Thanh tra DNNN, phát hiện sai phạm 345.000 tỷ đồng

Thứ Hai, 28/05/2018 18:04

|

(CAO) Sai phạm được phát hiện qua 19 cuộc thanh tra tại các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) trong giai đoạn 2011 - 2016. 

Đây là thông tin được Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cung cấp trong phiên thảo luận chiều nay (28-5) tại Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp (DN) và cổ phần hoá DNNN giai đoạn 2011 - 2016.

Tổng Thanh tra CP Lê Minh Khái phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Theo ông Lê Minh Khái, qua thanh tra đã phát hiện sai phạm số tiền trên 345 nghìn tỷ đồng; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước trên 1.000 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý số tiền trên 344 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 16 vụ, 17 đối tượng. Đồng thời với việc phát hiện, kiến nghị xử lý về tiền, tài sản, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân.

"Thanh tra CP cũng rất quan tâm đến việc xử lý sau thanh tra" - ông Khái cho biết và chứng minh: Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra đối với 12 cuộc thanh tra các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã thu về ngân sách trên 1.000 tỷ đồng (đạt 99%); xử lý khác về kinh tế trên 45.000 tỷ đồng; xử lý hành chính đối với 43 tổ chức và 145 cá nhân; đã khởi tố 7 vụ việc với 24 đối tượng. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung 36 văn bản liên quan đến cơ chế, chính sách, pháp luật do Thanh tra Chính phủ kiến nghị liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản NN tại DN.

"Qua kết quả này, chúng tôi nhận định rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay là báo cáo tài chính của DN tại thời điểm báo cáo vào cuối năm thường chưa trung thực, chưa chính xác, không phản ánh đúng vốn tài sản NN" - ông Khái nhận định.

Cho rằng những tồn tại, hạn chế, hậu quả xảy ra là xuất phát từ báo cáo tài chính, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái lưu ý, để làm báo cáo này có nhiều người tham gia. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra ngoài DN, các cơ quan thanh tra, kiểm tra trong nội bộ phải kiểm tra phát hiện, để chỉnh sửa hoàn thiện báo cáo cho tốt.

“Qua thanh tra chúng tôi thấy, một số DN kinh doanh có hiệu quả thường có mong muốn giữ vốn lại để làm nguồn dự phòng, phòng khi rủi ro cho năm tiếp theo. Do đó báo cáo không chính xác. Đối với DN lỗ, thất thoát tài sản, vốn NN thường cố tình tạo ra khoảng có lợi, không có thật để che dấu những khoản đó, nhằm tránh trách nhiệm cũng như tiếp tục tìm cơ hội để khắc phục" - ông Khái chỉ rõ.

Thống nhất với đoàn giám sát về các sai phạm được nêu ra, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị, thời gian tới, cần tăng cường hoạt động, hiệu lực, hiệu quả của hội nghề nghiệp, đặc biệt là hội kiểm toán, kế toán trong việc xử lý trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, có cơ chế động viên, khuyến khích lãnh đạo DN, đặc biệt là Tổng giám đốc khi điều hành, quản lý sử dụng vốn, tổ chức kinh doanh làm có lãi hơn mức bình thường.

“Sai thì xử lý trách nhiệm, nhưng làm ra phần hơn mà chúng ta không có thái độ rõ ràng, vẫn đánh đồng thì sẽ không khuyến khích” - ông Khái nói.

Riêng về xác định giá trị DN trong cổ phần hoá, theo Tổng Thanh tra Chính phủ, có hai yếu tố rất đáng quan tâm, là giá trị tiền thuê đất và quyền sử dụng đất. “Khi cổ phần hóa, phương án sắp xếp xử lý, sử dụng nhà, đất chuyển đổi, chúng ta thực hiện không nghiêm. Nếu thuê hàng năm thì không có giá trị hình thành, nhưng thuê 50 năm thì giá trị rất lớn…", ông Khái lưu ý và khẳng định thêm: “Xác định giá trị DN rất khó, rất phức tạp, vì mang tính lịch sử. Có những cái định lượng được nhưng cũng có cái mang tính tương đối như giá trị thương hiệu. Chúng ta cần quan tâm phương án bố trí sắp xếp nhà, đất trước khi cổ phần hóa. Khi nhắm vào mua, người ta nhắm vào DN có vị trí đất".

Bình luận (0)

Lên đầu trang