(CAO) Bà Đinh Thị Thanh Thủy (SN 1972, quê quán Bến Tre), Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM; Đại biểu HĐND TPHCM khóa IX (2016 - 2021); được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM giới thiệu ra ứng cử Đại biểu Hội đồng nhân dân TPHCM nhiệm kỳ 2021 – 2026; đơn vị bầu cử số: 10 (Quận 8). Bà Đinh Thị Thanh Thủy đã có Chương trình hành động của mình, cụ thể một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Tâm đắc với một số nét chính trong mục tiêu tổng quát Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI: “…Không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế cả nước; đẩy mạnh phát triển văn hóa, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc”; sau nhiệm kỳ 2016-2021, tôi vinh dự được Ủy ban Măt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu tái cử Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026. Nếu được cử tri tín nhiệm lựa chọn làm Đại biểu của dân, tôi sẽ nỗ lực thực hiện 06 nhiệm vụ cụ thể như sau:
1. Thường xuyên giữ mối liên hệ công tác với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và cử tri nơi cư trú, nơi công tác, đặc biệt ưu tiên nơi mình ứng cử, để tìm hiểu, ghi nhận những nguyện vọng, những vấn đề cấp thiết và chính đáng của người dân; phản ánh đến cấp có thẩm quyền, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và báo cáo với cử tri những kết quả đạt được.
2. Từ kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm công tác trên lĩnh vực văn hóa - xã hội; đặc biệt là văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, xuất bản…, tôi sẽ liên hệ chặt chẽ và phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp rà soát, tham mưu kiến nghị sửa đổi, bổ sung và xây dựng các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ để đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn đời sống xã hội.
3. Trong vai trò quản lý điều hành một đơn vị xuất bản, với mục tiêu truyền bá tri thức, tôi sẽ không ngừng tìm kiếm, khai thác các bản thảo có chất lượng về nội dung, phong phú về hình thức xuất bản phẩm; phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhiều đối tượng độc giả từ tiếp cận phổ quát đến nghiên cứu chuyên sâu.
4. Phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy mạnh các hoạt động thông tin, triển lãm, hội sách; xây dựng tủ sách phù hợp từng đối tượng, khuyến đọc trong cộng đồng thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tác giả - tác phẩm tại các điểm sáng văn hóa, các trường học ở khu vực trung tâm và hướng đến vùng ven, vùng xa.
5. Giai đoạn 2021-2026 có kế hoạch xây dựng đề án đổi mới, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xuất bản; phát triển sách điện tử (ebook), sách nói (audiobook) bên cạnh sách giấy truyền thống để đa dạng hóa các loại hình văn hóa đọc.
6. Quan tâm giám sát công tác đặt, đổi tên đường, tượng đài, công viên, quảng trường của Thành phố Hồ Chí Minh; công tác quản lý, bảo tồn di sản văn hóa vật thể/ phi vật thể và biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn Thành phố nhằm phát triển bền vững kinh tế - văn hóa, quảng bá du lịch Việt Nam.