Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - nhìn từ biên giới Tây Nam (kỳ cuối):

Không được quên quá khứ, nhưng hãy cùng hướng tới tương lai!

Thứ Bảy, 16/02/2019 10:44

|

(CAO) Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc năm 1979 và kéo dài 10 năm sau đó đã lùi xa vào quá khứ, nhưng ký ức về nó luôn còn mãi.

Đã và sẽ không có một nhân chứng lịch sử nào quên được những năm tháng chiến đấu hào hùng để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Đã và sẽ không có một công dân Việt Nam nào, dù là dân thường hay cán bộ lãnh đạo cao cấp, có thể quên được những mất mát đau thương do quân Trung Quốc xâm lược gây ra trong 10 năm giao tranh ở biên giới phía Bắc. “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục…” (Gamzatov), với người Việt Nam có lương tri, đó là một mặc định.

Cho đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ nào về tổn thất của đôi bên. Tướng Ngũ Tu Quyền, Phó tổng tư lệnh Quân giải phóng Trung Quốc tuyên bố số quân Việt Nam bị chết và bị thương là 50.000. Nhà sử học Gilles Férier thì cho rằng con số thiệt mạng của phía Việt Nam là gần 25.000. Tạp chí Time ước đoán số quân nhân Việt Nam hy sinh 10.000 người. Chỉ biết chắc chắn rằng, đó là một con số không nhỏ.

Chỉ tính riêng tại mặt trận Vị Xuyên từ năm 1984 đến năm 1989 đã có hơn 4.000 quân nhân hy sinh, hàng nghìn người bị thương, nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt. Ngoài con số thương vong về người, Việt Nam còn phải gánh chịu những tổn thất to lớn về kinh tế - xã hội - ngoại giao.

Cơ sở vật chất hạ tầng ở 6 tỉnh biên giới bị phá hủy. Các thị xã Lạng Sơn, Cao Bằng, thị trấn Cam Đường bị tàn phá hoàn toàn, 320/320 xã, 735/904 trường học, 428/430 bệnh viện, bệnh xá, 41/41 nông trường, 38/42 lâm trường, 81 xí nghiệp, hầm mỏ và 80.000 ha hoa màu bị phá nát, 400.000 gia súc bị giết và bị cướp. Khoảng một nửa trong số 3,5 triệu dân bị mất nhà cửa, tài sản và phương tiện sinh sống.

Khu nhà 4 tầng của cán bộ, công nhân tại TX.Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. (Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN)

Chưa hết, Việt Nam còn phải gánh chịu nhiều khó khăn, thiệt hại do thái độ và chính sách thù địch, vây hãm mà Trung Quốc và đồng minh của họ gây ra thời hậu chiến.

Tuy nhiên, người Việt Nam không định kiến quá khứ, yêu chuộng hòa bình và mong muốn “được làm bạn với tất cả các nước”, “được là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Trung Quốc là một nước lớn, láng giềng liền núi liền sông, nếu hai nước luôn ở tình trạng đối đầu căng thẳng thì không thể tập trung xây dựng được đất nước.

Từ xa xưa, ông cha ta luôn chủ động quan hệ với Trung Quốc những lúc hai bên thiếu đồng thuận, nhưng không để mất độc lập, chủ quyền. Cuộc chiến 10 năm ở biên giới phía Bắc đã là quá khứ, và người Việt Nam muốn khép lại để tiếp tục sống và nhìn về tương lai. Đó la điểm xuất phát và là nền tảng luân lý để nhân dân ta tiến bước trên con đường hòa giải, bình thường hóa quan hệ và hợp tác toàn diện với nước láng giềng Trung Quốc.

Tháng 7-1990, trong chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đánh tiếng “sẵn sàng bình thường hóa quan hệ với Việt Nam”. Một tháng sau đó, ngày 19-8-1990, Tổng Bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân có thư qua đường Đại sứ mời Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười sang thăm Trung Quốc.

Ngày 31-7-1991, tại Trung Nam Hải, cuộc hội đàm chính thức giữa Trung Quốc (do Tổng Bí thư Giang Trạch Dân làm trưởng đoàn) và Việt Nam (do Đại tướng Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Đức Anh làm trưởng đoàn) thống nhất chủ trương bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.

Từ ngày 5 đến 10-11-1991, nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc.

Hai bên ra thông cáo chung và ký Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước Trung - Việt trên cơ sở 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, đồng thời ký kết quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Vấn đề nóng bỏng hàng đầu sau khi bình thường hóa quan hệ vẫn là biên giới lãnh thổ. Sau nhiều năm đàm phán, ngày 30-12-1999, hai bên ký kết “Hiệp ước biên giới trên đất liền”, và 10 năm sau (2009) hoàn thành việc cắm mốc biên giới trên bộ.

Đối với Vịnh Bắc bộ, năm 2000, Việt Nam - Trung Quốc ký “Hiệp định phân định Vịnh Bắc bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa” và “Hiệp định hợp tác nghề cá Vịnh Bắc bộ”, cùng điều tra, khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản.

Vấn đề Biển Đông đang tồn tại những bất đồng chưa dễ giải quyết một sớm một chiều. Sau xung đột biên giới phía Bắc, hai bên nhất trí thông qua đàm phán hòa bình để giải quyết các tranh chấp trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố của Trung Quốc và ASEAN về cách ứng xử ở Biển Đông năm 2002.

Trên các lĩnh vực khác, từ cuối năm 1991 đến nay, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc được phục hồi và từng bước phát triển. Về chính trị - ngoại giao, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên có các chuyến thăm chính thức và gặp gỡ bên lề hội nghị quốc tế; các tổ chức chính trị, đoàn thể, địa phương duy trì giao lưu, hội thảo và hợp tác.

Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) - một trong những nơi giao thương tấp nập nhất hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc

Về kinh tế, đồ thị trao đổi thương mại song phương không ngừng phát triển; nếu năm 1991 kim ngạch thương mại hai bên chỉ 32 triệu USD, thì năm 2018 chỉ số dự báo chạm mốc gần 100 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại Việt Nam từ 1991 đến 1999 mới có 76 dự án với tổng số vốn 120 triệu USD; 10 năm sau (2009) là 657 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 2,6 tỷ USD; đến năm 2018, số vốn đăng ký đầu tư theo giấy phép tăng 2,7 lần.

Về giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, trong những năm qua, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng. Số du học sinh Việt Nam tại Trung Quốc và ngược lại ngày một tăng; giao lưu văn hóa truyền thống, thể dục thể thao, triển lãm hội họa, xuất bản, báo chí, điện ảnh, sân khấu diễn ra với tần suất cao (từ 1991 đến nay đã có hàng trăm đoàn đại biểu văn hóa sang Trung Quốc biểu diễn, trao đổi nghiệp vụ và ngược lại).

Theo thống kê của Tổng cục du lịch, nếu năm 1993 mới có 17.000 lượt khách Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, thì năm 2018 chỉ tính riêng tháng 11, con số đó đã hơn 4,5 triệu lượt người. Những con số nói trên đang nói lên tất cả.

Lực lượng chức năng bảo vệ biên giới của Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên phối hợp, hỗ trợ nhau trong công tác phòng chống các loại tội phạm, nhất là nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em

Gần 30 năm bình thường hóa quan hệ, mặc dù vẫn còn những tồn tại bất đồng, nhưng xu thế hòa bình, hữu nghị và hợp tác vẫn giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc. Chúng ta không thể quên quá khứ, không được quên, nhưng chúng ta phải nhìn về tương lai vì lợi ích của nhân dân hai nước và xu thế tất yếu của thời đại.

Bài học rút ra từ cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, là để, như lời hát trong Bài ca xây dựng của nhạc sĩ Hoàng Vân: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho muôn đời sau”!

Cuộc chiến 10 năm sau ngày Trung Quốc rút quân 18-3-1979
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang