Phản đối đề xuất thay “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”

Thứ Tư, 30/05/2018 10:07

|

(CAO) Tán thành quan điểm tính đúng, tính đủ học phí nhưng Ủy ban Văn hoá - Giáo dục -Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội không nhất trí việc thay thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo…

Trình bày báo cáo thẩm tra về dự luật giáo dục đại học, Chủ nhiệm UB Giáo dục, Văn hoá, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội lưu ý quan điểm sửa đổi luật cần xác định, có thể xem giáo dục đại học là dịch vụ đặc biệt nhưng không thương mại hóa; phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị của trường đại học trên cơ sở đẩy mạnh tự chủ và nâng cao trách nhiệm giải trình.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng trình bày báo cáo thẩm tra

Về vấn đề tự chủ đại học, Chủ nhiệm UB thẩm tra Phan Thanh Bình nhận định đây là việc cần thiết và phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học. Đi đôi với mở rộng tự chủ là tăng cường trách nhiệm giải trình và đổi mới quản trị cơ sở GDĐH, đặc biệt là nâng cao vai trò, năng lực của Hội đồng trường.

Cơ bản nhất trí với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo nhưng UB Văn giáo, Giáo dục cũng đề nghị cần làm rõ hơn các khái niệm, nội hàm về quyền tự chủ, về năng lực tự chủ; về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở giáo dục đại học và yêu cầu cụ thể về trách nhiệm giải trình.

Cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu quy định trong dự thảo luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là về tổ chức – nhân sự, tài chính và tài sản.

Liên quan đến giá dịch vụ đào tạo, theo Chủ nhiệm Phan Thanh Bình, đa số thành viên UB Văn hoá, Giáo dục tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép trường đại học được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, UB không nhất trí việc thay thuật ngữ "học phí" bằng "giá dịch vụ đào tạo" như thể hiện trong dự thảo luật. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục.

"Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện" - ông Bình nêu.

Ngoài ra, cơ quan thẩm tra lưu ý. cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

Bình luận (0)

Lên đầu trang