Dẫn đường cho quân giải phóng
Bồi hồi gặp lại nhau sau 44 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, những chiến sĩ của Trung đoàn 2 Đất Thép thuở nào không kìm nổi sự xúc động khi được siết chặt tay những đồng đội cũ từng vào sinh ra tử một thời trong buổi họp mặt.
Được đồng đội bế từ xe khách xuống, thương binh Đỗ Văn Thuần dù cụt cả 2 chân nhưng đôi tay vẫn còn khỏe mạnh, thoăn thoắt điều khiển chiếc xe lăn tiến vào hội trường. Trông thấy ông, cựu chiến binh Nguyễn Phước Tấn (gần 80 tuổi, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Củ Chi Đất Thép) liền chạy tới ôm chầm lấy người đồng đội hồi lâu trong niềm xúc động dâng tràn, cả hai siết chặt tay nhau không nói nên lời...
Ngược dòng lịch sử, trở lại thời gian cuối tháng 2-1975, khi đó Khu ủy Sài Gòn - Gia Định yêu cầu huyện Củ Chi thành lập 1 Trung đoàn vũ trang chiến đấu. Chỉ trong vòng chưa đầy tháng, vừa biên chế vừa tập hợp lực lượng từ con em của huyện, ngày 26-3-1975 Trung đoàn 2 Đất Thép chính thức được thành lập với gần 800 chiến sĩ và bước ngay vào cuộc chiến.
Ban chỉ huy Trung đoàn 2 Đất Thép hạ quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vào tháng 4-1975. Ảnh tư liệu
Sáng 29-4-1975, Trung đoàn nhận lệnh tập kết tại xã An Phú, huyện Củ Chi. Ông Phạm Tấn Thành (biệt danh Hai Thành, nguyên Huyện đội trưởng huyện Củ Chi) kể: “Lúc đó, một cánh quân chủ lực gồm pháo, xe tăng đã về từ lúc nào. Thấy vậy, anh em phấn khởi reo hò, ai cũng tin ngày chiến thắng tới rồi.
Đúng lúc đó, lệnh từ Trung đoàn trưởng truyền xuống, tụi tui đi trước mở đường cho quân chủ lực theo hướng Tỉnh lộ 15 xuống bao vây đồn Tân Thạnh Đông. Lính chế độ cũ trong đồn nghe ta kêu gọi đầu hàng lúc đầu còn làm lơ, tưởng tình hình cũng như Xuân Mậu Thân 1968. Ai ngờ thấy xe tăng và quân chủ lực của ta tiến tới họ mới hoảng hốt xin hàng”.
Hôm đó, Trung đoàn 2 Đất Thép tiếp tục tiến về Hóc Môn ém quân chờ. Rạng sáng 30-4, cùng với quân chủ lực, Trung đoàn bắt đầu nổ súng ở vòng ngoài. Không lâu sau, lính chế độ cũ ở Sài Gòn buông súng đầu hàng trước khí thế ngút trời của Quân Giải phóng.
Các chiến sĩ của Trung đoàn Củ Chi Đất Thép cấp tốc tiến vào nội thành. Trưa cùng ngày là thời khắc không thể nào quên trong tâm khảm CBCS Trung đoàn 2 Đất Thép và càng có ý nghĩa hơn bởi chỉ mới thành lập nhưng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn đã đánh 10 trận, cùng nhân dân, các lực lượng tiêu diệt nhiều đồn địch trên địa bàn huyện, giải phóng quê hương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tiến công cắm cờ chiến thắng trên nóc Dinh Tòa đô chính Gia Định.
Sau giải phóng, Trung đoàn làm nhiệm vụ bảo vệ một số mục tiêu trọng yếu; tích cực tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, truy quét, tấn công, trấn áp các loại tội phạm. Năm 1976, Trung đoàn đổi tên thành Trung đoàn 2 An ninh nhân dân và sau là Trung đoàn 2 Công an nhân dân vũ trang, có nhiệm vụ bảo vệ tuyến biên giới Tây Nam từ Tịnh Biên (An Giang) đến Xa Mát, Thiên Tôn (Tây Ninh).
Năm 1977, khi quân Khmer đỏ tràn sang biên giới các tỉnh Tây Nam, Trung đoàn đã giáng trả kẻ thù nhiều đòn chí mạng.
Ông Nguyễn Văn Sâm – nguyên Đại đội trưởng Đại đội 12 của Trung đoàn - nhớ lại: “Chúng tôi đã chiến đấu giáp lá cà gần 2 ngày với địch, giải phóng được xã Tân Khai (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) khỏi tay Khmer đỏ. Sau trận thắng này, anh em trong đơn vị được nhận lẵng hoa của Bác Tôn (Chủ tịch Tôn Đức Thắng - NV) gửi tặng”.
Ba năm sau, Trung đoàn làm nghĩa vụ quốc tế với phiên hiệu và tên gọi mới là “Trung đoàn 688 (E688) Bộ đội Biên phòng” thuộc Mặt trận 479 phối thuộc Sư đoàn 5. Năm 1985, sau khi về nước, Trung đoàn giải thể tại Long Khánh (Đồng Nai).
Trong vòng 10 năm kể từ khi thành lập, Trung đoàn 2 Đất Thép với nhiều tên gọi khác nhau đã chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đơn vị, cá nhân của Trung đoàn đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Phát huy chất “lính cụ Hồ”
Trở về cuộc sống đời thường, CBCS của Trung đoàn 2 Đất Thép năm xưa tiếp tục lao động, học tập, góp phần xây dựng quê hương.
Bác sĩ Nguyễn Minh Thành - nguyên là chiến sĩ quân y của Trung đoàn - sau ngày đơn vị giải thể, được phân về Bệnh viện (BV) đa khoa Củ Chi, sau đó phụ trách BV này. Từ BV tuyến huyện với cơ sở vật chất thiếu thốn, bác sĩ Thành đã cùng tập thể lãnh đạo đơn vị đầu tư nguồn nhân lực, đưa các trang thiết bị y tế hiện đại vào chăm sóc sức khỏe người dân.
Đến nay, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tích cực truyền đạt kinh nghiệm cho lực lượng kế nhiệm. Bác sĩ Thành tâm sự: “May mắn là mình còn sống, nên lúc nào cũng cố gắng làm tất cả những gì có thể để không phụ lòng những đồng chí, đồng đội đã hy sinh”.
Niềm xúc động dâng tràn trong ngày gặp lại đồng đội cũ
Ông Lê Văn Đục (ngụ ấp Xóm Trại, xã An Nhơn Tây, nguyên là chiến sĩ của Trung đoàn), nay là một trong những gương nông dân điển hình trong phong trào Nông dân sản xuất giỏi của huyện. Từ năm 2002 đến nay, ông chăn nuôi bò vàng và lúc nào trong chuồng cũng có từ 5 - 7 bò giống. Bà con trong xóm ai không có vốn, ông sẵn sàng bán thiếu, không lấy lãi...
Hay như cựu chiến binh Đỗ Văn Thuần, tuy là thương binh 1/4 nhưng vẫn mạnh dạn mở doanh nghiệp (DN) sản xuất vật liệu xây dựng. Hiện ông đầu tư 4 máy quay cống bê – tông hiện đại (hơn 800 triệu đồng/máy) đồng thời chủ động mời con em các gia đình chính sách đã tốt nghiệp đại học về làm việc.
Đến nay, nhiều sản phẩm của DN được thi công tại các công trình cấp thoát nước, thủy lợi, giao thông ở nhiều địa phương trong cả nước, bảo đảm việc làm ổn định cho hơn 30 công nhân với mức lương bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.
Năm tháng dù trôi qua nhưng chiến công của Trung đoàn 2 Đất Thép vẫn mãi được khắc ghi. Càng tự hào hơn khi hôm nay, những người lính của Trung đoàn anh hùng vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước.