Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 10, ngày 6/11, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.
Trong phiên làm việc buổi sáng, đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Văn phòng, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.
Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo cáo nêu rõ, việc cơ cấu lại các ngành kinh tế có chuyển biến tích cực, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, ứng dụng công nghệ cao tăng, giúp môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, doanh nghiệp thành lập mới tăng về số lượng và chất lượng; năng suất lao động tăng đều qua các năm.
Nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được ban hành; nhiều điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa...
Tuy nhiên, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa hoàn thiện và hoạt động của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm; hiệu quả đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu, còn xảy ra sai phạm. Việc tiếp nhận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi còn hạn chế.
Tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2019 đạt thấp. Tiến độ triển khai các dự án quan trọng quốc gia chậm so với yêu cầu. Kinh tế tư nhân chưa đáp ứng được vai trò là động lực quan trọng của nền kinh tế. Năng suất lao động còn thấp.
Cũng theo Báo cáo trên, cơ cấu thu, chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ bội chi giảm dần qua các năm, hệ thống chính sách thuế được hoàn thiện, cơ bản bao quát các nguồn thu cần điều tiết trong nền kinh tế; ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có chuyển biến tích cực.
Song, còn tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn luật, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chưa đạt kế hoạch đề ra. Chất lượng, năng lực triển khai một số dự án không đáp ứng yêu cầu giải ngân theo các hiệp định đã ký kết; một số dự án sử dụng vốn vay còn lãng phí, chưa hiệu quả.
Một số chính sách về cơ cấu lại nông nghiệp, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp được ban hành đúng thời hạn; thị trường trong nước được chú trọng, việc hỗ trợ chống dịch bệnh được quan tâm. Số xã đạt chuẩn nông thôn mới vượt mục tiêu đề ra, cơ sở hạ tầng nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống người dân nông thôn có nhiều cải thiện, tình trạng di cư tự do đã giảm mạnh. Tuy nhiên, việc hoàn thành bộ tiêu chí giám sát, đánh giá thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp chậm hơn so với yêu cầu, kết quả tăng trưởng ngành vẫn thấp so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Việc bảo đảm tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng, miền còn chênh lệch; đời sống của một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn; việc phục hồi sản xuất chưa bền vững; tình trạng lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép vẫn diễn biến phức tạp.
Báo cáo cho thấy, hệ thống pháp luật về giao thông tiếp tục được hoàn thiện, cơ cấu thị phần vận tải được chuyển dịch tích cực. Các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông được tập trung xử lý. Công tác thanh tra, kiểm soát phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép và chấp hành pháp luật giao thông được tăng cường; tình hình tai nạn giao thông trên phạm vi toàn quốc đã giảm trên cả 3 tiêu chí qua từng năm.
Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhiều công trình trọng điểm giao thông chưa đáp ứng tiến độ yêu cầu. Việc triển khai dự án sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giải ngân gói 7.000 tỷ đồng để thực hiện các dự án đường sắt quan trọng triển khai chậm. Công tác triển khai thu phí tự động không dừng chậm 2 năm so với yêu cầu.
Một số địa phương chưa hoàn thành mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Tình hình trật tự an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp, việc đầu tư, xây dựng, phát triển vận tải công cộng còn chậm; tình hình chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp; việc xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông thông qua hệ thống camera chưa được đẩy mạnh.
Đánh giá nhiều giải pháp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường đã được thực hiện; thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được đơn giản hóa; khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai đã giảm...,
Tuy nhiên, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cho rằng, việc thực hiện quy định về môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề còn chưa nghiêm, nhất là việc xử lý nước thải còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông, các hồ, ao, kênh mương trong đô thị, khu vực khai thác khoáng sản chậm được xử lý.
Ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp, có thời điểm vượt ngưỡng an toàn. Hệ thống quan trắc, hệ thống thông tin và xử lý số liệu, phân tích dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Công tác phối hợp trong quản lý khai thác, bảo vệ khoáng sản hiệu quả chưa cao; 2,64% diện tích đất trên cả nước chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Thời gian qua, một số chính sách quan trọng để củng cố, xây dựng hệ thống y tế cơ sở được ban hành. Mạng lưới y tế cơ sở được mở rộng, thủ tục khám bệnh, chữa bệnh được đơn giản hóa. Việc quản lý dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh, áp dụng bệnh án điện tử được chú trọng, liên thông kết quả xét nghiệm được triển khai.
Nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đầu tư, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế được nâng cấp, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế tăng nhanh... Song, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh giữa các tuyến, vùng, miền chưa đồng đều. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, nhất là bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương, tuyến cuối vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nguồn nhân lực y tế cơ sở vẫn chưa được giải quyết triệt để cả về số lượng và chất lượng. Cơ chế tài chính cho các hoạt động dự phòng còn thiếu, việc thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế còn bất cập.
Tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, sử dụng thuốc và dịch vụ không cần thiết vẫn xảy ra. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình vẫn ở mức thấp. Việc sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chưa được kiểm soát. Việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm vẫn gặp khó khăn, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các khu công nghiệp, trường học vẫn cao...