Rừng gỗ trắc độc nhất vô nhị ở Việt Nam kêu cứu

Thứ Năm, 02/06/2016 05:40  | Chí Dũng

|

(CAO) Rừng đặc dụng Đắc Uy (xã Đắk Mar, huyện Đắk Hà, Kon Tum) là khu rừng độc nhất vô nhị tại Việt Nam có quần thể gỗ trắc với hàng trăm cây quý hiếm.

Mặc dù được bảo vệ nghiêm ngặt, nhưng gỗ trắc ở rừng đặc dụng vẫn “chảy máu”. Bằng mọi thủ đoạn, lâm tặc tổ chức thành từng nhóm nhiều người, trang bị hung khí, sẵn sàng chống trả khi bị lực lượng kiểm lâm tuần tra.

Khu rừng đặc dụng Đắc Uy hiện có nhiều quần thể gỗ trắc quý hiếm, trong đó cây lớn nhất có đường kính gốc khoảng 50cm. Những năm 90, khu rừng đặc dụng đặc biệt này diện tích gỗ trắc chiếm khoảng 30%, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 10%. Số gỗ trắc trong rừng đặc dụng hiện có từ 700 đến 800 cây.

Sự sụt giảm nghiêm trọng thấy rõ qua hàng năm. Tính sơ bộ trong năm 2013, tại rừng xảy ra 147 vụ vi phạm vi phạm quy định chung với khoảng hơn 50 cây gỗ trắc bị “xẻ thịt”.

Các lán của kiểm lâm được dựng sẵn trong rừng, nhưng gỗ trắc vẫn cứ bị “xẻ thịt”

Năm 2014 xảy ra 46 vụ vi phạm chung với 23 cây. Năm 2015 xảy ra 5 vụ với 5 cây. Năm 2016 có xu hướng tăng lại. Chỉ mới 5 tháng trong năm 2016 thì xảy ra 24 vụ với 24 cây. Nếu tính giai đoạn từ tháng 6-2012 đến nay, số tiền thu được từ việc bán đấu giá gỗ trắc bị lâm tặc đốn hạ là hơn 2,1 tỷ đồng.

Theo một tay buôn gỗ trắc trên địa bàn, hiện một khối gỗ trắc có giá vài trăm triệu. Còn các loại gốc, rễ của gỗ trắc giá cũng dao động khoảng 300 nghìn đồng 1 ký.

Thời điểm giá gỗ trắc được Trung Quốc mua nhiều thì giá 1 khối gỗ lên đến tiền tỷ. Giá gỗ trắc mấy năm trở lại xuống thấp, nhưng giá trắc so với các loài gỗ quý khác thì vẫn độc tôn. Giá xuống thấp là do các thương lái Trung Quốc đang cố tình “dìm giá”.

Cũng vì quý hiếm nên từ khi phát hiện rừng đặc dụng Đắc Uy có gỗ trắc, rừng liên tục bị lâm tặc “xẻ thịt” và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đã có nhiều vụ lâm tặc liều lĩnh tấn công lực lượng kiểm lâm để dằn mặt và cướp lại tang vật.

Hiện trường một vụ đốn hạ cây gỗ trắc trong rừng

Mới đây nhất, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 12-4, các đối tượng mang cưa tay rủ nhau vào rừng để cưa trộm gỗ trắc. Sau khi đốn hạ một cây, chúng cưa thành từng khúc nhỏ để tiện vận chuyển. Gỗ trắc bị các đối tượng chặt có đường kính gốc khoảng 25cm, nằm ở tiểu khu 342A (thuộc xã Đắk Mar).

Đốn hạ xong các đối tượng cắt khúc thành dài 2m rồi mang đi. Nhưng chưa đưa được gỗ ra khỏi rừng, lực lượng Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy phát hiện và tiến hành truy bắt.

Trên đường vận chuyển gỗ, bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng đã cất dấu gỗ, rồi lẫn trốn trong rừng. Ông Nay Y Riu, Trưởng ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy trong lúc truy đuổi, các đối tượng đã dùng hung khí tấn công ông. Có 2 tên đã dùng dao chém ông cụt 1 lóng tay.

Ông Nay Y Riu - cho biết, từ năm 2012 đến nay, Hạt kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy đã khởi tố 4 vụ phá rừng, trong đó bắt được 1 đối tượng. Sau khởi tố, hồ sơ chuyển công an. Quá trình điều tra, công an đã bắt thêm nhiều đối tượng khác cùng tham gia vào đường dây phá rừng.

Những cây gỗ trắc quý hiếm trong khu rừng đặc dụng

Ông Nay Y Rui nói thêm, hiện ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy có 25 con người, trong đó có 21 người trực tiếp bảo vệ. Những nơi có gỗ trắc thì họ dựng lán để canh giữ 24/24 giờ. Tổng cộng có 20 lán, mỗi lán 2 người.

Theo Lương Quốc Thế, Phó giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng Đắc Uy, việc quản lý, bảo vệ rừng ở ban cực kỳ khó. Khó thứ nhất là tương quan lực lượng. Dù ban được trang bị súng để thi hành công vụ nhưng đa phần cán bộ ban đi làm nhiệm vụ đều sử dụng công cụ hỗ trợ bằng… khúc cây.

Lý do là anh em chưa đủ điều kiện sử dụng súng. Trong khi đó, lâm tặc đi thành nhóm từ 6 người trở lên. Chúng thường hung hãn, sử dụng vũ khí nóng như kiếm, mã tấu và sẵn sàng ăn thua với kiểm lâm.

Thực tế là ngay cả tôi đi tuần tra cũng bị lâm tặc dùng dao bao vây, đe dọa, nhiều anh em khác cũng bị lâm tặc tấn công phải đổ máu, ngoài ra bị khủng bố bằng tin nhắn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang