Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc - nhìn từ biên giới Tây Nam (kỳ 2):

Tiếng súng giữ nước ở cả hai đầu biên giới Tổ quốc

Thứ Năm, 14/02/2019 08:41

|

(CAO) Việt Nam có đường biên giới trên đất liền với Trung Quốc dài 1.400 km, chạy qua 6 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai, Yên Bái) và Lai Châu.

Trước những động thái gây hấn của Trung Quốc, Đảng và Nhà nước Việt Nam khẩn trương điều chỉnh lực lượng, kiện toàn tổ chức quân sự theo lãnh thổ, tăng cường khả năng chiến đấu phòng thủ trên tuyến biên giới phía Bắc; đồng thời kiên trì chủ trương giải quyết những bất đồng với Trung Quốc bằng con đường hòa bình.

Tuy nhiên, lợi dụng trời tối và nhiều sương mù đêm 16 rạng ngày 17-2-1979, quân Trung Quốc bí mật vượt biên giới, luồn sâu ém sẵn trên đất Việt Nam dọc tuyến biên giới từ Quảng Ninh đến Lai Châu; đồng thời triển khai lực lượng áp sát biên giới chuẩn bị tiến công.

Đúng 3 giờ 30 phút sáng, chúng đồng loạt nã pháo và tiến vào lãnh thổ Việt Nam. Với ưu thế vượt trội về quân số và vũ khí trang bị, vừa tiến công chính diện vừa đánh vu hồi, thọc sâu chia cắt, kết hợp giữa bộ binh với xe tăng, xe bọc thép và pháo binh, quân Trung Quốc nhanh chóng tiến sâu vào địa phận Việt Nam, gây nên nhiều tổn thất về người và của cho nhân dân các tỉnh biên giới.

Chiến sỹ Đại đội 7, Đoàn M16 pháo binh Lạng Sơn dội bão lửa trừng trị quân địch. (Ảnh: Minh Điền/TTXVN)
Chiến sĩ Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Đoàn M123 bộ đội Lạng Sơn chiến đấu dũng cảm, tiêu diệt hàng trăm tên địch tại đồi Không Tên trong hai ngày 17-18/2/1979. (Ảnh: Long Sơn/TTXVN)

Trước hành động ngang ngược của địch, ngay trong ngày 17-2-1979, Chính phủ ta ra tuyên bố, nêu rõ: Nhà cầm quyền Trung Quốc đã phá hoại nghiêm trọng tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, quân và dân Việt Nam không còn con đường nào khác phải dùng quyền tự vệ chính đáng của mình để đánh trả. Và, cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc bắt đầu.

Trên hướng Đông Bắc, địch huy động 3 quân đoàn (43, 55, 54), có 160 xe tăng, xe bọc thép, 350 khẩu pháo cơ giới tiến công Lạng Sơn; 3 quân đoàn (41, 42, 50) và 2 trung đoàn địa phương, có 225 xe tăng, xe bọc thép, 300 khẩu pháo cơ giới tiến công Cao Bằng.

Quân và dân Quân khu 1 - địa bàn các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái (Bắc Cạn, Thái Nguyên), Hà Bắc (Hà Tây, Bắc Giang) - liên tục chiến đấu chặn đánh địch ở Đồng Đăng, Cao Lộc, Lộc Bình, Thông Nông, Hà Quảng, Phục Hòa, bẻ gãy hàng chục đợt tiến công của đối phương, giữ vững địa bàn.

Khu nhà lắp ghép 4 tầng của cán bộ, công nhân tại thị xã Lào Cai, tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay thuộc tỉnh Lào Cai) bị địch dùng mìn đánh phá. (Ảnh: Phùng Triệu/TTXVN)

Trên hướng Tây Bắc, địch huy động 2 quân đoàn (13, 14) và 1 sư đoàn khác cùng một số trung đoàn địa phương, có 100 xe tăng, xe bọc thép, 450 khẩu pháo tiến công Hoàng Liên Sơn; 1 quân đoàn (11) tiến công Lai Châu; 2 sư đoàn và một số trung đoàn địa phương tiến công Hà Tuyên.

Quân và dân Quân khu 2 - địa bàn các tỉnh Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú (Phú Thọ, Vĩnh Phúc), Sơn La, Lai Châu – chặn đánh địch quyết liệt ở thị xã Lào Cai, thị xã Cam Đường, Phố Lu, Phong Thổ, Đồng Văn, Mèo Vạc, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

Các chiến sỹ trên mặt trận Hà Tuyên. (Ảnh: Minh Lộc/TTXVN)
Dân quân xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bám trụ trong 7 ngày đêm, vận chuyển hàng chục tấn đạn dược, lương thực tiếp tế cho bộ đội đánh địch. (Ảnh: Long Sơn/TTXVN)
Chiến sỹ biên phòng Ngô Duy Nhung cứu sống kịp thời cháu bé từ trong đống đổ nát. (Ảnh: Ngô Đình Phước/TTXVN)

Trong lúc đó, tại Campuchia, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tháng giêng năm 1979 đã đánh đổ tập đoàn Pol Pot – Ieng Sary, đưa đất nước Chùa Tháp bước vào một kỷ nguyên mới: xây dựng và bảo vệ tổ quốc theo đường lối hoà bình, độc lập, dân chủ, trung lập, không liên kết.

Tuy nhiên, hậu quả của chế dộ diệt chủng để lại rất nặng nề. 3 triệu người bị tàn sát, sản xuất đình trệ, nạn đói, dịch bệnh hoành hành, cùng với cơ sở hạ tầng bị địch phá sạch. Đời sông nhân dân vô cùng cơ cực. Lực lượng vũ trang cách mạng đang trong quá trình xây dựng, quân số và vũ khí không nhiều, ít kinh nghiệm chỉ huy và thực hành chiến đấu.

Trong lúc đó, quân đội Khmer Đỏ ngoài số bị tiêu diệt và tan rã tại chỗ, bộ phận còn lại (hầu hết là sĩ quan chỉ huy, cán bộ cao cấp trong chính quyền diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary) theo quốc lộ 5 và 6 chạy về hướng tây, chiếm giữ vùng rừng núi phía tây các tỉnh Pursat, Battambang, Koh Kong, rồi sang Thái Lan. Trên đường rút chạy, chúng cưỡng ép khoảng 300.000 dân theo sống trong các “trại tỵ nạn” vừa lập nên tại khu vực gần biên giới.

Được sự giúp đỡ về mọi mặt (cố vấn, vũ khí, tài chính) của Trung Quốc và các thế lực thù địch quốc tế, Pol Pot củng cố lại lực lượng tàn quân, bổ sung quân số và trang bị, xây dựng các căn cứ quân sự dọc biên giới Campuchia - Thái Lan.

Từ các căn cứ dọc biên giới, quân đội của Pol Pot, sau đó là của Chính phủ liên hiệp ba phái[1], kết hợp với lực lượng đang còn ẩn náu trong nội địa, tích cực hoạt động, tấn công lực lượng quân tình nguyện và các đoàn chuyên gia Việt Nam; đồng thời ngày đêm khống chế nhân dân, phá hoại công cuộc lao động hồi sinh đất nước, công kích phá hoại chính quyền cách mạng cơ sở mới thành lập nhằm lật đổ Nhà nước Campuchia non trẻ.

Thực hiện Hiệp ước hoà bình, hữu nghị và hợp tác giữa Hội đồng nhân dân cách mạng Campuchia và Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các đơn vị quân tình nguyện Việt Nam trên đường truy kích quân địch tiếp tục ở lại thực hiện nghĩa vụ quốc tế nhằm giúp đỡ nhân dân Campuchia bảo vệ và xây dựng đất nước.

Quân tình nguyện trên toàn chiến trường Campuchia điểu chỉnh lực lượng, chuyển từ đội hình tiến công sang triển khai đứng chân trên từng khu vực, tiếp tục chiến đấu truy quét tàn quân Pol Pot và các lực lượng phản động mới xuất hiện; đồng thời khẩn trương giúp nhân dân Campuchia cứu đói, cứu đau, trở về quê cũ dựng nhà, phục hồi sản xuất, khắc phục nạn đói đầu năm 1979, từng bước xây dựng hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở.

Sau một tháng thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam về cơ bản điều chỉnh xong lực lượng, bước đầu giúp nhân dân Campuchia ổn định cuộc sống, mở đầu tiến trình kiện toàn hệ thóng chính trị và tái thiết đất nước.

Đó cũng thời điểm tại mặt trận phía Bắc, Trung Quốc bắt đầu rút quân. Không đạt được mục tiêu đặt ra ban đầu, lại bị tổn thất nặng, ngày 6-3-1979, đơn vị đầu tiên của quân đội Trung Quốc rút về nước. Trên đường rút, chúng tiếp tục đánh phá, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân ta tại một số địa bàn ven biên giới.

Đến ngày 18-3-1979, về cơ bản quân đội Trung Quốc rút khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đó là kết quả sự phối hợp, đồng vọng tiếng súng giữ nước của nhân dân Việt Nam ở cả hai đầu biên giới Tổ quốc.

(Còn tiếp...)


[1] Phái Khmer Đỏ, phái Hoàng gia MOULINAKA (Mouvement pour la Liberation Nationale du Kampuchea) và phái của Son Sann KPNLF (Khmer People's National Liberation Front).

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang