(CAO) 13 năm gắn bó với Báo Công an TPHCM, đối với tôi là khoảng thời gian vô cùng đáng quý. Bao nhiêu là kỷ niệm, tình nghĩa, nhiệt huyết... dưới “mái nhà chung” có tên gọi là Báo Công an TP.HCM này.
Khi còn ngồi trên ghế Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM, với chuyên ngành Ngữ văn, tôi thường tự hỏi: “Mình sẽ làm gì khi cầm trên tay tấm bằng?”. Giữa nhiều ngã rẽ, tôi bén duyên với Tòa soạn Báo Công an TPHCM. Lúc ấy, tôi còn không tin nổi mình lại được làm việc tại một tờ báo có tiếng như vậy. Nói đúng hơn, có lẽ chính nghề báo đã chọn tôi.
Những ngày tháng sau đó, tôi dốc hết sức để tìm kiếm thông tin hay, để “múa máy” con chữ thành những bài viết thật sự chất lượng. Làm sao quên được khoảng thời gian những chữ “sếp” biên tập đỏ cả các trang bản thảo, còn tôi vẫn lén lau những giọt nước mắt tủi thân. Khi tưởng chừng như bỏ cuộc thì tôi lại càng nỗ lực, bởi không có con đường nào bằng phẳng và dễ dàng nếu mỗi chúng ta không biết học cách đứng lên sau mỗi thất bại.
Từ một cộng tác viên vụng về, tôi đã bước từng bước thật chậm và chắc. Và tôi đã thật sự yêu nghề tự lúc nào không biết. Đam mê nghề trỗi dậy trong tôi một cách mãnh liệt. Tôi len lỏi khắp nơi để tìm kiếm thông tin, trau chuốt từng câu chữ bằng tất cả tình yêu với nghề.
Các thế hệ làm
Báo Công an TPHCM chụp ảnh lưu niệm trong buổi họp mặt truyền thống sáng 14-6-2019
13 năm đầy ắp kỷ niệm. Khi được Ban biên tập phân công viết bài nhân kỷ niệm 43 năm ngày thành lập Báo, tôi vừa mừng vừa lo. Trong đầu tôi là vô số những mảnh ghép không trật tự, viết gì cho hay đây? Thế rồi tôi đã chọn cách thả mặc cho cảm xúc tuôn trào. Cứ viết! Nhớ gì thì viết nấy.
Lâu rồi, vì guồng quay cuộc sống, tôi ít tham gia những chuyến làm từ thiện của cơ quan. Đôi khi tôi thấy nặng lòng ghê gớm. Có lúc, nhớ đến quay quắt những chuyến đi trước kia. Là đến vùng núi rừng của làng Arem - MaCoong sâu thăm thẳm, lạnh lẽo - nơi mà khi trở ra mới biết mình còn sống, để trao quà tận tay các em học sinh dân tộc thiểu số. Là những lần đi Đồng Tháp, Sóc Trăng... để khánh thành cầu nông thôn cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa.
Là khi trao tập sách, bánh kẹo, lồng đèn trung thu cho các em học sinh nghèo ở Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Chỉ cần nhìn thấy những cụ già da nhăn nheo nở nụ cười tươi, những em thơ ôm quà phấn khởi, người nông dân hồ hởi bước đi trên cây cầu mới hay những mảnh đời bất hạnh được tiếp sức, tôi đã thấy hạnh phúc biết nhường nào!
13 năm gắn bó với nơi này sao mà yêu thương đến thế! Lúc này, muốn tìm chút nỗi buồn để than vãn cũng khó, vì tôi chỉ biết rằng trong ngần ấy thời gian, niềm vui trong công việc cứ chất chồng theo năm tháng. Tôi có những người lãnh đạo tuyệt vời, những người anh, người chị, đồng nghiệp rất thân thiện và được sống dưới “mái nhà chung” luôn đoàn kết, gắn bó.
Chợt nghĩ, 13 năm công tác của tôi có hề hấn gì đối với tuổi đời của tờ báo. 43 năm qua, Báo Công an TPHCM đã luôn nỗ lực để mang đến cho bạn đọc một kênh thông tin thật sự chuẩn xác, nhanh chóng. Một hành trình dài không chỉ phục vụ cho công tác tuyên truyền, mà còn gieo những mầm thiện. Tôi hạnh phúc khi được trở thành một trong những người con của “mái nhà chung” này.
Tôi tự hào biết bao khi tự giới thiệu: “Tôi là phóng viên của Báo Công an TPHCM” - tờ báo của đại chúng, được độc giả khắp mọi miền đất nước đón nhận. Chỉ biết rằng bao thế hệ đã từng góp nhặt, cống hiến cho tòa soạn luôn nhớ về nơi này với một tình yêu rất riêng, để rồi có một ngày được trở về “tay bắt, mặt mừng”, cùng gặp gỡ, nói cười, chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống, thế thôi đã là quá đủ rồi.
Tòa soạn của chúng tôi tọa lạc tại một trong những con đường đẹp nhất TPHCM: đường Nguyễn Du (Q1). Con đường rợp lá me bay nên bao nhiêu năm qua, “mái nhà chung” ấy vẫn giữ nét kiêu hãnh và độc đáo. Chị “sếp” tiểu ban căn dặn: “Chắc là chỉ viết kỷ niệm vui thôi nhỉ?”. Tôi cười cười. Vì dẫu không nói ra thì thông tin sẽ sát nhập nhiều cơ quan báo chí trong thời gian gần đây, cũng làm Tòa soạn Báo Công an TPHCM và nhiều đơn vị báo chí khác băn khoăn. Nhưng dẫu sao, tôi và nhiều anh, chị, đồng nghiệp khác vẫn tiếp tục cặm cụi làm việc bởi lòng yêu nghề. Trong buổi họp mặt, nhiều anh, chị dặn dò “Còn gặp nhau thì hãy cứ vui...” là vậy!