Đề xuất mở rộng quyền tiếp cận đất đai cho người gốc Việt

Thứ Năm, 16/11/2023 13:34

|

(CAO) Đây là một bước đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Nghị quyết 36 nhằm thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cả kiều hồi và đầu tư, tham gia đóng góp để phát triển đất nước.

Báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu ý kiến về Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 6, các quy định tại dự thảo Luật đã được tiếp tục hoàn thiện hơn.

Tuy nhiên, ông Thanh phản ánh, còn nhiều nội dung chính sách lớn có nhiều ý kiến hoặc cách thiết kế chính sách khác nhau chưa tập trung, khó xác định xu hướng, chưa thống nhất về nhiều vấn đề phức tạp. Một số chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu.

Quang cảnh phiên thảo luận

Liên quan đến quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, dự thảo lần này tiếp tục thiết kế 2 phương án.

Phương án 1: Chỉnh sửa “người Việt Nam định cư ở nước ngoài” thành “người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Theo đó, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở từ những người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự.

Phương án 2: Giữ quy định như Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở.

Gợi mở thảo luận sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, với các nội dung còn các phương án khác nhau, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án tốt nhất.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi mở thảo luận

Nêu cụ thể về quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại Điều 28, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Đảng đoàn Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ chọn phương án 1. Tuy nhiên, ông yêu cầu viết lại cho phù hợp.

Bày tỏ quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phản ánh, qua tổng hợp các ý kiến của các cơ quan cho thấy có sự thống nhất cao với phương án 1 đối với quyền và người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhưng vẫn là công dân Việt Nam có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đất đai như công dân Việt Nam ở trong nước.

“Đây là một bước đổi mới mạnh mẽ, thực hiện chủ trương của Nghị quyết 36 nhằm thu hút sự đóng góp của người Việt Nam định cư ở nước ngoài cả kiều hồi và đầu tư, tham gia đóng góp để phát triển đất nước” – ông Tùng nhận định.

Chung quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng đây là một chủ trương hoàn toàn đúng.

“Bởi vì, người ta là người Việt Nam, người ta còn quốc tịch, là công dân Việt Nam thì mình phải đối xử bình đẳng” – ông Phương bày tỏ chính kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu ý kiến

Về phạm vi nhận chuyển quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (Điều 28), dự thảo Luật tiếp tục thiết kế 02 phương án.

Phương án 1: Không bổ sung quy định này cho phép tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao nhưng trong phạm vi dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Phương án 2: Bổ sung quy định này tại dự thảo Luật.

Quan điểm của thường trực Uỷ ban Kinh tế, theo ông Thanh, là lựa chọn Phương án 1.

Ông Thanh cũng cho biết, khoản 31 Điều 79 dự thảo Luật đã quy định về trường hợp thu hồi đất đối với dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trường đầu tư theo quy định của pháp luật, vì vậy, đã cơ bản giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn như Báo cáo số 598/BC-CP đã nêu. Cụ thể, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài không được thỏa thuận về nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngoài khu công nghiệp mà Nhà nước sẽ thu hồi đất để tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định, phê duyệt chủ trương đầu tư.

Dẫn báo cáo nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thông tin, nhiều đại biểu Quốc hội lựa chọn phương án 2 hơn. Tuy nhiên, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn phương án 1. Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế thiết kế lại 2 phương án.

Lý giải việc chọn phương án 1, Chủ tịch Quốc hội chỉ ra, đã có quy định tại Điều 79 thống nhất cao vẫn tạo điều kiện cho nhà đầu tư có những tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế. Nhưng do nội dung này đã có quy định ở điều khoản quét của 31 vấn đề thu hồi đất thì không cần thiết quy định lại nữa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang