TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án Công viên Sài Gòn Safari

Thứ Sáu, 14/06/2019 16:47

|

(CAO) Ngày 14/6, tại nhà văn hóa xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP.HCM, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận số 2112/KL-TTCP thanh tra toàn diện dự án Thảo Cầm Viên mới (còn gọi là Công viên Sài Gòn Safari).

Ông Trần Văn Mây, Cục trưởng Cục 3, Thanh tra Chính phủ chủ trì buổi công bố kết luận thanh tra. Cùng tham dự có hơn 170 hộ dân bị ảnh hưởng và đang khiếu nại thuộc dự án và đại diện các ban, ngành, đoàn thể huyện Củ Chi.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari có nhiều sai phạm, chậm triển khai khiến dư luận bức xúc

Bản Kết luận số 2112/KL-TTCP của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án Công viên Sài Gòn Safari. Cụ thể, từ năm 2004 đến năm 2007, đồ án quy hoạch dự án mới hoàn thành và phê duyệt là thời gian quá dài.

Trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều trường hợp không được chính quyền căn cứ vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà căn cứ theo kết quả kiểm kê thực tế để áp giá là chưa phù hợp với quy định.

Cụ thể, trong 705 hồ sơ đền bù có tới 578 trường hợp đền bù không đúng với số tiền 104,74 tỷ đồng. Hiện nay vẫn còn 16 hộ chưa nhận bồi thường, chưa giao đất, còn khiếu nại.

Diện tích đã bàn giao từ Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Củ Chi sang Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (chủ đầu tư dự án) là 403,45 ha, nhưng trên thực tế UBND huyện Củ Chi và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn đã không quản lý được toàn bộ diện tích này. Hiện nay, trên diện tích đất để triển khai dự án có 66 hộ dân tranh thủ trồng cây ngắn ngày và chăn nuôi.

Về vấn đề tái định cư, UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư giai đoạn 1 quy mô 18 ha với tổng mức đầu tư gần 178 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2016, nhưng đến nay dự án xây dựng khu tái định cư không triển khai được. Việc chưa bố trí được tái định cư là một trong những lý do mà người dân khiếu nại, chưa chịu bàn giao mặt bằng.

“Dự án Công viên Sài Gòn Safari có quy mô lớn, diện tích đất phải thu hồi lên tới 456,85 ha, là dự án trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, nhưng UBND thành phố chưa thực hiện đúng trình tự pháp lý theo quy định. UBND thành phố giao Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn làm chủ đầu tư dự án, trong khi Công ty này không đủ năng lực thực hiện. Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND thành phố giai đoạn từ 2001- 2006”, Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh tổ chức kiểm điểm nghiêm túc các tổ chức, cá nhân liên quan, rà soát hoàn chỉnh các thủ tục pháp lý về chủ trương, quy mô, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất có liên quan đến dự án Công viên Sài Gòn Safari.

Cùng với đó, khẩn trương xây dựng khu tái định cư. Trong thời gian đó, thành phố cần tìm nơi tạm cư, chi tiền tạm cư cho các hộ dân, đồng thời có biện pháp hữu hiệu để quản lý diện tích đất đã được giải phóng mặt bằng của dự án, cương quyết không để người dân tái sử dụng.

Sau khi công bố bản kết luận, nhiều người dân bày tỏ mong muốn được đối thoại, làm rõ thêm nội dung khiếu nại, tố cáo từ nhiều năm qua. Ông Đoàn Văn Xuân, ngụ tại ấp Bàu Đưng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, một người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án cho biết: Nhiều người dân chưa đồng tình với nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ, đề nghị thanh tra lại, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. Ngoài ra, người dân mong mỏi được đối thoại với Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh để tìm sự đồng thuận chứ không phải là lãnh đạo UBND huyện Củ Chi hiện nay, vì vụ việc trải qua nhiều nhiệm kỳ trước.

Dự án Công viên Sài Gòn Safari có chủ trương xây dựng từ năm 1996, dự kiến ban đầu triển khai ở quận 9 nhưng sau đó chọn địa điểm ở huyện Củ Chi, trên địa bàn xã Phú Mỹ Hưng và An Nhơn Tây, với tổng diện tích đất 485,35ha do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thảo Cầm Viên làm chủ đầu tư.

Mục tiêu của dự án Công viên Sài Gòn Safari là xây dựng công viên du lịch sinh thái có tầm cỡ quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đây là nơi trưng bày, lưu giữ, nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống các loài động vật quý hiếm của thế giới và Việt Nam. Dự án có 705 hộ có đất bị thiệt hại do giải phóng mặt bằng.

Đến nay, sau 14 năm triển khai, dự án mới chỉ dừng lại ở việc giải phóng mặt bằng và một số hạng mục xây dựng cơ bản ban đầu triển khai trên phạm vi nhỏ so với tổng thể diện tích đã bồi thường, giải tỏa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang