Vụ từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện lưu thông trên đường cao tốc:

Quyết định của VEC E “ngồi trên” luật

Thứ Ba, 12/02/2019 20:28  | A. Quân

|

(CAO) Sau khi Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) ra văn bản từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô đi vào các tuyến đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý khai thác, dư luận rất bất bình.

Liên quan đến sự việc này, Luật sư Trần Hải Đức cho rằng, VEC E là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của Luật Doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan (cụ thể: thiết kế xây dựng công trình giao thông cầu, đường bộ, thiết kế xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, giám sát thi công xây dựng công trình giao thông (cầu, đường bộ), khảo sát địa hình xây dựng công trình).

VEC E là công ty thành viên của VEC. VEC E là đơn vị quản lý vận hành tuyến đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Ngày 10-2-2019, VEC E có văn bản gửi các cơ quan báo chí, để “thông tin các sự cố trên đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây”. Đây là việc làm bình thường của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.

Tuy nhiên, trong văn bản trên có nội dung làm dư luận kinh ngạc là VEC E “thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện BS: 51A-558.50 và 51G-772.56 trên tất cả các tuyến do VEC quản lý, khai thác…”.

Ảnh minh họa

Căn cứ của “lệnh” này là do 2 phương tiện trên vi phạm quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10-1-2019 về việc ban hành “Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý khai thác” (!?).

Hành vi “từ chối phục vụ vĩnh viễn” do VEC E “ban hành” thực chất là một loại chế tài đối với phương tiện giao thông. Đây là hành vi trái pháp luật, bởi nhiều lý do.

Cụ thể, tất cả các phương tiện tham gia giao thông đều phải chịu sự điều chỉnh của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Mặt khác, VEC E và kể cả VEC đều là doanh nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước được quy định trong Nghị định số 32/2014/NĐ-CP về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc. Do đó, việc VEC E ban hành Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV là trái pháp luật. VEC và VEC E không có thẩm quyền xử lý 2 phương tiện nói trên (nếu 2 phương tiện này có vi phạm).

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cần nhanh chóng lên tiếng về hành vi “từ chối phục vụ vĩnh viễn” của VEC E; đồng thời VEC phải hủy bỏ ngay quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV của VEC E. Nếu không xử lý nghiêm khắc thì đây là tiền lệ rất nguy hiểm khi các doanh nghiệp tự tiện đặt ra chế tài đứng trên quy định của pháp luật.

Quyền tham gia giao thông trên các tuyến đường (gồm cả đường cao tốc) của chủ phương tiện là quyền dân sự của cá nhân, của chủ sở hữu tài sản đối với phương tiện giao thông đã được pháp luật quy định và bảo vệ. Chủ sở hữu có quyền khai thác, vận hành, quản lý tài sản của mình theo quy định của pháp luật; không bị hạn chế, cấm đoán trái pháp luật của bên thứ ba.

Nếu quyền dân sự, quyền sở hữu của công dân bị xâm phạm, công dân đó có quyền tự bảo vệ hoặc yêu cầu tòa án, cơ quan Nhà nước như Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) bảo vệ quyền tự do đi lại và quyền khai thác sử dụng tài sản của mình (Điều 14 Bộ luật Dân sự năm 2015). Chủ sở hữu 2 phương tiện trên được quyền khởi kiện VEC E ra tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Đường bộ yêu cầu VEC rút lại văn bản trái luật

Ngày 12-2, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Huyện (Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, VEC E ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với các phương tiện là vượt quá thẩm quyền và trái luật. Chủ đầu tư dự án đường cao tốc chỉ được quyền ngăn chặn, chế tài đối với xe quá tải. Còn xe khách, ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống nếu vi phạm thì thuộc thẩm quyền xử lý của các cơ quan quản lý nhà nước, như: công an, Bộ GTVT. "Tổng cục Đường bộ đã yêu cầu VEC báo cáo sự việc, nếu đơn vị này ra quyết định từ chối phục vụ thì sẽ yêu cầu rút lại văn bản trái luật"- ông Huyện khẳng định.

Hiện VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây). Còn một dự án đang triển khai thi công là tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang