Lộ trình rút quân của Trung Quốc bắt đầu từ ngày 6-3-1979 đến ngày 18-3-1979. Tuy nhiên, sau ngày 18-3, Trung Quốc vẫn còn để lại một bộ phận quân đội và chiếm đóng trái phép một số cao điểm thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, có nơi sâu vào lãnh thổ Việt Nam từ 200 đến 300 mét.
Từ bên kia biên giới và từ các cao điểm chiếm đóng trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, quân Trung Quốc thường xuyên gây xung đột vũ trang, bắn pháo, tổ chức tập kích, gây căng thẳng kéo dài cho đến năm 1989. Có thể thấy rằng, hoạt động giao tranh ở biên giới phía Bắc luôn có mối liên hệ không tách rời với diễn biến tại chiến trường Campuchia qua từng thời đoạn lịch sử khác nhau.
Từ tháng 3-1979 đến giữa năm 1983, tại Campuchia, tàn quân Khmer Đỏ và các phe phái phản động được các thế lực phản động nước ngoài nuôi dưỡng dần hồi sức. Pol Pot chủ trương chuyển hướng chiến lược sang mở rộng du kích chiến tranh trên toàn bộ đất nước, tạo thế nhằm từng bước giành lại quyền chủ động trên chiến trường.
Một bà mẹ Campuchia rót nước cho quân tình nguyện Việt Nam
Trước tình hình trên, quân tình nguyện Việt Nam tiếp tục điều chỉnh lực lượng, thành lập bộ tư lệnh các mặt trận (479, 579, 779, 979); phối hợp với lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia tiếp tục tiến công truy quét địch phá kiểu chiến tranh du kích và hoạt động giành dân của chúng. Đồng thời điều chuyển một phần lực lượng xuống cơ sở, tiếp tục hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả chế độ diệt chủng, phục hồi sản xuất, ổn định đời sống, xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang yêu nước chân chính.
Cùng thời điểm nói trên, Việt Nam nhiều lần đề nghị chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán về vấn đề biên giới. Tuy nhiên, Trung Quốc kiên quyết từ chối, yêu cầu Việt Nam phải thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và “giải quyết vấn đề Campuchia”, sau đó đơn phương bỏ dở đàm phán. Không những thế, chúng liên tiếp gây xung đột vũ trang. Tính từ tháng 3-1979 đến tháng 9-1983, chúng gây nên 7.322 vụ xâm nhập trên bộ có nổ súng) và 12.705 vụ xâm nhập vùng trời với hơn 2.000 lượt tốp máy bay.
Từ năm 1984, các thế lực Khơme phản động tiếp tục dựa vào sự viện trợ của Trung Quốc hậu thuẫn của Thái Lan để xây dựng hệ thống căn cứ dọc biên giới, làm bàn đạp đưa lực lượng vào nội địa Campuchia.
Quân tình nguyện Việt Nam (5 sư đoàn) phối hợp với lực lượng vũ trang bạn (2 sư đoàn và nhiều đơn vị độc lập khác) mở chiến dịch tiến công các căn cứ lớn của địch. Sau hơn 3 tháng chiến đấu liên tục, lực lượng tham gia chiến dịch đánh 260 trận (có 14 trận cấp sư đoàn, 20 trận cấp trung đoàn), loại khỏi vòng chiến đấu hơn 10.000 tên địch, thu gần 7.000 súng các loại.
Tình cảm của nhân dân Campuchia với quân tình nguyện Việt Nam
Thắng lợi của chiến dịch đã phá vỡ toàn bộ hệ thống căn cứ và thế trận mà Liên minh ba phái Khmer phản động tại biên giới Campuchia - Thái Lan. Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Campuchia Heng Samrin đánh giá: kết quả chiến dịch mùa khô 1984 -1985 là “thắng lợi to lớn nhất kể từ sau ngày 7-1-1979 cho đến nay”.
Trong lúc quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia giành được thắng lợi lớn trên chiến trường Campuchia, tại biên giới phía Bắc Việt Nam, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự gây hấn với quy mô lớn.
Chúng duy trì nhiều đơn vị quân đội, chiếm đóng trái phép nhiều vị trí cao điểm thuộc tỉnh Hà Tuyên, trong đó có Vị Xuyên, một huyện nằm ở vị trí trung tâm của Hà Giang. Các sư đoàn quân chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương Việt Nam đã liên tục chiến đấu giành dật từng tấc đất với quân đội Trung Quốc.
Từ năm 1986, sau thất bại mùa khô 1984-1985, các phái phản động Khmer ồ ạt đưa lực lượng vào nội địa, mở các đợt đánh phá về quân sự, nhất là từ cơ sở “phum”, thực hiện chiến tranh tâm lý, tung gián điệp xây dựng lực lượng ngầm, giành giật chính quyền từ cơ sở, tạo thế, tạo lực chờ thời cơ Việt Nam rút quân hoặc có giải pháp chính trị mới.
Quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang yêu nước Campuchia chuyển sang tiến công truy quét các tổ, toán bu bám, triệt phá căn cứ lõm và hành lang của địch, xây dựng tuyến phòng thủ biên giới Campuchia - Thái Lan để ngăn chặn quân địch thâm nhập từ ngoài vào; hỗ trợ nhân dân xây dựng cơ sở, củng cố chính quyền, giữ vững thế làm chủ ở cơ sở xã, ấp.
Cùng thời gian trên, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quân sự trên tuyến biên giới Bắc Việt Nam. Riêng tại Vị Xuyên, tính từ tháng 4-1984 đến tháng 5-1989, chúng đưa hơn 500.000 quân sang đánh chiếm. Có ngày, Trung Quốc bắn tới 30.000 quả đại bác vào Vị Xuyên trong khoảng diện tích 15 km2. Vị Xuyên trở thành vùng chiến sự ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.
Quân ta đánh trả địch lấn chiếm điểm cao biên giới ở huyện Vị Xuyên (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)
Đến cuối năm 1988, sau gần 10 năm thực hiện nghĩa vụ quốc tế, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình”, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đã kiên cường vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, liên tục chiến đấu và công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ giúp nhân dân Campuchia phát triển ba phong trào cách mạng ở cơ sở (đánh địch, sản xuất ổn định đời sống, xây dựng thực lực cách mạng và hệ thống chính trị).
Với phương châm ba bước (ta làm giúp bạn, ta bạn cùng làm, bạn làm ta giúp); thực hiện thành công ba mục tiêu chiến lược (đánh địch suy tàn, xây dựng thực lực cách mạng lớn mạnh, củng cố tinh thần đoàn kết Việt Nam-Campuchia). Sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng và xây dựng lại đất nước của Campuchia đến đây đã thu được những thành tựu quan trọng và vững chắc.
Ngày 14-12-1988, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia ra Nghị quyết số 88/NQTW khẳng định: “Đến năm 1989 lực lượng tự thân cách mạng Campuchia có đủ khả năng tự đảm đương nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống để thay thế quân tình nguyện Việt Nam”.
Ngày 6-1-1989, phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ 10 Quốc khánh nước Cộng hoà nhân dân Campuchia tại Phnom Pênh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh tuyên bố: “Rút toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam còn lại khỏi Campuchia vào tháng 9-1989”.
Theo thoả thuận của hai Đảng, Nhà nước Campuchia - Việt Nam, tháng 9-1989, đơn vị cuối cùng của quân tình nguyện Việt Nam rút hết về nước. Và, chỉ đến lúc ấy, hành động gây xung đột quân sự của Trung Quốc mới hoàn toàn chấm dứt trên biên giới phía Bắc Việt Nam.
(Còn tiếp...)
(CAO) Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc dài 1.400 km, chạy qua 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái) và Lai Châu.
Đại tá, PGS, TS Hồ Sơn Đài