Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - nhìn từ biên giới Tây Nam (kỳ 1):

"Từ một nòng súng"

Thứ Ba, 12/02/2019 21:01

|

(CAO) Báo Công an TP.HCM trân trọng giới thiệu bài viết dài kỳ “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - nhìn từ biên giới Tây Nam” của Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7.

Từ sau ngày nhân dân ta giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Trung Quốc một mặt thi hành chính sách thù địch, liên tục gây hấn với Việt Nam, mặt khác hậu thuẫn cho Pol Pot – Ieng Sary tiến công xâm lược Việt Nam tại biên giới Tây Nam.

Khi quân và dân ta đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của tập đoàn Khmer Đỏ, chuyển sang thực hiện nghĩa vụ quốc tế theo điều khoản Hiệp ước Hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trung Quốc bất ngờ phát động cuộc chiến tranh xâm lược trên quy mô lớn dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.

Nhân dân ta, một lần nữa, buộc phải cầm súng chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược, đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng lại đất nước.

Đó là một thành tựu phi thường trong điều kiện nhân dân Việt Nam vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh kéo dài 30 năm với muôn vàn khó khăn chồng chất.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 – 17/2/2019), Báo Công an TP.HCM đăng loạt bài dài kỳ “Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - nhìn từ biên giới Tây Nam” của Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7.

"Kẻ thù buộc ta ôm cây súng"

3 giờ 30 phút ngày chủ nhật 17-2-1979, Trung Quốc huy động 32 sư đoàn (60 vạn quân) với 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối đồng loạt tiến công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu).

Bộ đội ta chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ảnh: TL

Đó là thời điểm nhân dân Việt Nam vừa tiến hành thắng lợi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; và là đêm trước khi diễn ra Hội nghị ký kết Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thành phố Phnom Penh (ngày 18-2-1979).

Nội dung của Hiệp ước này là: Hai bên cam kết tăng cường đoàn kết hữu nghị và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau bảo vệ và xây dựng đất nước vững bền trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, góp phần giữ vững hòa bình ổn định ở Đông Dương, Đông Nam Á và thế giới; Chính phủ Campuchia chính thức yêu cầu quân đội Việt Nam ở lại giúp cách mạng Campuchia giữ gìn hòa bình, khắc phục hậu quả chế độ diệt chủng và xây dựng lại đất nước. Có gì liên quan giữa hai sự kiện lịch sử này?

Từ sau ngày 30-4-1975, nhân dân Việt Nam tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, cải tạo quan hệ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội. Các lực lượng vũ trang tinh giản biên chế, chuyển sang làm nhiệm vụ quân quản, bảo vệ chính quyền và thành quả cách mạng, giải quyết công tác chính sách hậu phương quân đội và tham gia lao động sản xuất phát triển kinh tế.

Sau 30 năm chiến tranh liên tục, hơn ai hết, nhân dân Việt Nam chỉ muốn được yên ổn lao động trong điều kiện đất nước hòa bình, thống nhất.

Nhưng nước láng giềng Trung Quốc dường như không muốn như thế. Ngay từ sau khi nhân dân ta giành được thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, họ triển khai một cách có chủ đích và hệ thống các hành động thù địch, thực hiện hàng nghìn vụ khiêu khích vũ trang, xâm lấn đất đai, gây nên tình hình căng thẳng trên vùng biên giới.

Tiến thêm một bước, từ tháng 5-1978, Trung Quốc dựng lên “sự kiện nạn kiều”, cưỡng ép gần 20 vạn Hoa kiều đang sinh sống yên ổn trở về nước, lấy đó làm cớ vu cáo Việt Nam, gây nên tình trạng xáo trộn, căng thẳng trong nội địa.

Một em bé đi lạc ở Cao Bằng trong những ngày đầu của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, được một cô bộ đội cứu và đưa và khỏi vùng chiến sự. Ảnh: TL

Cũng từ năm 1978, Trung Quốc ráo riết chuẩn bị chiến tranh, một mặt tuyên truyền chuẩn bị dư luận “dạy cho Việt Nam một bài học”, mặt khác làm đường cơ động, xây dựng kho trạm, tập kết vật chất hậu cần kỹ thuật và điều động lực lượng ra biên giới.

Toàn bộ hành động nói trên diễn ra đồng thời với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam ở biên giới Tây Nam của tập đoàn Khmer Đỏ. Việt Nam có đường biên giới chung với Vương quốc Campuchia dài 1.137 km; đối diện với các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắc Nông, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang của Việt Nam là các tỉnh Ratanakiri, Mondulkiri, Kratié, Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng, Kandal, Takéo và Kampot của Campuchia.

Đó là đường biên giới được hình thành ổn định từ trong quá trình hàng trăm năm lịch sử, phù hợp với thực tiễn giao bang hai nước và luật pháp quốc tế.

Từ năm 1975, sau khi nắm quyền lãnh đạo đất nước Campuchia, tập đoàn Khmer Đỏ Pol Pot - Ieng Sary vừa thi hành chính sách diệt chủng gây nên thảm họa lớn ở trong nước, vừa triển khai chính sách đối ngoại thù địch đối với Việt Nam.

Được sự hậu thuẫn của Trung Quốc và các thế lực phản động quốc tế khác, chúng ra sức phát triển lực lượng quân sự, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh xâm lược vùng biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Từ tháng 5-1975, chúng tổ chức tập kích đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu rồi liên tục gây hấn trên toàn tuyến biên giới như xâm lấn, đột nhập giết hại cán bộ và dân thường, bắt trâu bò, đốt phá nhà cửa hoa màu.

Bộ đội ta chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam. Ảnh: TL

Ngày 30-4-1977, chúng bất ngờ đánh chiếm An Giang và một số tỉnh miền Tây Nam bộ; ngày 25-9-1977, đồng loạt tiến công Tây Ninh và toàn tuyến biên giới Tây Nam - Việt Nam. Lực lượng vũ trang Việt Nam hầu hết chưa kịp nghỉ ngơi an hưởng hòa bình. Không ít người vì công việc bận rộn sau chiến tranh chưa kịp về thăm gia đình, có người đã cầm trong tay giấy gọi vào trường đại học.

Nhưng tất cả, phải tạm dừng lại để lên đường đi chiến đấu. Từng đơn vị vũ trang chủ lực và địa phương lần lượt hành quân lên biên giới để bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Mục tiêu của Trung Quốc

Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam diễn ra nhiều giai đoạn. Từ tháng 9-1977 đến tháng 5-1978, Pol Pot - Ieng Sary phát động chiến tranh xâm lược, chủ động tiến công trên toàn tuyến biên giới. Ta xác định chưa rõ tính chất của cuộc chiến tranh và âm mưu của kẻ thù, vừa thương lượng hòa bình đề nghị ngừng gây chiến, vừa tổ chức chiến đấu phòng ngự trên biên giới, khắc phục những lúng túng ban đầu, từng bước giành lại thế chủ động chiến trường.

Đó là quãng thời gian Trung Quốc liên tục khiêu khích vũ trang, gây nên 873 vụ trong năm 1977, 2.175 vụ trong năm 1978 ở biên giới phía Bắc.

Từ tháng 5-1978 đến tháng 1-1979, lực lượng vũ trang Việt Nam giành lại thế chủ động, phản công đánh bật quân Khmer Đỏ ra xa biên giới; đồng thời giúp cách mạng Campuchia xây dựng lực lượng, phối hợp tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Phnom Penh khỏi ách thống trị của chế độ diệt chủng Pol Pot-Ieng Sary; cũng là giai đoạn Trung Quốc vô cớ dựng “sự kiện nạn kiều”, rút chuyên gia về nước, chuẩn bị tiến công xâm lược Việt Nam.

Tình cảm của nhân dân Campuchia với bộ đội tình nguyện Việt Nam. Ảnh: TL

Trong các tài liệu lưu hành nội bộ, lãnh tụ Khmer Đỏ Pol Pot công khai chủ trương tranh thủ sự viện trợ của Trung Quốc về chuyên gia quân sự, vũ khí trang bị và hậu cần, tiến hành cuộc chiến tranh du kích lâu dài, xâm chiếm một phần đất đai lãnh thổ, kết hợp với gây bạo loạn trong nội địa nhằm phá hoại công cuộc lao động hoà bình của nhân dân Việt Nam.

Trong lúc đó, phát động cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Trung Quốc hướng tới các mục tiêu: Tranh thủ Mỹ và phương Tây để đẩy mạnh “bốn hiện đại hóa”; Tiếp tục phá hoại kinh tế và tiềm lực quốc phòng của Việt Nam, buộc Việt Nam phải lệ thuộc và đi theo quỹ đạo của họ; Và đặc biệt, để “chia lửa” với chiến trường Campuchia, buộc Việt Nam phải điều chuyển quân đội ra bảo vệ biên giới phía Bắc, tạo điều kiện cho Pol Pot phục hồi lực lượng tái lập chính quyền diệt chủng.

Như thế, cho dù hai cuộc chiến do hai lực lượng trực tiếp thực hiện ở hai chiến trường khác nhau, mục đích của hai cuộc chiến ấy về cơ bản là một. Như cách ví von của một nhà báo phương Tây: “Viên đạn bắn vào Việt Nam ở biên giới phía Bắc và ở biên giới Tây Nam đều phát ra từ một nòng súng”!

(còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang