Người gốc Việt chưa rõ quốc tịch mừng rỡ khi được cấp giấy chứng nhận căn cước

Thứ Ba, 02/07/2024 16:02

|

(CAO) Sáng 2/7, nhiều người dân đến Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quận 10, TPHCM để làm hồ sơ cấp thẻ căn cước sau khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.

Theo ghi nhận của chúng tôi, rất đông người dân đến Đội Cảnh sát QLHC về TTXH CAQ10  để nộp hồ sơ và được các cán bộ, chiến sĩ hướng dẫn nhiệt tình. Tại các khu vực như máy quét thu thập mống mắt, máy vi tính, máy lấy vân tay cùng rất nhiều trang thiết bị đều được cán bộ, chiến sĩ túc trực đễ hỗ trợ người dân.

Người dân đến Công an Quận 10 để làm thẻ căn cước.

Bà Phạm Mỹ Dung (64 tuổi, ngụ Quận 10) ngồi xe lăn được đồng chí cảnh sát khu vực P4, Q10 hướng dẫn, hỗ trợ làm căn cước.

“Tôi lên đây làm lại căn cước do bị trùng tên với người chị, bản thân đi xe lăn, được các đồng chí Công an hướng dẫn tận tình, làm thủ tục cũng nhanh”, bà Dung nói.

Bà Dung được một cán bộ CSKV P.4 đẩy đến Đội làm thẻ căn cước.
Bà Dung vui vẻ khi được cán bộ nhiệt tình hỗ trợ.

Ghi nhận của chúng tôi, sáng nay, rất nhiều trẻ em cũng được các phụ huynh đưa đến trụ sở để làm thẻ căn cước. Chị Nguyễn Thị Việt Thư (37 tuổi, ngụ P.12, Q.10) dẫn con gái cùng con trai đến làm thẻ căn cước.

Chị Thư cho biết, bản thân mình là giáo viên mầm non, sau khi Luật Căn cước có hiệu lực, chị đưa con gái 11 tuổi đến làm căn cước.

“Theo tôi, việc làm căn cước cho trẻ em rất cần thiết, thể hiện sự văn minh, ứng dụng công nghệ số trong việc quản lý của cơ quan nhà nước. Tôi thấy thủ tục tại đây được triển khai qua từng khâu chuyên nghiệp, dễ dàng cho người dân tiếp cận làm thủ tục”, chị Thư cho biết.

Quận 10 là một trong ba địa điểm ở TPHCM được Công an TPHCM thí điểm cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Bà Sây Fara (64 tuổi, ngụ Quận 10) cho hay, bà có cha là người Campuchia, mẹ là người Việt Nam, bà sinh ra và lớn lên tại Campuchia.

Bà Sây Fara cùng con gái có mặt tại trụ sở Công an Quận 10 để làm giấy chứng nhận căn cước. Ảnh: N.T (CACC).
Bà Sây Fara được cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ lấy dấu vân tay

Đến năm 1970, bà cùng gia đình về Việt Nam sinh sống. Do có một số trục trặc trong giấy tờ nên bà không được nhập quốc tịch Việt Nam. Từ đó đến nay, bà chỉ được Công an TPHCM cấp thẻ thường trú, nên có nhiều bất tiện trong đời sống như không mua được thẻ bảo hiểm y tế…

Do không có giấy chứng minh nhân dân, con gái của bà là Sây Phương Trinh cũng không thể làm được giấy tờ cho con gái, khiến việc học tập của bé bị ảnh hưởng.

Sau nhiều phút làm thủ tục, 2 mẹ con bà Sây Fara đã được cấp giấy chứng nhận căn cước, cả 2 mẹ con xúc động như vỡ òa.

Trao đổi với Chuyên đề Công an TPHCM, Trung tá Kiều Thị Nguyệt, Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quận 10 cho biết, Luật Căn cước 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 có 10 điểm mới. Trong đó trọng tâm là mở rộng đối tượng cấp cho người dân.

Trong ngày đầu triển khai, đơn vị đã giải quyết thành công cho 4 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt, không có quốc tịch, không có hộ khẩu thường trú. Sau đó đơn vị đã truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06). Ngoài ra, Công an Quận 10 cũng cấp mới, cấp đổi cho 314 hồ sơ.

“Thông thường mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận từ 80-100 hồ sơ, riêng những ngày này, người dân đến đăng ký đông nên lượng hồ sơ cũng tăng đột biến.

Tuy nhiên, trước ngày thực hiện Luật Căn cước mới, đơn vị đã tập huấn cho các cán bộ, chiến sĩ các bước thực hiện trên phần mềm dữ liệu, bảo dưỡng thiết bị nên mọi việc đều thuận lợi”, Trung tá Kiều Thị Nguyệt nhấn mạnh.

Một số hình ảnh ghi nhận vào ngày 2/7:

Rất đông người dân đến trụ sở làm thẻ căn cước.
Người dân được thu thập mống mắt.
Lấy dấu vân tay.
Trẻ em được người nhà đưa đến để làm thẻ căn cước.
Trung tá Kiều Thị Nguyệt - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Quận 10 có mặt cùng CBCS hỗ trợ người dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang