40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc:

Công an nhân dân vũ trang - những đơn vị đầu tiên nổ súng đánh địch

Thứ Năm, 14/02/2019 16:41

|

(CAO) Trong cuộc chiến ở biên giới phía Bắc đầu năm 1979, Trung Quốc đưa 600.000 quân cùng hàng ngàn xe tăng, xe bọc thép, pháo hạng nặng... tiến vào sâu nước ta.

Cùng với quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc, lực lượng Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng) là những người đầu tiên nổ súng đánh địch và làm nên nhiều kỳ tích trong cuộc chiến đấu bảo vệ non sông.

14 giờ ngày 16/02/1979 đường dây liên lạc từ đồn Pò Mã (Lạng Sơn) bị cắt đứt. Ban chỉ huy đồn nhận định phía Trung Quốc có khả năng tấn công. Từ nhận định trên, Ban chỉ huy đồn lệnh cho toàn đơn vị chuẩn bị quân tư trang, chập tối bí mật hành quân về khu sơ tán sau núi đá thuộc làng Pò Chạng (nay thuộc thôn Pò Chạng), tích cực triển khai phương án chiến đấu bảo vệ đồn khi chiến sự nổ ra.

Đúng như dự đoán, sáng sớm 17/02/1979, phía Trung Quốc huy động 60 vạn quân gồm 32 sư đoàn thuộc 9 quân đoàn chủ lực, hàng trăm xe tăng, xe bọc thép ồ ạt tấn công nước ta trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu đến Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Quân và dân các tỉnh biên giới phía Bắc trong đó có lực lượng Công an nhân dân vũ trang kiên cường chiến đấu, đẩy lùi địch ngay từ những đợt chúng tiến công đầu tiên. Ảnh: TTXVN

Với tinh thần chủ động sẵn sàng chiến đấu, quân và dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta đã anh dũng, kiên cường giáng trả quân bằng những đòn đích đáng, đánh lui nhiều đợt tiến công của địch, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Tại tuyến biên giới Lạng Sơn, phía Trung Quốc pháo kích dữ dội vào địa bàn các huyện biên giới từ xã Bắc Xa, huyện Đình Lập tới xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định.

Sau các đợt pháo kích, nhiều trung đoàn quân Trung Quốc tấn công vào biên giới nước ta theo các hướng: Đồng Đăng, huyện Văn Lãng; Chi Ma, huyện Lộc Bình; Bảo Lâm, Tân Yên, Tân Thanh, huyện Văn Lãng; Tri Phương, huyện Trảng Định...

Sát cánh cùng với quân và dân trong tỉnh, từ những vọng gác tiền tiêu của Tổ quốc, Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn từ lực lượng đầu tiên nổ súng đánh địch ngay cửa ngõ biên giới, góp phần tiêu hao sinh lực địch, đẩy lùi và chặn cản bước tiến của địch, tạo điều kiện cho các lực lượng vũ trang ở tuyến sau kịp thời tổ chức tiêu diệt địch.

Nhân dân Lạng Sơn được vận động đi di tản khi chiến sự nổ ra

Tại hướng Tràng Định, lúc 5 giờ 20 ngày 17/02/1979, quân Trung Quốc bắn loạt pháo đầu tiên vào chốt quân sự điểm cao 820, đài quan sát phòng không không quân trên đèo Kéo Lếch, gần chợ Long Thịnh và đồn Pò Mã, cơ sở vật chất của đồn bị cháy gần hết.

Lúc này, đồn không có người vì đơn vị đã rút về hậu cứ ở làng Lũng Xá, chỉ bố trí một khẩu đội 12,7mm gồm 5 đồng chí trên đỉnh núi Cóc Pia. Sau đợt pháo kích, phía Trung Quốc cho lính tràn vào đồn, bị khẩu đội 12,7mm nổ súng ngăn chặn.

Phát hiện mục tiêu, địch bao vây toàn bộ núi Cốc Pia. Trước tình thế đối phương quân đông và lùng sục ráo riết, khẩu đội 12,7mm đã lợi dụng địa hình hiểm trở rút khỏi vòng vây an toàn. Mặc dù, bị tấn công nhiều đợt, nhiều mũi, nhiều hướng, song cán bộ, chiến sĩ đồn Pò Mã vẫn kiên cường bám trụ không bỏ vị trí chiến đấu.

Trong chiến đấu có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sĩ đồn với lực lượng dân quân; 2 chiến sĩ của đồn và Tiểu đội dân quân xã Quốc Khánh dựa vào hầm hào đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường suốt một ngày.

Mặc cho quân địch đông cũng không thể cơ động tiến lên đèo Khau Đang được. Đến tối, các đồng chí lợi dụng địa hình, địa vật chia thành từng tốp nhỏ (2-3 người) rút về hậu cứ (bản Thâm Ho) an toàn.

Trong kế hoạch chiến đấu của đồn và xã cũng xác định bản Lũng Xá, xã Quốc Khánh là hậu cứ của ta. Vì vậy, sau khi chiến sự nổ ra, cán bộ, chiến sĩ đồn Pò Mã đã phối hợp với cấp uỷ, chính quyền xã Quốc Khánh tổ chức đưa gần 1 vạn dân các xã Đức Long, Lê Lợi, Danh Sỹ (huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) và xã Tri Phương (huyện Tràng Định) về bản Lũng Xá.

Chỉ huy đồn Công An nhân dân vũ trang Pò Mã cùng với cấp uỷ, chính quyền xã Quốc Khánh lập Ban Chỉ huy hậu cứ, lập 13 chốt trên 13 đường mòn đi vào hậu cứ để bảo vệ nhân dân.

Sau khi địch đánh chiếm được một số làng ở ngoài hậu cứ, chúng ngày đêm lùng sục, phá phách và tìm mọi cách đánh vào hậu cứ của ta. Trên chốt Lũng Dảo, cán bộ, chiến sĩ đồn Pò Mã đã cùng dân quân bản Pò Chạng, Nà Bang, Pò Piật, Nà Pàn do Trung uý Lê Minh Anh, Đồn Phó quân sự chỉ huy đã đánh bại 5 đợt tấn công của quân địch (23/02, 25/02, 28/02, 01/3 và 03/3).

Tại chốt Keng Pán, cán bộ, chiến sĩ đồn và dân quân thông Lũng Toòng, Hang Đoỏng, Pác Chào, Pác Bó, Bản Phạc do Chuẩn uý Nguyễn Công Thuận, Trung đội trưởng chỉ huy đã đánh bại 1 trung đội quân địch tấn công vào hậu cứ. 

Tại chốt Lũng Cừ, cán bộ, chiến sĩ do Thiếu uý Đinh Xuân Viện chỉ huy đã cùng dân quân thôn Bản Dảo, Phia Sliếc đã anh dũng chiến đấu với 1 trung đội địch vào ngày 26/02.

Tại chốt Kéo Quang, cán bộ, chiến sĩ đồn và dân quân bản Nà Cọn, Cô Slin do Thượng sĩ Dương Quang Hợp chỉ huy tiêu diệt nhiều sinh lực địch, đồng thời buộc nhóm thám báo khác phải tháo chạy khi chúng có ý định xâm nhập vào hậu cứ của ta ngày 13/3.

Trải qua 28 ngày đêm chiến đấu (từ ngày 17/02 – 15/03/1979) trong hoàn cảnh bị vây ép, thiếu thốn mọi bề nhưng cán bộ chiến sĩ đồn Công an nhân dân vũ trang Pò Mã và nhân dân đã đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ từng mảnh áo, tấm chăn, miếng cơm với nhau. Kiên quyết chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang đồn Pò Mã đã cùng cấp uỷ, chính quyền, dân quân địa phương anh dũng chiến đấu đánh bật 11 đợt tiến công của địch.

Cầu Kỳ Cùng ở Lạng Sơn bị quân Trung Quốc đánh sập.

Trên hướng thị trấn Đồng Đăng, xã Bảo Lâm và đồn Hữu Nghị, từ 4 giờ 15 ngày 17/2, đối phương tập trung lực lượng lớn thuộc Quân đoàn 43,01 tiểu đoàn xe tăng có pháo binh yểm trợ đồng loạt tấn công đồn và 6 chốt từ mốc 18 đến mốc 23 đông bị tiến công cùng lúc.

Hai trung đoàn lính Trung Quốc có xe tăng và pháo binh yểm trợ nhanh chóng triển khai đội hình bao vây các mục tiêu xung quanh đồn, tiến công các điểm chốt và đồn bộ. Sau đó, 2 trung đoàn bộ binh kết hợp với xe tăng đánh thẳng chính diện, đồng thời dùng các mũi thọc sâu vu hồi đánh phía sau đồn.

Trước sự tấn công ác liệt của địch, dưới sự chỉ huy của Đồn trưởng Hoàng Công Mươi, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Linh và Đồn phó Nguyễn Tiến Hoà, các chiến sĩ đồn Hữu Nghị tiêu biểu như Mai Đình Bạ, Lưu Ten, Nông Văn Hợp, Dương Đình Tân, Lê Văn Lúa, Hoàng Đức Tân… chiến đấu dũng cảm, đánh liên tục 15 trận ngay trong ngày đầu quân địch tràn tới, bẻ gãy hàng chục đợt tấn công, làm chậm bước tiến của chúng.

Sát cánh với các chiến sĩ chiến đấu ở đồn bộ, các chiến sĩ ở khu vực Nà Pàn, mốc 23 đông, đài quan sát điểm cao 371, Pò Cốc Phung… đều đồng loạt nổ súng đánh trả địch quyết liệt; đồng thời, triển khai phối hợp tác chiến chặt chẽ với các đơn vị Sư đoàn 3 (Đoàn Sao Vàng), Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn 12.

Ở khu vực chốt Nà Pàn, dưới sự chỉ huy của Trung sĩ Hoàng Văn Lương, 6 chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang và dân quân xã Bảo Lâm đã đánh trả ngoan cường, đẩy lui 6 đợt tấn công của một đại đội Trung Quốc.

Trong lúc làm nhiệm vụ chiến đấu, nhận được tin khu vực sơ tán của nhân dân bị địch bao vây, đội trinh sát của đồn do đồng chí Ngô Tiến Nhung làm Tiểu đội trưởng vừa anh dũng chiến đấu, vừa phối hợp với các lực lượng dân quân nơi sơ tán ở bản Cốc Tào, xã Bảo Lâm tổ chức chiến đấu tiêu diệt địch và cho hơn 200 đồng bào xã Bảo Lâm vượt qua vòng vây, làn đạn của địch, sơ tán về tuyến sau an toàn.

Trên điểm cao 317, trạm mốc 23 đông, đồi Trại Trâu, Pò Cốc Phung, các chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang sử dụng cối 60mm, nổ súng giáng trả địch quyết liệt, bẻ gãy hàng chục đợt tiến công của địch, làm bị thương và tiêu diệt nhiều tên.

Trong đêm 17/2, một tổ chiến đấu sau lưng địch lợi dụng trời tối, sương mù bí mật dùng B40 tập kích chớp nhoáng vào một trận địa pháo của địch, phá huỷ 2 khẩu pháo, xoá sổ trận địa pháo của địch. Trong suốt 3 ngày đêm bám trụ kiên cường, kết hợp giữa phòng ngự và phản công, đồn Hữu Nghị đã tiêu diệt 400 tên địch, làm bị thương nhiều tên, bán cháy 1 xe tăng, phá huỷ 2 xe quân sự và 1 trận địa pháo, bảo vệ và đưa 200 người dân ra khu vực an toàn.

Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, Chính trị viên Nguyễn Ngọc Linh và Đồn phó Nguyễn Tiến Hoà cùng nhiều cán bộ, chiến sĩ của đồn Hữu Nghị đã anh dũng hi sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới thiêng liêng của Tổ Quốc.

Phố Pò Cằng (nay là phố Lương Văn Tri - Lạng Sơn) bị phá hủy

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc, nhiều đơn vị, cá nhân, lực lượng Công an nhân dân vũ trang Lạng Sơn đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Đặc biệt, Chủ tịch nước tuyên dương danh hiệu AHLLVTND cho đồn Hữu Nghị, đồn Pò Mã, cho Đại đội 5 cơ động (Trạm ga Đồng Đăng), cho đồng chí Nông Văn Phia, liệt sỹ Lê Minh Trường, liệt sĩ Nông Văn Giáp...

Ký ức về trận đánh ác liệt trên “đồi thịt băm” ở mặt trận Vị Xuyên
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang