VEC thừa nhận chưa đủ pháp lý cấm vĩnh viễn 2 ôtô vào cao tốc

Thứ Tư, 13/02/2019 08:39

|

(CAO) Ông Trần Văn Tám, Tổng giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thừa nhận, việc đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện trên trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Trước đó, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) cho biết, đơn vị vừa quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện có biển kiểm soát 51A-558.50 và biển kiểm soát 51G-772.56 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Lý do từ chối được phía VEC E đưa ra là do hai phương tiện này có các hành vi vi phạm các quy định theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/01/2019 về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác.

Đặc biệt, 2 người này còn có hành động phá hoại tài sản, đe dọa đuổi đánh nhân viên, dẫn đến ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh khu vực.

Sau khi xảy ra sự việc, VEC E đã chuyển hồ sơ vụ việc cho Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) để thực hiện điều tra, xử phạt theo quy định hiện hành, đồng thời đề xuất VEC xem xét từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện trên.

Liên quan đến thông tin này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa yêu cầu VEC báo cáo về việc Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 2 phương tiện trên các tuyến đường do VEC quản lý.

Trạm thu phí Dầu Giây trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây

Trước đó, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, cả VEC và VEC E đều không có thẩm quyền ban hành quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 phương tiện trên các tuyến cao tốc do đơn vị này quản lý, khai thác,

“Việc cấm lưu hành, cấm dừng xe thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu VEC báo cáo về việc này,” ông Huyện khẳng định.

Theo ông Huyện, VEC chỉ có quyền từ chối phục vụ xe đi vào cao tốc đối với các phương tiện vi phạm về an toàn giao thông, không chấp hành điều kiện an toàn của đường cao tốc.

Ông Lê Hồng Điệp, Vụ trưởng vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: “Hiện không có luật nào xử lý phương tiện mà chỉ có thể xử lý hành vi vi phạm đối với đối tượng sử dụng phương tiện và chủ phương tiện bởi tài sản được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật. Lỗi không bao giờ thuộc về tài sản.”

Quyết định của VEC E “ngồi trên” luật
 

Trả lời về việc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai phương tiện này, ông Nguyễn Văn Nhi, Phó Tổng giám đốc VEC cho rằng, việc này căn cứ vào các quy định của pháp luật và Quyết định số 13 của Hội đồng thành viên VEC về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc.

Tuy nhiên, dưới góc độ pháp luật, các luật sư và chuyên gia giao thông đưa ra quan điểm việc từ chối phục vụ lưu thông này là trái pháp luật.

Cụ thể, việc quản lý, khai thác đường cao tốc hiện nay được quy định cụ thể tại Nghị định 32/2014/NĐ-CP ngày 22/4/2014 của Chính phủ về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc và Thông tư số 90/2014/TT-BGTVT (sửa đổi theo Thông tư số 45/2018/TT-BGTVT). Theo đó, cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông Vận tải; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho biết, VEC hay VEC E không phải là cơ quan quản lý đường cao tốc mà chỉ là đơn vị khai thác, đầu tư xây dựng và quản lý, bảo trì công trình đường cao tốc, có quyền lợi và nghĩa vụ trên cơ sở hợp đồng, không có chức năng và thẩm quyền quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, quản lý đường cao tốc; không có thẩm quyền xử phạt vi phạm.

Một chuyên gia giao thông so sánh, việc từ chối xe vi phạm đi vào cao tốc cũng giống như cấm hành khách khi vi phạm quy định bay trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Tuy nhiên, hãng hàng không có quyền từ chối sử dụng dịch vụ của đơn vị mình, còn thẩm quyền quyết định là Cục Hàng không Việt Nam.

“Hành khách có thể bị từ chối sử dụng dịch vụ của hãng hàng không mà mình vi phạm quy định nhưng có thể lựa chọn hãng bay khác để tránh độc quyền. Việc VEC E đưa ra quyết định từ chối vĩnh viễn phương tiện là trái luật và chủ xe sẽ không có đường cao tốc nào lựa chọn, từ đó gián tiếp đẩy thế khó vào chủ phương tiện tìm cung đường khác để đi lại,” chuyên gia giao thông này phân tích thêm.

Hiện, VEC đang quản lý, khai thác 4 tuyến đường cao tốc gồm Cầu Giẽ-Ninh Bình, Nội Bài-Lào Cai, Đà Nẵng-Quảng Ngãi, và TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây), một dự án đang triển khai thi công là tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành.

Bình luận (0)

Lên đầu trang