Xuất hiện thủ đoạn phạm tội mới
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, biến động phức tạp của tình hình thế giới và khu vực đang tạo áp lực gia tăng tội phạm ngày càng lớn. Việc này đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Trong năm, Bộ Công an đã chỉ đạo các lực lượng tập trung giải quyết những loại tội phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội, như tội phạm và vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tội phạm xâm hại trẻ em; mua bán bào thai, tội phạm cướp ngân hàng, tội phạm do đối tượng tâm thần, ngáo đá gây án...
Toàn cảnh phiên họp Thường vụ Quốc hội
Kết quả, đã điều tra, làm rõ 33.470 vụ phạm pháp hình sự, đạt tỷ lệ 84,2% (án rất nghiêm trọng đạt 90,4%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,2%). Về cơ bản, theo Bộ trưởng, các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ.
Dù vậy, người đứng đầu ngành công an thừa nhận, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo trong đó có những vụ thủ phạm là đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây lo lắng trong nhân dân.
Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Đáng chú ý, đã xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai.
“Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là hoạt động núp bóng doanh nghiệp, bảo kê bến bãi, “tín dụng đen”, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, gắn với hành vi bắt giữ người trái pháp luật” – Bộ trưởng Tô Lâm thông tin.
Trong khi đó, tội phạm chống người thi hành công vụ tuy giảm về số vụ, song hành vi rất manh động, liều lĩnh, coi thường pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ điều tra án “điểm”
Trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ, các lực lượng chức năng phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế, 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ.
Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ. Phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm, điển hình là phát hiện vụ sản xuất xăng giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp. Thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, có xu hướng lợi dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội.
Tình trạng lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp…
Liên quan đến công tác đấu tranh với tội phạm môi trường, Bộ Công an đã chỉ đạo triển khai nhiều đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép; nhập khẩu phế liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và quản lý, vận chuyển, cất giữ lâm sản trái phép...
Đã có 20.558 vụ vi phạm pháp luật về môi trường bị phát hiện, khởi tố 299 vụ, 324 bị can. Nhưng việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường, như đánh giá của Bộ trưởng, là chưa đủ sức răn đe. Số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được.
Lý do là một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý, trong khi đó, tình hình tội phạm trong lĩnh vực này lại khá rộng, phổ biến, trên diện rộng.
Tương tự, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông cũng ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. “Hành vi ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế; tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương” - Bộ trưởng Tô Lâm đánh giá.
Đáng lưu ý, tình trạng người nước ngoài lợi dụng địa bàn Việt Nam để phạm tội sử dụng công nghệ cao (lừa đảo, tổ chức đánh bạc qua mạng...) có chiều hướng gia tăng.
Với tội phạm ma tuý, qua đấu tranh cho thấy, thủ đoạn chủ yếu là đối tượng người nước ngoài thành lập doanh nghiệp để để tạo vỏ bọc ngụy trang, lợi dụng các chính sách thông thoáng về hải quan để tổ chức vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và đi nước thứ ba.
“Số người nghiện tiếp tục gia tăng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng” – Bộ trưởng nêu nguyên nhân. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp trong các quán bar, nhà hàng, karaoke diễn ra phức tạp, ngày càng phát hiện nhiều dạng mới của ma túy khó kiểm soát...