Những "ông bầu" thể thao ở Báo Công an TPHCM

Thứ Ba, 15/06/2021 10:41  | Lê Tuấn

|

(CATP) Nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Báo Công an TPHCM, bên cạnh những thành quả nổi bật về chuyên môn, hoạt động xã hội từ thiện, không thể không nhắc đến phong trào thể thao trong đơn vị.

Nói đến thể thao phong trào là phải đề cập đến sự đam mê cũng như "bao cấp" của các "ông bầu". Và đã có bao nhiêu "ông bầu" của phong trào thể thao đó thành công? Cũng như ai là những "ông bầu" đầu tiên của đơn vị đó?...

Khó ai đoán được chính xác nhưng từ lâu giới bóng đá phong trào thể thao của Báo Công an TPHCM đã "quen tai, nhẵn mặt" với ba ông bầu nguyên là lãnh đạo qua các thời kỳ: Đặng Xuân Dũng, Trần Tử Văn và Trần Trọng Dũng. Báo Công an TPHCM là đơn vị có bề dày thành tích của phong trào thể thao TPHCM và trong lực lượng ngành công an. Đặc biệt là môn bóng đá từ sân chơi 11 người đến sân chơi nhỏ 5 người (futsal).

Không chỉ chơi hay ở bóng đá 11 người mà bóng đá futsal Báo CATPHCM cũng đã từng nhiều năm liền đoạt cúp vô địch của các giải bóng đá phong trào do Liên đoàn Bóng đá TPHCM tổ chức, thậm chí của cả giải Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Để rồi sau đó đại diện thi đấu giải futsal Đông Nam Á tại Malaysia, Thái Lan những năm trước đây.

Ông "bầu" Đặng Xuân Dũng nhận kỉ niệm chương từ Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan.

Sau các ông "bầu" trước đây như Trần Tử Văn, Đặng Xuân Dũng, Trần Trọng Dũng, giờ phải kể kế tiếp phong trào thể thao của đơn vị, ông "bầu" Mai Văn Em – Phó tổng biên tập Báo CATPHCM. Tuy điều kiện kinh tế, hoàn cảnh khác nhau nhưng những "ông bầu" trong Ban Biên tập có điểm chung là đều đam mê phong trào thể thao như: bóng đá, bóng chuyền, kéo co, cầu lông, quần vợt... thậm chí mang tiền nhà "phục vụ" cho phong trào đơn vị. Cái tâm này thật đáng trân trọng biết bao. Đó là điều mà hiện nay rất hiếm lãnh đạo đơn vị nào làm được.

Nick Vujicic tại giải trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Thật thú vị khi tìm hiểu sâu xa về câu chuyện làm thể thao phong trào của các "ông bầu" này. Có thể họ khác nhau về tính cách, con đường đi và cả về chuyện "hầu bao", nhưng tất cả đều có một điểm chung: chơi khỏe để làm việc, giảm stress, giao lưu, tìm niềm vui trong bóng đá, hòa đồng trong thể thao... Và họ bỏ tiền ra nhằm để duy trì và tạo sân chơi cho cán bộ chiến sĩ, công nhân viên cũng như thu hút các tài năng đã về "vườn", hoặc những người bên kia sườn dốc sự nghiệp cùng tham gia. Ngoài ra còn kiêm luôn việc tạo điều kiện công ăn việc làm cho họ.

Ông "bầu" Trần Tử Văn trao cúp cho đội vô địch giải nội bộ Báo CATP

Nhiều khi vui chơi với nhau cũng chỉ vì tình yêu thể thao, đặc biệt trong bóng đá phong trào nhiều lúc cũng đem lại niềm vui cho các ông "bầu". Thế mới có việc "bầu" này đưa quân đi du đấu với đội bóng của "bầu" nọ và ngược lại. Thậm chí còn được đưa đi du đấu giao lưu tại Thái Lan, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... Dân "phong trào" nhiều khi được săn đón, đưa rước như ngôi sao thực thụ.

Mặc dù những người đứng đầu các đội bóng này không có những tham vọng to lớn để trở thành những CLB lớn có phong trào thể thao chuyên nghiệp... nhưng có thể nói việc làm của họ có tác động rất tích cực lên phong trào thể thao đơn vị nói riêng và của thành phố nói chung.

Cùng với sự xuất hiện của các sân chơi này, chất lượng của phong trào thể thao ở các cơ quan, doanh nghiệp cũng được nâng lên rõ rệt qua từng giải đấu. Hiện nay, bóng đá, bóng chuyền, kéo co, quần vợt, điền kinh... được xem như các môn thi đấu không thể thiếu trong các giải hội thao liên ngành, liên cơ quan. Cùng với đó, nhiều giải đấu được tổ chức càng làm cho môn thể thao phong trào thêm sôi động, trong đó có đơn vị Báo CATPHCM của ba "ông bầu" Xuân Dũng, Tử Văn và Trọng Dũng là một ví dụ điển hình.

Ông "bầu" Trần Trọng Dũng nhận quà lưu niệm từ đội bóng Cảnh sát Hoàng gia Thái Lan

Theo thống kế chưa chính thức để có được một sức hút trong bóng đá, trong thể thao phong trào của đơn vị mạnh như thế, công đầu phải kể đến các ông "bầu" nghiệp dư này. Họ đến với niềm đam mê, với niềm vui cùng quả bóng, với thể thao cho khỏe chứ không phải vì vụ lợi, vì mục tiêu kinh doanh sâu xa. Đó chính là điều trân trọng nhất.

Nhờ có sự khuấy động phong trào của các ông bầu mà bộ sưu tập thành tích của cơ quan ngày một dày thêm. Tại phòng truyền thống, nơi có đến hàng trăm cái Cúp, Cờ lưu niệm vô địch thâu tóm được trong hơn nhiều năm qua. Thậm chí, Báo CATPHCM còn có đội bóng futsal chuyên nghiệp tham dự các giải vô địch futsal toàn quốc...

Không đao to búa lớn, không hoành tráng và chuyên nghiệp như "bầu" Đức, "bầu" Thắng, "bầu" Hiển, "bầu" Trường... Mà những ông "bầu nghiệp dư" chúng tôi kể trên đã làm cho thể thao phong trào nói chung, bóng đá phong trào TPHCM nói riêng phát triển một cách đa dạng, vui nhộn, hiệu quả, đặc biệt là nó đã bền vững với thời gian.

Ông "bầu" Đặng Xuân Dũng (trái) trao cờ cho đội bạn

Nhìn ở góc độ thể thao phong trào, sân chơi này có vẻ đơn giản. Nhưng nếu nhìn lại cả một hành trình dài qua các lần tham gia và tổ chức, sẽ thấy rất nhiều ưu tư và vất vả. Và phong trào thể thao không thể thành công nếu thiếu những tấm lòng và nhiệt huyết từ nhiều phía. Cũng từ sân chơi này, nhiều cán bộ chiến sĩ đơn vị rất tự tin trong cuộc sống cũng như hoàn thành tốt trong công việc. Hạnh phúc của cuộc đời không chỉ là tận hưởng, mà là qua phong trào thể thao chính là hiệu ứng xã hội của niềm tin được đặt để, khơi nguồn.

Như lời nguyên Tổng biên tập Báo CATPHCM Trần Trọng Dũng đã chia sẻ: "Lúc nào Ban Biên tập cũng muốn có được nhiều sân chơi phong trào thể thao, dù chỉ là cuộc thi đấu trong nội bộ hay giao lưu nhân các ngày lễ kỷ niệm thôi, nhưng ở đó các anh em được hòa mình trong không khí vui tươi của anh em cán bộ chiến sĩ đơn vị sau những ngày làm việc mệt nhọc. Chính từ những sân chơi như thế này sẽ giúp anh em đoàn kết cũng như hoàn thành tốt công tác được giao.

Trao cúp cho đội vô địch giải Báo CATP

Đôi khi tự hỏi, nếu như sân chơi này không còn được duy trì nữa thì sao? Không chỉ lãnh đạo cơ quan hay anh chị em những người đã và đang gắn bó với đơn vị trong nhiều năm qua rất quan tâm mà chính những người làm công tác tổ chức cũng đang lo lắng. Trong cuộc sống, không phải ai cũng có cuộc sống hoàn hảo mà có những hoàn cảnh trái ngược khác nhau. Nhưng, điều quan trọng là chúng ta biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau để cùng nhau tiến bộ.

45 năm, một chặng đường chưa phải là dài nhưng cũng không ngắn để nhìn lại phong trào thể thao của đơn vị. Phong trào thể thao đơn vị lớn mạnh từng ngày, từng cán bộ chiến sĩ công an, cán bộ công nhân viên đã tìm được niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống thông qua thể thao. Đó chính là tiêu chí hàng đầu và cũng là sự mong muốn, kỳ vọng của Ban Biên tập cũng như các cấp lãnh đạo ngành, cơ quan đơn vị trong suốt thời gian qua.

Bình luận (0)

Lên đầu trang