Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát: Một cuộc đời vì nước, vì dân

Thứ Tư, 15/02/2023 17:00

|

(CATP) Nhà hoạt động cách mạng Huỳnh Tấn Phát là một trí thức nổi tiếng, kiến trúc sư (KTS) tên tuổi với nhiều công trình để đời. Bên cạnh đó, đồng chí Huỳnh Tấn Phát còn có sự nghiệp làm báo với vai trò chủ nhiệm tờ báo "Thanh niên" số đầu tiên phát hành ngày 07-8-1943. Tờ báo do KST Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm chỉ tồn tại trong một năm nhưng vẫn đủ "để đời"...

Từ KTS tên tuổi đến chủ nhiệm tờ báo...

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ra tại ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre (trước kia là làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho). Sau khi tốt nghiệp Trường Pétrus Ký Sài Gòn (nay là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TPHCM), năm 1933, đồng chí thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội, tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938, trở thành KTS.

Trở về Sài Gòn cuối năm 1938, đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm việc tại một văn phòng KTS người Pháp, tại đường Mayer (nay là đường Võ Thị Sáu, Q.3, TPHCM). Năm 1940, đồng chí Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng KTS đầu tiên của người Việt tại Sài Gòn. Năm 1941, ông đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương ở vườn Ông Thượng (nay là Công viên Tao Đàn) do Toàn quyền Đông Dương tổ chức.

Từ năm 1938 - 1943, KTS Huỳnh Tấn Phát thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định và nhiều nơi khác, gây sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức miền Nam và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.

Là một KTS trẻ, ăn nên làm ra, được nhiều người biết đến nhưng với tinh thần yêu nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã giác ngộ và chọn con đường theo cách mạng, không màng phú quý vinh hoa. Năm 1943, sau khi đóng cửa văn phòng KTS, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã mua lại manchette báo "Thanh Niên". Đây là tờ báo ra đời cuối tháng 9-1941 (đã qua hai đời chủ), hoạt động công khai, phát hành mỗi thứ bảy hàng tuần, tỏ rõ khuynh hướng kháng Pháp, chống Nhật. Mục đích của báo là giáo dục, khơi dậy truyền thống yêu nước, cổ động, kêu gọi lực lượng thanh niên ba miền Nam - Trung - Bắc, đồng bào các giới cùng đoàn kết đứng lên... Bên cạnh đó, tờ báo tích cực hoạt động trong phong trào truyền bá Quốc ngữ, cứu trợ nạn đói Bắc Kỳ...

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Tờ Thanh Niên tuần báo do KTS Huỳnh Tấn Phát làm chủ nhiệm, phát hành số đầu tiên ngày 07-8-1943 với 12 trang. Ngay khi phát hành, tờ báo đã tạo tiếng vang lớn, đặc biệt đối với giới trí thức Sài Gòn. Nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có ca khúc "Lên đàng" của Lưu Hữu Phước đã được đăng trên Thanh Niên tuần báo.

Tờ báo đã thu hút được rất nhiều nhà văn, nhà thơ, ngòi bút tên tuổi cộng tác, điển hình như Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Nguyễn, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Vũ Đình Liên, Nguyên Hồng... Thanh Niên tuần báo càng thêm mạnh khi có sự góp mặt của nhiều nhà cách mạng như Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp...

Ngày 26-9-1944, tòa soạn báo bị mật thám Pháp bao vây, bắt giam một số người. Chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát trốn thoát, tiếp tục phát hành số 40 (số cuối cùng) ngày 30-9-1944...

Từng tham gia tờ Thanh Niên tuần báo, nhà nghiên cứu Bằng Giang đánh giá: Từ tháng 9-1941 đến tháng 9-1944, tờ báo Thanh Niên đã trải qua ba đời chủ nhiệm, nhưng về sau, có nhắc đến người ta chỉ còn nhớ người chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát. Làm báo công khai ở Sài Gòn thời thuộc địa, trong vỏn vẹn một năm vẫn đủ để đời.

Cả cuộc đời vì nước, vì dân

Được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 3-1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25-8-1945.

Tháng 10-1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Thanh niên Nam bộ ra Hà Nội gặp Bác Hồ và dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Đây là sự kiện đặc biệt ý nghĩa, quyết định đến cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí.

Đầu năm 1946, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị địch bắt và kết án hai năm tù. Trong tù, đồng chí tham gia thành lập "Liên đoàn tù nhân Khám Lớn Sài Gòn" và được bầu làm Trưởng ban. Tháng 11-1947, đồng chí ra tù, được phân công phụ trách công tác trí vận và báo chí ở Sài Gòn.

Đầu năm 1949, đồng chí Huỳnh Tấn Phát thoát ly gia đình vào chiến khu Đồng Tháp hoạt động; được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam.

Khi Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập năm 1950, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được phân công hoạt động ở Sài Gòn. Năm 1959, đồng chí ra hoạt động ở vùng "tam giác sắt" Củ Chi - Trảng Bàng - Bến Cát và được phân công làm Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1960, đồng chí Huỳnh Tấn Phát tham gia thành lập Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ trọng trách Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban.

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ là bà Bùi Thị Nga (giữa) cùng nữ tướng Nguyễn Thị Định trong lễ kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (Ảnh tư liệu)

Tháng 6-1969, Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam Việt Nam bầu đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.

Từ năm 1976 cho đến khi qua đời (ngày 30-9-1989), đồng chí Huỳnh Tấn Phát lần lượt được bầu giữ các chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quy hoạch đô thị; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (năm 1981); Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tháng 6-1982); Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (năm 1983), Chủ tịch Hội KTS Việt Nam. Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là Đại biểu Quốc hội khóa I, II, III, VI, VII, VIII.

76 năm cuộc đời, xuyên suốt qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn là một chiến sĩ cộng sản kiên trung; một bậc trí thức lớn của dân tộc. Đồng chí là lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; một tấm gương tiêu biểu cho đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; một KTS tài năng, sáng tạo. Huân chương Sao Vàng, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật... là những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng, ghi nhận công lao và thành tích với cách mạng của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Tờ Thanh Niên tuần báo do KST Huỳnh Tấn Phát chủ biên

Đồng chí Huỳnh Tấn Phát có 6 người con, trong đó con gái lớn Huỳnh Lan Khanh là Liệt sĩ, đã anh dũng hy sinh đầu năm 1968 tại Trảng Dầu, Tây Ninh, khi chưa tròn 20 tuổi. Ngày 25-4-2015, liệt sĩ Huỳnh Lan Khanh đã được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát, là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của đồng chí đối với đất nước. Trân trọng và ghi nhớ công ơn to lớn của đồng chí Huỳnh Tấn Phát và bao lớp người đi trước, thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, không ngại khó khăn gian khổ, dù trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, cũng phải vươn lên, sẵn sàng cống hiến vì mục tiêu, lý tưởng đã chọn, quyết tâm sớm biến mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thành hiện thực...

Dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15-02-1913 - 15-02-2023), chiều 14-02, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa tưởng niệm đồng chí tại Khu mộ đồng chí Huỳnh Tấn Phát ở Nghĩa trang TPHCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát

Đến dự lễ dâng hương có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre; Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM; Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM và các đồng chí lãnh đạo các cơ quan Trung ương, TPHCM, tỉnh Bến Tre cùng Đoàn đại biểu nhân sĩ trí thức, tôn giáo, dân tộc và đại diện Lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể, TP Thủ Đức, quận - huyện TPHCM, tỉnh Bến Tre và gia đình đồng chí Huỳnh Tấn Phát.

Tại đây, các thành viên trong đoàn đã dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng chí Huỳnh Tấn Phát - người cộng sản kiên trung mẫu mực; tấm gương tiêu biểu cho khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế; Kiến trúc sư tài năng, sáng tạo.

LONG HỒ

Bình luận (0)

Lên đầu trang