Nguyên nhân hơn 200 người tại TPHCM đặt mua hộ nhưng không nhận hàng

Thứ Tư, 08/09/2021 21:09

|

(CAO) Công an TPHCM đã làm việc với hơn 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng và những người quản lý App, đường link, người “đi chợ hộ", xác định việc không nhận hàng do một số nguyên nhân.

Chiều ngày 8/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp, tuyên truyền về một số thông tin nổi bật trong công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP 24 giờ qua. Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Quang cảnh buổi họp báo

 13 trường hợp tử vong là trẻ em

Tại buổi họp báo, thông tin về việc điều trị COVID-19 cho trẻ em, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, kể từ khi bùng dịch tới nay có tổng số 14.800 trẻ em nhiễm COVID-19. Trong đó, đã điều trị khỏi cho 12.000 trường hợp (chiếm hơn 87%), có 13 trường hợp tử vong. Hiện đang điều trị cho hơn 2800 trường hợp.

“Các trường hợp F0 là trẻ em có sức khỏe cơ bản tốt, ít có bệnh nền, sức đề kháng tốt, ít có chuyển biến nặng so với người lớn. Đó những yếu tố thuận lợi đối trong việc điều trị các trường hợp F0 là cháu nhỏ.

Tuy nhiên, cũng có những khó khăn như các cháu mắc bệnh phải có người lớn đi kèm. Thường cha mẹ đi cùng cũng là F0, nhiều trường hợp mắc bệnh khá nặng nên việc chăm sóc các cháu gặp nhiều khó khăn. Các cháu tự chăm sóc sẽ không tốt như người lớn”, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết thêm.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc phát thuốc cho F0, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết với túi thuốc A-B, ngành y tế TP đã chuẩn bị hơn 150.000 túi, đã cấp 130.000 túi về cho 21 quận, huyện, TP Thủ Đức. Với túi thuốc C, TP được Bộ y tế phân bổ 50.000 túi, đã cấp 16.000 túi về cho 21 quận, huyện, TP Thủ Đức.

Đến hết ngày hôm qua (7/9), đã có 83.321 trường hợp F0 được nhận túi thuốc A-B và 7988 trường hợp F0 đã nhận được túi thuốc C.

Với số lượng ca nhiễm hiện tại thì TP đảm bảo đủ thuốc, tuy nhiên để chuẩn bị cho tình huống nhiều ca nhiễm hơn, Sở Y tế đã chủ động đề xuất mua thêm 200.000 túi thuốc A,B. Dự kiến mua trong 2 đợt, đợt 1 mua 100.000 túi và đợt 2 mua số lượng tùy thuộc vào tình hình diễn biến dịch bệnh.

Đối với việc chi trả bảo hiểm cho bệnh nhân mắc COVID-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng khẳng định, COVID-19 được xác định là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A, nhà nước sẽ chi trả toàn bộ chi phí khám chữa bệnh liên quan đến COVID-19. Trường hợp bệnh nhân điều trị các bệnh lý nền khác thì BHYT sẽ thanh toán theo quy định.

Thông tin về việc trang bị hệ thống oxy, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành cho hay, trên nhu cầu thực tế để đảm bảo oxy trên toàn TP cần 15.000 giường bệnh có lắp đặt hệ thống oxy thở, TP đã lắp đặt tổng số 11.500 giường, sắp tới Sở Xây dựng sẽ phối hợp Sở Y tế thực hiện lắp đặt 3500 giường còn lại. 

Ngoài ra, thời gian qua Sở Xây dựng đã lắp đặt 114 buồng oxy lỏng và vận hành hệ thống khoảng 9500 chai oxy cung cấp cho bệnh viện điều trị, trạm y tế lưu động…

Dự kiến trong thời gian tới Sở sẽ cung cấp thêm 13.000 chai oxy được huy động từ nguồn của Sở Công thương và các doanh nghiệp hỗ trợ.

“Trước mắt, TP tạm đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp oxy để đảm bảo công tác điều trị”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành khẳng định.

Khi phát hiện F0 có giấy đi đường tham gia lưu thông, sẽ thu hồi giấy ngay

Thông tin tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu - Công an TP cho biết, hôm nay (ngày 8/9) là ngày đầu tiên triển khai quét mã QR trên quy mô rộng toàn TP. Trong kế hoạch triển khai 100 điểm chốt quét mã QR, Công an TP đã triển khai được 78 điểm.

“Do là ngày đầu triển khai đồng loạt nên việc thao tác còn tồn tại một số bất cập. Qua phản ánh từ báo chí và theo dõi, Công an TP đã đưa ra giải pháp cho các đơn vị để khắc phục tình trạng ngày hôm nay”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

 Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng tham mưu - Công an TPHCM thông tin tại buổi họp báo

Để khắc phục, theo đại diện Công an TP, với các chốt kiểm soát lưu lượng đông sẽ bố trí thêm 2-3 đầu quét để tăng tốc độ xử lý, tránh người dân phải chờ đợi dẫn đến ùn ứ. Công an TP đã hướng dẫn công an các đơn vị phân luồng ô tô và xe máy.

Với một số đơn vị đang tận dụng thiết bị sẵn có, TP đã cấp thêm USB 4G để tăng tốc độ đường truyền để xử lý nhanh hơn việc quét mã. Cùng đó, giữa các chốt kiểm soát sẽ trao đổi kinh nghiệm cách làm hay để các đơn vị học hỏi lẫn nhau.

Liên quan đến quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại chốt kiểm soát, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, theo văn bản mới nhất của Công an TP ban hành quy định về phân công nhiệm vụ và chốt chặn kiểm soát có hướng dẫn, khi phát hiện F0 tại chốt kiểm soát, với chốt chặn có nhân viên y tế thì nhân viên y tế sẽ xử lý các vấn đề liên quan đến y tế bao gồm khử khuẩn, liên hệ cơ quan y tế địa phương… Nếu không có lực lượng y tế tại chốt thì lực lượng công an sẽ thông báo cho y tế để xử lý.

Cụ thể về quy trình, với trường hợp người có giấy đi đường khi phát hiện là F0 sẽ thu hồi giấy đi đường ngay tại chốt, ghi sổ theo dõi để báo cáo về trung tâm, hỗ trợ lực lượng y tế điều tra xác minh dịch tễ. Đồng thời, tiến hành điều tra làm rõ nguyên nhân lưu thông trên đường, nếu có sai xót sẽ lập biên bản và xử lý theo quy định pháp luật.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết, thời gian qua, báo chí đưa nhiều tin, bài phản ảnh tình trạng người dân "bom hàng" đối với lực lượng “đi chợ hộ”, gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch Covid-19 và gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Căn cứ nội dung thông tin báo chí phản ánh, CATP đã rà soát các Công ty vận chuyển hàng (shipper) và không phát hiện có tình trạng “bom hàng".

Qua quá trình kiểm tra, xác minh tại 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức, phát hiện có tình trạng đơn hàng không giao nhận được tại TP. Thủ Đức, các Quận 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú.

Sau khi làm việc với hơn 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng và những người quản lý App, đường link, người “đi chợ hộ", Công an TP xác định việc không nhận hàng do một số nguyên nhân.

Cụ thể như, người dân không quen sử dụng công nghệ, thao tác không quen nên đặt trùng đơn, sau đó hủy lệnh nhưng không biết cách hủy trên hệ thống nên đơn hàng vẫn được thực hiện;  dữ liệu khi đặt hàng chưa chính xác nên bộ phận giao hàng không tìm được địa chi để giao hàng (có trường hợp địa chỉ đặt hàng ở tỉnh Bình Dương); Người dân đã hủy đơn nhưng hệ thống không cập nhật dẫn đến vẫn giao hàng và bị từ chối.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp đơn đặt hàng quá lâu chưa nhận được hàng nên người dân đã chọn kênh cung cấp khác để mua. Ngoài ra còn có trường hợp người dân đi cách ly y tế nên không nhận được hàng hoặc bên cung cấp giao không đúng mặt hàng đã đặt, không đủ số lượng hàng hoặc giao nhầm đơn nên cũng bị người dân từ chối nhận hàng. Hay trường hợp người dân đã nhận hàng rồi nhưng siêu thị vẫn giao thêm lần nữa nên bị từ chối.

“Thời gian tới, Công an TP tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương điều tra làm rõ các trường hợp liên quan. Đặc biệt sẽ tập trung xác minh các trường hợp nghi vấn cố tình quấy rối công tác phòng chống dịch và xử lý nghiệm theo quy định của pháp luật”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang