Tăng cường liên kết để du lịch Đông Nam Bộ phát triển bền vững

Chủ Nhật, 28/06/2020 22:37

|

(CAO) Chiều 28/6, UBND TPHCM phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội nghị Liên kết phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ với chủ đề “Liên kết - Phát triển - Bền vững”.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TPHCM; Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Phạm Viết Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Tây Ninh; Nguyễn Thành Phong, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Trần Văn Nam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương; Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch…

Nhiều lợi thế nhưng vẫn còn nhiều "nút thắt"

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định, với tiềm năng, thế mạnh của vùng Đông Nam Bộ, có thể nói, đây được xem là “viên ngọc thô chưa tìm được thợ mài giũa xứng tầm” để làm nổi bật những tài nguyên du lịch tự nhiên hiện có, như: bờ biển đẹp, nước trong tại Bà Rịa -Vũng Tàu; quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà Đen, núi Bà Rá, núi Dinh; tài nguyên du lịch tự nhiên gắn liền với hệ thống sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông, sông Đồng Nai; tài nguyên du lịch sinh thái gắn liền với Khu dự trữ sinh quyển - rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, hệ thống vườn quốc gia Cát Tiên, vườn quốc gia Bù Gia Mập,…

“Đó cũng là những lợi thế quý giá của Vùng, là nền tảng quan trọng cho phát triển du lịch nếu chúng ta thắt chặt mối liên kết hợp tác giữa các tỉnh, thành trong Vùng” – Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Ký kết liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Thanh Trúc cho biết, trong thời gian qua tỉnh Bình Dương đã tập trung triển khai thực hiện các biện pháp về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả khả quan như chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, còn nghèo về sản phẩm, chưa thu hút nhiều du khách, nhất là khách quốc tế.

Bên cạnh việc tự phát triển du lịch của từng địa phương, sự thiếu liên kết giữa các địa phương cũng là một trong những nguyên nhân của hạn chế để phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ trong thời gian qua.

Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh cho rằng còn nhiều "nút thắt" cần sớm được ưu tiên tháo gỡ trong vấn đề phát triển du lịch tại các địa phương, như: Hệ thống dịch vụ lưu trú chưa đạt chuẩn về chất lượng cơ sở và dịch vụ; mức độ đa dạng về ẩm thực không cao; hoạt động vui chơi, giải trí chưa đáp ứng nhu cầu để giữ chân du khách; các dịch vụ lữ hành, dịch vụ hỗ trợ cùng các hoạt động phụ trợ vẫn còn nhiều hạn chế, mang tính mùa vụ theo thời điểm...

Tạo thương hiệu du lịch mang dấu ấn của vùng

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, để kéo dài thời gian lưu trú và nâng cao chi tiêu của du khách, các tỉnh, thành trong Vùng phải phối hợp chặt chẽ với nhau để hình thành nên một thương hiệu du lịch mang dấu ấn của Vùng, đồng thời đa dạng các chương trình, sản phẩm du lịch.

Cạnh đó, các tỉnh, thành trong Vùng cần cùng nhau cải thiện mạnh mẽ môi trường du lịch, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng dịch vụ du lịch thông minh, đẩy mạnh quảng bá du lịch; chú trọng xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra sự gắn kết giữa các địa phương với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến cho rằng trên cơ sở Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM, vùng Đông Nam bộ giai đoạn 2020-2025 và Kế hoạch về liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và vùng Đông Nam bộ 2020-2021, Tây Ninh sẽ phối hợp với các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ thực hiện những nội dung theo kế hoạch liên kết.

Cụ thể, sẽ tập trung chú trọng công tác quản lý nhà nước về du lịch; phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là liên kết xây dựng các sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch đô thị cùng các sản phẩm du lịch cộng đồng; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực và kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

"Tây Ninh cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho cơ chế liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam bộ, để Tây Ninh sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch của Vùng Đông Nam bộ, đóng góp tích cực vào chuỗi giá trị dịch vụ du lịch của toàn vùng." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Trần Văn Chiến khẳng định.

Du lịch phải theo xu thế thông minh

Tại hội nghị, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao ý nghĩa của việc ký kết phát triển du lịch Vùng Đông Nam bộ và kỳ vọng 6 tỉnh, thành sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú cho các tour du lịch dài ngày để hấp dẫn, thu hút du khách nhiều hơn. Cùng với đó là việc 6 tỉnh, thành, đơn vị tham mưu cùng doanh nghiệp tổ chức đánh giá và chuẩn hóa, từng bước nâng chất lượng các điểm đến du lịch đạt trình độ quốc tế.

Ngoài ra, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị, 6 tỉnh, thành thực hiện hoạt động quảng bá, tiếp thị cho cả vùng, thay vì chỉ tiếp thị, giới thiệu riêng về điểm đến của địa phương mình, góp phần tăng tần suất tiếp thị, quảng bá du lịch của Vùng ra thị trường quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng du lịch quốc tế.

Việc phối hợp về quản lý nhà nước, trao đổi kinh nghiệm tổ chức các sự kiện cũng cần làm đều đặn trong năm để không khí du lịch của 6 tỉnh, thành luôn có khí thế, giúp các doanh nghiệp có cơ hội gặp nhau và xác định các cơ hội đầu tư, tích hợp lại tạo thành mạng lưới đầu tư du lịch, theo tinh thần đoàn kết.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhìn nhận du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính liên ngành, liên vùng cao và có mối quan hệ gắn kết với nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nên phát triển hoạt động du lịch sẽ thúc đẩy chuỗi giá trị dịch vụ khác như hàng không, vận chuyển, mua sắm, ẩm thực,…

Tuy nhiên làm du lịch cần lấy người dân làm trung tâm, các nhà đầu tư du lịch cần có tâm và có tầm, khai thác những lợi thế tự nhiên để phát triển du lịch nhưng phải giữ được nét hoang sơ của thiên nhiên, nét độc đáo văn hoá của mỗi vùng nhưng vẫn không lạc hậu.

“Du lịch bây giờ phải theo xu thế thông minh và cần một “đầu tàu” như TPHCM hay Hà Nội cùng làm. Cần có chương trình số hóa các di sản, bảo tàng… và làm thật tốt thì sẽ tạo sức sống mới cho ngành du lịch. Dịch Covid-19 sẽ còn ảnh hưởng đến ngành du lịch nhưng đây cũng là lúc nhìn lại, cơ cấu lại thị trường, tái cơ cấu lại ngành du lịch, đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương với nhau, chính quyền cùng với doanh nghiệp, đặc biệt là kêu gọi sự hợp tác của người dân để vượt qua giai đoạn khó khăn này” – Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Bình luận (0)

Lên đầu trang