báo cáo những phương án đối phó với địch.
Các đảng bộ, chi bộ, chi đoàn ở các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh CAND vũ trang tổ chức sinh hoạt chính trị, học tập quán triệt sâu sắc lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Các cục, phòng, ban tổ chức hợp lý về biên chế nhằm tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống cơ sở công tác và chiến đấu.
Thực hiện khẩu hiệu “Chuyên môn giỏi, chiến đấu giỏi”, các cục tham mưu, chính trị, hậu cần, trinh sát, văn phòng, ban nghiên cứu cơ bản tổ chức đơn vị chiến đấu tại chỗ, cơ động khi cần thiết, củng cố, xây dựng thêm nhiều trận địa, công sự chiến đấu, hào giao thông và tổ chức nhiều lần luyện tập phương án chiến đấu ngày cũng như đêm, đảm bảo đánh thắng quân xâm lược trong mọi tình huống.
Với khẩu hiệu “Người sẵn sàng, xe sẵn sàng, có lệnh là lên đường được ngay”, các chiến sĩ lái xe thuộc cơ quan bộ tư lệnh thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thường trực số quân, trực ban, trực chỉ huy, bảo đảm mọi kế hoạch công tác thường xuyên, đột xuất.
KIÊN CƯỜNG, ANH DŨNG TRÊN TRẬN TUYẾN
Trước hành động ngang ngược của quân xâm lược, ngay trong ngày 17-2-1979, Chính phủ ta ra tuyên bố, nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả.
Và, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc bắt đầu. Công an các tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Yên Bái và Lào Cai), Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu đã tăng cường công tác bảo vệ an ninh, bám sát địa bàn hoạt động, tích cực vận động nhân dân nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu chống quân xâm lược.
Tại Hoàng Liên Sơn, quân xâm lược bắn phá ác liệt, các chiến sĩ CAND các huyện Mường Khương, Bát Xát, thị xã Lào Cai nêu cao tinh thần tận tụy, bảo vệ nhân dân, giúp đỡ các cụ già, em nhỏ sơ tán ra khỏi vùng đánh phá của địch, cứu chữa những người bị thương.
Nhiều chiến sĩ CAND đã dũng cảm sát cánh cùng các lực lượng vũ trang đánh địch quyết liệt để bảo vệ nhân dân sơ tán. Được nhân dân phát hiện giúp đỡ, CAND đã kịp thời bắt và trừng trị những tên phản động định câu kết với địch.
Các tổ trinh sát CAND vừa phục kích chặn đánh các đối tượng tay sai dẫn đường, chỉ điểm, vừa luồn sâu vào nơi quân xâm lược đóng quân để tiêu diệt thám báo, phản động. Các phân đội cảnh sát chiến đấu và lực lượng CAND vũ trang đã chặn đánh các mũi thám báo của địch trên tuyến đường sắt Lào Cai- Phố Lu, Lào Cai- Cam Đường, diệt hàng chục tên địch.
Ở khu vực Pha Long, 1 trung đoàn địch đã bao vây Đồn Pha Long. Trong 4 ngày (từ 17 đến 20-2-1979), cán bộ, chiến sĩ Đồn Pha Long đã sát cánh với công nhân lâm trường Pha Long chiến đấu quyết liệt với địch, bảo vệ từng khu vực của đồn, đẩy lùi hằng chục đợt tiến công của địch, trấp áp kịp thời bọn phản động trong địa bàn, ngăn chặn âm mưu gây bạo loạn của chúng.
Các tổ của Cảnh sát thị xã Lào Cai, Cam Đường, Bát Xát chặn đánh bọn biệt kích thám báo, diệt nhiều tên địch, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.
Ở các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Bảo Hòa, Sa Pa, Mù Căng Chải, công an vừa bố trí lực lượng chốt chặn bảo vệ các trục đường giao thông, vùng xung yếu, vừa bám sát các bản làng phát động quần chúng nâng cao cảnh giác bảo vệ an ninh, cùng nhân dân phát hiện và trừng trị kịp thời bọn thám báo phản động tiếp tay cho địch.
Công an các huyện Than Uyên, Văn Bàn, Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình, Trấn Yên kịp thời bắt hằng chục tên gây rối, kích động nhân dân. Với tinh thần cảnh giác cao, đồng bào các dân tộc ở Hoàng Liên Sơn đã phát hiện, báo với Công an những tên phản động người trốn sang Trung Quốc nay trở lại chỉ điểm, dẫn đường cho quân xâm lược.
Không để cho các đối tượng phản cách mạng kịp tiếp tay cho quân xâm lược, lực lượng CAND vũ trang Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) bảo vệ nghiêm các khu vực trọng yếu, vùng xung yếu, đề ra phương án bảo vệ, phương án chiến đấu trong mọi tình huống.
Công an dựa vào dân phát hiện, ngăn chặn những âm mưu nhen nhóm phản động, bạo loạn, phá hoại của các đối tượng phản cách mạng. Công an huyện Yên Minh tích cực vận động nhân dân vạch mặt và trừng trị nghiêm khắc những tên phản động câu kết với bọn xấu trà trộn trong dân tuyên truyền xuyên tạc và kích động nhân dân.
Pháo kích của ta nã vào trận địa địch. Ảnh: TTXVN
Để bảo vệ an ninh thời chiến, ở khu vực Lũng Làn, các chiến sĩ công an dựa vào tinh thần cảnh giác của nhân dân, trừng trị một số tên phản cách mạng, bảo vệ cho các lực lượng vũ trang xây dựng các tuyến phòng thủ để chủ động đánh giặc.
Quân xâm lược dùng pháo tầm xa bắn vào các bản làng của đồng bào. Các chiến sĩ công an kịp thời có mặt, giúp đỡ đồng bào các dân tộc chuyển lên các điểm cao trong núi, tránh tầm pháo của địch. Các chiến sĩ công an vũ trang cùng với lực lượng dân quân du kích chiến đấu kiên cường, giáng trả quân xâm lược những đòn đích đáng, đánh bật quân xâm lược ra khỏi thung lũng.
Đồn Lũng Làn đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, giữ vững trận địa. Thượng úy đồn trưởng Lộc Viễn Tài chỉ huy mưu trí, dũng cảm. Một mình đồng chí sử dụng 5 loại vũ khí xông vào giữa vòng vây địch, giải vây cho đồng đội, diệt nhiều tên địch. Đồng chí đã anh dũng hy sinh!
TRỪNG TRỊ ĐỊCH VÀ BỌN PHẢN CÁCH MẠNG
Trong khi các trận đánh đang xảy ra quyết liệt ở xã Săm Pun, Công an huyện Đồng Văn (Hà Tuyên) khẩn trương bám các bản làng, tổ chức nhân dân chuẩn bị chiến đấu, phát hiện những tên tay sai, thám báo của địch. Các chiến sỹ công an huyện phối hợp với lực lượng công an xã truy bắt và trừng trị kịp thời một số tên tay sai của địch.
Công an huyện Yên Minh tổ chức khoanh vùng, truy bắt một số tên tay chân của địch ngay khi chúng đang tuyên truyền kích động nhân dân gây bạo loạn.
Công an các huyện Hà Quảng, Thông Nông, Quảng Hòa, Trà Lĩnh, Trùng Khánh (tỉnh Cao Bằng) đã kiên cường bám trụ các bản làng cùng các lực lượng vũ trang nhân dân đánh trả địch, truy lùng bắt giữ những tên phản động gián điệp, không cho chúng tiếp tay cho bọn xâm lược. Nhiều đơn vị Công an tận tụy dũng cảm, bảo vệ nhân dân, tiêu diệt nhiều tên địch, không cho chúng cướp phá.
Công an các huyện Văn Lãng, Cao Lộc, Lộc Bình, thị trấn Đồng Đăng của tỉnh Lạng Sơn đã kịp thời bắt và trừng trị những đối tượng tay sai câu kết với quân xâm lược ngay khi chúng tiến công đánh phá thị trấn, bảo vệ lực lượng vũ trang chặn đánh, tiêu diệt địch.
Với khí thế sôi nổi thi đua giết giặc lập công, Công an tỉnh Quảng Ninh lên đường ra các tuyến biên giới, hải đảo, vận động nhân dân cảnh giác, chống mọi hoạt động xâm nhập, phá hoại của địch. Do đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, đồng bào các dân tộc huyện Hải Ninh và các huyện đảo phát hiện và giúp lực lượng công an vây bắt, trừng trị kịp thời một số tên tay sai của địch ngay khi chúng vừa xâm nhập.
Hằng trăm đội xung kích vũ trang của Công an Quảng Ninh bám sát cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ an ninh Tổ quốc. Công an các huyện Bình Liêu, Hoành Bồ, cùng Công an nhân dân vũ trang các đồn biên phòng dũng cảm chiến đấu suốt ngày 17-2-1979, chặn đánh các mũi tiến công của quân xâm lược để bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.
Ty Công an Quảng Ninh cử nhiều cán bộ lên các vùng cao biên giới tổ chức vận động nhân dân bảo vệ an ninh, trật tự, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do địch gây ra, hỗ trợ các lực lượng vũ trang chiến đấu ở biên giới.
Quân ta đánh địch từ một điểm cao. Ảnh: TTXVN
Tại Lai Châu, lực lượng Công an nêu cao tinh thần bảo vệ nhân dân, tích cực chiến đấu. Trước sự đốt, phá 4 bản của đồng bào ở Sìn Hồ, các chiến sĩ Công an nhân dân dũng cảm chiến đấu chặn bàn tay bắn, giết, cướp phá của chúng.
Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang Lai Châu đề ra phương châm “Còn người, còn súng, còn trận địa”, tập trung nghiên cứu các phương án đánh địch có hiệu quả. Ban chỉ huy Đồn 1 đề ra kế hoạch đánh địch: Lấy đồn làm pháo đài chính, mỗi xã có một phân đội, do một đồng chí trong ban chỉ huy trực tiếp phụ trách.
Một phân đội cùng với đơn vị cơ động của tỉnh về chốt giữ ở xã Dào San chặn địch từ sau lưng, không cho chúng đánh vu hồi, cắt đứt đường huyết mạch về huyện lỵ. Bên cạnh việc đào chiến hào, củng cố công sự tránh phi pháo thật vững chắc, đồn bố trí nhiều bãi mìn định hướng để diệt bộ binh địch.
Tại Bắc Thái (nay là Bắc Kạn và Thái Nguyên), Công an huyện Võ Nhai cùng với công an các xã bám sát các cơ sở, giúp nhân dân chuẩn bị các hầm, hào phòng tránh và sẵn sàng chiến đấu. Dựa vào sự phát hiện của nhân dân, Công an huyện bắt và trừng trị kịp thời một số tên tay sai của Trung Quốc, làm thất bại luận điệu chiến tranh tâm lý, phá hoại sản xuất của địch. Lực lượng Cảnh sát bảo vệ giao thông của Công an huyện bám sát các trục đường giao thông để hướng dẫn sự đi lại của nhân dân, phục vụ chiến đấu...
Ghi nhận những đóng góp to lớn của lực lượng CAND, ngày 10-3-1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã tặng thưởng Huân chương cho 24 đơn vị Công an lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu chống quân xâm lược.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới, cán bộ, chiến sỹ Công an các tỉnh biên giới phía Bắc cùng với lực lượng vũ trang khác kiên cường dũng cảm không quản hy sinh, gian khổ, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta.
Nhiều đồng chí lập công xuất sắc, nêu gương sáng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Điển hình là các đồng chí: Nông Thế Tĩnh, Nông Thế Thuận và Đinh Văn Hải - Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Cao Bằng; Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát bảo vệ và các đồng chí Hoàng Văn Trai, Triệu Văn Điện, Hoàng Văn Liên, Phan Tiến Dũng, Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Lạng Sơn; Hoàng Văn Tâm, Cảnh sát bảo vệ Công an tỉnh Lai Châu được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều tấm gương khác nữa...
(CAO) Trong cuộc chiến ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng... tiến vào sâu nước ta.