Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ở TPHCM: Nhiều cơ hội vẫn bỏ ngỏ!

Thứ Hai, 26/10/2020 14:01

|

(CAO) Do chưa lường hết một số vấn đề mới, phức tạp, một số nội dung triển khai Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM còn chậm so với kế hoạch dự kiến.

Quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng ký báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Định Tiến Dũng cho biết, sau 3 năm thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo Nghị quyết số 54/2017/QH14, HĐND TP đã thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843,79 ha.

Thực hiện cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư, HĐND TP đã quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP với tổng vốn đầu tư là 12.954,331 tỷ đồng.

Sau 3 năm thí điểm, vẫn còn nhiều cơ chế, chính sách đặc thù ở TPHCM chưa được tận dụng

Các dự án này bao gồm: xây dựng Rạp Xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ tổng mức đầu tư (TMĐT) 1.491 tỷ đồng; xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với TMĐT 1.508,121 tỷ đồng; bồi thường giải phóng mặt bằng Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc, phường An Phú, quận 2, TMĐT 8.004,062 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TPHCM với TMĐT 958,611 tỷ đồng; xây dựng Trung tâm tiếp nhận và xử lý thông tin khẩn cấp của TPHCM thông qua một đầu số viễn thông duy nhất giai đoạn 2019 - 2025 với TMĐT 992,537 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐND TP cũng điều chỉnh chủ trương đầu tư 1 dự án từ nhóm B lên nhóm A sử dụng vốn ngân sách TP là dự án xây dựng đường nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa, quận Tân Bình.

TMĐT dự án này tăng từ 1.402,810 tỷ đồng lên thành 4.849,320 tỷ đồng, hiện đang được UBND TP xin ý kiến thống nhất của Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng để đủ cơ sở quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ tỷ lệ 1/2000 các khu vực có liên quan đến dự án ở quận Tân Bình.

Thực hiện chính sách chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, giai đoạn 2018-2020, TP đã bố trí dự toán kinh phí với tổng số tiền là 18.020 tỷ đồng.
Theo đánh giá của TP, chính sách này đã góp phần giảm bớt khó khăn, cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức; chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index) năm 2019 xếp hạng 7/63 tỉnh, thành phố; cao hơn năm 2018 (hạng 10/63).
Cùng với đó, tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của thủ tục hành chính cấp tỉnh năm 2019 đạt 99,93%; tỉ lệ hài lòng chung của người dân, doanh nghiệp đạt từ 80% trở lên, trong đó tỉ lệ hài lòng đối với cung ứng dịch vụ công về giáo dục là trên 88%; đối với dịch vụ y tế là trên 80%.

Về cơ chế quản lý tài chính - NSNN của TP, Chính phủ thông tin, từ 1/7/2018 đến nay, TP đã triển khai thực hiện thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp với tổng số phí thu được từ quý 2/2019 đến quý 2/2020 là 48,2 tỷ đồng/năm. Trước thời điểm này, con số thu được chỉ đạt 8 tỷ đồng/năm.

Chưa tận dụng được nguồn lực

Ghi nhận những kết quả đạt được sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 54, Chính phủ đánh giá, việc triển khai các nội dung, đề án đạt một số kết quả tích cực, tạo thế chủ động cho TP so với thời gian trước.

Tuy vậy, do gặp một số khó khăn, nhiều cơ chế đặc thù trong lĩnh vực tài chính – NSNN vẫn còn bỏ ngỏ. Chẳng hạn, TP không được hưởng số thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước do quá trình triển khai cổ phần hoá gặp vướng mắc dẫn đến phải tạm dừng triển khai các bước tiếp theo.

Nguồn thu hồi vốn, thoái vốn nhà nước tại DNNN do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu đến nay thực tế thu được là từ số dư của Quỹ sắp xếp doanh nghiệp của các Tổng công ty do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu nộp ngân sách (1.786,6 tỷ đồng).

TP cũng không được thưởng và đầu tư trở lại từ nguồn vượt thu NSNN do việc thực hiện các khoản thu không đạt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Tương tự, mức vay của TP được huy động từ nguồn vay trong nước và vay từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài cho TP vay lại cũng không đạt dự toán.

Số liệu của Chính phủ cho thấy, tổng dư nợ vay đến ngày 31/12/2020 là 23.752 tỷ đồng, bằng 34,9% mức dư nợ cho phép. Nguyên do là việc chuẩn bị thủ tục đầu tư dự án vay chậm, vướng giải phóng mặt bằng, đấu thầu chậm.

“Cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... nhưng thực tế giai đoạn 2018-2020, các giải pháp này cơ bản chưa được triển khai thực hiện” - Chính phủ nhận định.

Vẫn theo Chính phủ, công tác nghiên cứu, xây dựng và xem xét, hướng dẫn thực hiện Quy định đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng quý chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn. Việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đòi hỏi sự thận trọng trong xây dựng cơ chế tổ chức thực hiện nên thời gian xây dựng quy trình cần nhiều thời gian nghiên cứu, hoàn thiện.

Từ thực tiễn trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54 và tổng kết thực hiện Nghị quyết này báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022.

Đối với Đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách TPHCM giai đoạn 2021-2030 TP đang xây dựng, Chính phủ kiến nghị cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM phải đặt trong tổng thể xu thế phát triển chung của cả nước, kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng, trên tinh thần TP vì cả nước và cả nước vì TP phát triển ngày càng văn minh, hiện đại. Điều này, theo Chính phủ, cũng cần phù hợp với khả năng nguồn lực của Nhà nước, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội để tập trung phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước giải quyết các khó khăn, thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới của TP.

Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 54, Chính phủ đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương phối hợp chặt chẽ với TPHCM nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đạt được mục tiêu đề ra.

Bình luận (0)

Lên đầu trang