Nhớ mãi lời Bác trong mùa thu lịch sử

Thứ Tư, 23/09/2020 10:15

|

(CATP) Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ngày 23-9-1945, cả Nam bộ nhất tề đứng lên viết nên những trang sử hào hùng của miền Nam thành đồng Tổ quốc.

Đã ba phần tư thế kỷ trôi qua kể từ ngày quân dân Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, bảo vệ thành quả cách mạng và nền độc lập dân tộc mới giành lại được, với quyết tâm "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ". Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ ngày 23-9-1945, cả Nam bộ nhất tề đứng lên viết nên những trang sử hào hùng của miền Nam thành đồng Tổ quốc.

Chính quyền cách mạng mới ra đời ngày 2-9-1945, vận mệnh dân tộc đã đứng trước tình thế "ngàn cân treo sợi tóc", khi đêm 22 rạng sáng 23-9-1945, lợi dụng lệnh giới nghiêm, quân đội Pháp ngang nhiên nổ súng vào Tòa thị chính Sài Gòn - nơi làm việc của Ủy ban Hành chính lâm thời Nam bộ, chợ Lớn, Bưu điện, Đài Phát thanh..., lập tức Ủy ban Kháng chiến Nam bộ được thành lập, do ông Trần Văn Giàu làm chủ tịch và ngay chiều 23-9-1945 đã thông qua lời kêu gọi "Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng" đồng thời ra tuyên bố "Cuộc kháng chiến bắt đầu!".

Với tinh thần "Thà chết tự do còn hơn sống nô lệ", quân dân Nam bộ, mà khởi đầu là nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn, đã đánh trả quyết liệt, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ. Ngay trong sáng 23-9-1945, khi một đại đội quân Anh định hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, chỉ với vũ khí thô sơ nhưng các chiến sĩ cảm tử của Tiểu đội bảo vệ cột cờ Thủ Ngữ đã kiên quyết ngăn chặn, dù phải hy sinh đến người cuối cùng. Trận chiến đấu bảo vệ biểu tượng của nền độc lập đã cổ vũ mạnh mẽ lực lượng vũ trang ta.

Chiến thuật "trong nổi dậy, ngoài vây chặt" đã đẩy quân Pháp vào tình thế khốn đốn do bị cô lập, khi bên trong thành phố, gần 350 đội tự vệ bám sát các vị trí chiến đấu, còn bên ngoài các lực lượng vũ trang siết chặt vòng vây; song song với đó, tầng lớp thợ thuyền, học sinh, người lao động bãi công, bãi khóa; bàn ghế, giường tủ được dựng thành chiến lũy trên khắp đường phố...

"Ngày kháng chiến" 5-11-1945 được tổ chức trên toàn quốc, bày tỏ sự ủng hộ của toàn dân đối với cuộc chiến đấu anh dũng của đồng bào Nam bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và đọc diễn văn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (ảnh tư liệu)

Từ thủ đô, Bác và Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến cục diện ở miền Nam. Ngày 26-9-1945, thông qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Người khẳng định: "Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng...".

Cả nước đã chi viện tối đa sức người, sức của cho Nam bộ, nhiều đoàn quân Nam tiến được thành lập, Quỹ Nam bộ kháng chiến ra đời, nhân dân quyên góp tiền bạc, quần áo, gạo, thuốc men chi viện cho đồng bào Nam bộ kháng chiến. Bằng sự kiên cường, bất khuất, quân và dân Nam bộ nói chung, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng đã chiến đấu kìm chân quân Pháp trong thành phố, thị xã, tiêu hao nhiều sinh lực địch, góp phần giữ vững chính quyền cách mạng, buộc quân Pháp phải chôn chân ở miền Nam nhiều tháng ròng để cả nước chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến trường kỳ.

Chính ý chí chiến đấu ngoan cường, bất khuất, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của đồng bào Nam bộ đã được Bác đúc kết qua danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc".

75 năm đã đi qua, nhưng khí thế hào hùng của ngày Nam bộ kháng chiến vẫn còn vang vọng mãi trong lòng mỗi người dân Việt, trở thành niềm tự hào, là nguồn động viên nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ, vững bước tiến trên con đường xây dựng, bảo vệ Tổ quốc dưới lá cờ vẻ vang của Đảng.

Chính vì thế, lời Bác dặn "chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công" đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, nếu chúng ta biết nêu cao tinh thần đoàn kết, kiên quyết đấu tranh đến cùng, nhất định sẽ thắng lợi trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, như tinh thần quật khởi của những ngày Nam bộ kháng chiến năm xưa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang