Bí thư Thành ủy TPHCM: Thành phố mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc-xin

Thứ Hai, 02/08/2021 07:06

|

(CATP) Một trong những vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý và công tác phòng chống dịch Covid-19 trong hơn một tuần qua là làn sóng người dân ở TPHCM và các tỉnh lân bằng mọi phương tiện đổ về quê tránh dịch. Phương án nào tốt nhất để bảo vệ người dân là câu hỏi các địa phương ở vùng tâm dịch phía Nam, và các tỉnh có nhiều người dân hồi hương, rất quan tâm.

Những cuộc "tháo chạy"

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh hàng vạn người tháo chạy khỏi tâm dịch TPHCN, Đồng Nai, Bình Dương... làm chúng ta xót xa. Bằng mọi phương tiện, xe máy, xe ba gác, xe đạp, ôtô, thậm chí người dân không có điều kiện sẵn sàng cuốc bộ để tháo chạy. Bất chấp những rủi ro dọc đường, sự lây lan của dịch bệnh, họ vẫn đổ về miền Tây, các tỉnh cao nguyên, miền Trung, Quảng Nam, Đà Nẵng, tận Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... qua Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh. Từng đoàn người lũ lượt, dắt díu nhau đi, có đoàn còn được các chiến sĩ cảnh sát giao thông dẫn đường, bảo vệ an toàn...

Đây là những người làm công nhựt, kiếm sống hằng ngày, mất việc làm, không thể trụ được ở những thành phố phương Nam trong những căn nhà thuê chật chội. Không còn tiền để sống đã đành, còn là nỗi sợ lây nhiễm Covid, rất dễ xảy ra trong những khu trọ chật chội, thiếu tiện nghi. Hình ảnh vợ chồng anh Xồng Bá Xô và cháu bé 9 ngày tuổi trên chiếc xe máy cà tàng chạy cả ngàn ki-lô-mét về Nghệ An, làm chúng ta suy nghĩ. Nhìn đứa bé 9 ngày tuổi ngơ ngác trong cuộc hành trình bão táp đầu đời, nhiều người chảy nước mắt. May mà vợ chồng anh Xô được những tấm lòng nhân ái của người Đà Nẵng giúp đỡ.

Còn nhiều trường hợp rất đáng thương như vợ chồng anh Xô. Hai anh em Trần Thị Huyền (18 tuổi), Trần Văn Đủ (17 tuổi, cùng trú xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) bị mất việc ở Đồng Xoài, Bình Phước. Cả hai không xu dính túi, đành cuốc bộ về quê ở Ngọc Hồi (Kon Tum) với quãng đường hơn 500km. May mắn hai em gặp được những tấm lòng thơm thảo, tặng xe đạp, rồi quyên góp mua xe máy cho hai em về quê.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên

Một câu chuyện thật thương tâm: Khoảng 23 giờ ngày 31-7, khi lực lượng CSGT Công an huyện Hàm Tân (Bình Thuận) hướng dẫn chiếc xe ba gác chở 5 người trong một gia đình gồm vợ chồng và 3 con, chạy từ hướng Đồng Nai ra, để vào chốt kiểm soát dịch Covid-19 đặt tại xã Tân Đức khai báo y tế. Lúc này, một chiếc xe tải từ phía sau chạy tới tông vào xe ba gác văng vô rạp dã chiến của chốt kiểm soát dịch. Tai nạn khiến người con 15 tuổi chết tại chỗ. Những người còn lại bị thương nặng, trong đó có 2 chiến sĩ công an, được đưa đi cấp cứu trong đêm.

Trên những nẻo đường về quê nhà tránh dịch, những hình ảnh làm chúng ta rơi nước mắt khi dọc Quốc lộ 1, Quốc lộ 14, đường Hồ Chí Minh, bà con sở tại tìm mọi cách giúp đỡ đồng bào mình trở về quê hương. Những nồi bắp, nồi khoai, hộp cơm, hộp súp, bánh kẹo, chai nước... bày vội bên đường để hỗ trọ cho đồng bào trong lúc khó khăn. Các chiến sĩ công an còn tặng khẩu trang, nước, xăng cho bà con...

Tổ chức cho bà con về quê cũng bất cập

Trong thời gian qua, trước việc bà con tự phát đổ về quê, một số tỉnh thành đã đứng ra tổ chức đón bà con về quê, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra, đặc biệt để đảm bảo công tác phòng chống dịch. Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định... tổ chức đưa bà con về bằng máy bay. Nhiều tỉnh thành khác tổ chức xe đò, xe lửa đưa bà con về quê an toàn. Tuy nhiên, số lượng người có nhu cầu về quê tránh dịch quá lớn, các tỉnh thành không kham nổi, kể cả làm quá tải hệ thống phòng chống dịch tại các địa phương khi mà các khu cách ly không còn đủ chỗ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, chỉ trong tối 31-7, tỉnh đã đón hơn 1.900 công dân Bình Định tự trở về quê từ các tỉnh, thành phố đang có dịch. Trước đó, ngày 31-7, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định có văn bản hỏa tốc thông báo, từ 6 giờ ngày 1-8, tỉnh tạm dừng tiếp nhận công dân Bình Định tự phát trở về quê từ các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16. Lý do là những ngày gần đây đã có hơn 16.000 người từ TPHCM, các tỉnh phía Nam tự ý, tự phát trở về Bình Định bằng các phương tiện tự túc. Trong đó, có rất nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh rất cao. Trong khi năng lực cách ly y tế tập trung của tỉnh đã quá tải.

Công an làm việc với người dân

Tình hình các địa phương khác có nhiều người hồi hương cũng tương tự, khi số người về quê ngày càng quá đông, gây quá tải, đặc biệt nguy cơ lây lan dịch bệnh rất đáng báo động. Các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận trở ra tới Thanh Hóa, mỗi tỉnh có ít nhất 15.000 người hồi hương tránh dịch. Mới đây các tỉnh như Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên - Huế... đã thông báo không tiếp nhận người về quê tránh dịch, trừ các trường hợp đặc biệt khó khăn có kế hoạch riêng.

Trước tình hình đó, ngày 31-7, UBND TPHCM đã có văn bản gửi các tỉnh thành về việc phối hợp đưa người dân từ TPHCM có nguyện vọng về địa phương, tránh việc tự phát chạy xe về quê. Theo đó, UBND TP đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khi có nhu cầu thì gửi kế hoạch tổ chức đưa người dân đang cư trú tại TP trở về địa phương, để TP cùng phối hợp thực hiện.

Chiều tối 31-7, Thủ tướng chính phủ đã có Công điện số 1063/CĐ-TTg gửi các tỉnh thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó yêu cầu tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Tuyệt đối không để người dân di chuyển khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú từ sau ngày 31-7-2021 tới khi hết giãn cách (trừ những người được chính quyền cho phép).

CSGT hỏi rõ về các trường hợp đi xe cá nhân mang theo hành lý

Sáng 1-8, Phó bí thư thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi với báo chí, cho biết người dân ở lại sẽ có những khó khăn hơn điều kiện bình thường, nhưng ông kêu gọi người dân thông cảm, chia sẻ cùng TP chống dịch, nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn này. TPHCM sẽ tiêm vắc-xin cho bà con để có về quê cũng đỡ áp lực hơn cho địa phương trong công tác phòng chống dịch. Ông Mãi cũng cho biết chỉ đạo "ai ở đâu ở đấy" của Thủ tướng chỉ trong 14 ngày, nhưng TPHCM đã và đang vận động các nguồn lực để chăm lo cho bà con trong thời gian ở một tháng. Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, từ lâu TP không có chủ trương đưa người dân ngoại tỉnh ở TPHCM về quê. Bởi, mỗi người dân đến với thành phố đều có đóng góp cho sự phát triển chung.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ mở rộng tối 31-7, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đề nghị các địa phương cần tránh để sót, không được kéo dài và cố gắng tiếp sức kịp thời bằng kinh nghiệm, cách làm của mỗi địa phương, sẵn sàng đón nhận hỗ trợ của các địa phương để chăm lo cho dân. Bí thư Nên yêu cầu các địa phương rà soát, thống kê để có biện pháp hỗ trợ, chia sẻ tạo điều kiện để người dân bám trụ, nếu người dân ngoại tỉnh có nguyện vọng về quê thì đăng ký với địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm và tạo điều kiện để được trở về một cách chính thức.

"TPHCM mời bà con ngoại tỉnh ở lại tiêm vắc-xin. Ai gặp khó khăn thì chịu khó liên lạc với địa phương, chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, chia sẻ”, Bí thư TPHCM kêu gọi.

Nhắc nhở để người dân ở TPHCM không nên tự ý về quê

Những ngày gần đây, tình trạng công nhân, người lao động tại TPHCM và các tỉnh lân cận di chuyển bằng xe máy, xe ôtô... dưới hình thức tự phát qua địa bàn huyện Bình Chánh để về quê tránh dịch, làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho các tỉnh lân cận.

Theo đó, ngày 30-7, lực lượng tại chốt kiểm soát Bùi Thanh Khiết - Quốc lộ 1 (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (phát hiện khoảng 30 xe máy với 38 người di chuyển theo hướng từ quận Bình Tân về tỉnh Long An. Tương tự, tại chốt Quốc lộ 1 - Hưng Nhơn (xã Tân Kiên), 2 nhóm với 19 người đang di chuyển trên 9 xe máy cũng đang hướng từ quận Bình Tân về tỉnh Long An.

Những người này cho biết là lao động từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu... Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị mất việc, không đủ chi phí trang trải cuộc sống nên có mong muốn về quê. Sau khi nghe lực lượng làm nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích và yêu cầu quay về nơi cư trú nhằm chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, họ đã chủ động quay về lại nơi cư trú.

Chiều cùng ngày, Công an huyện Bình Chánh tiếp tục phát hiện một nhóm khoảng 30 người di chuyển trên 15 xe máy hướng từ quận Bình Tân về tỉnh Long An. Mặc dù lực lượng chức năng tại chốt kiểm soát đoạn Quốc lộ 1 - Hưng Nhơn đã tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số người vẫn không chấp hành mà cố tình chạy qua chốt. Công an huyện Bình Chánh đã phối hợp lực lượng chức năng tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 trường hợp về hành vi "Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người" được quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính Phủ”.

Trong ngày 1-8, chúng tôi ghi nhận tại nhiều chốt trạm ở cửa ngõ TPHCM thì có nhiều tốp người (người lao động) đi xe máy chở theo balo, vali, túi xách... tìm cách di chuyển ra khỏi TP... Hầu hết họ là lao động làm việc ở TPHCM muốn về quê để giảm một phần nào đó sức ép với TP. Khi làm việc, cán bộ chiến sĩ tại chốt đều giải thích rõ về Chỉ thị 16 của Chính phủ, Chỉ thị 12 của TPHCM và đề nghị người dân nên trở về nhà hay phòng trọ. Sau khi nghe lực lượng giải thích, phần lớn người dân đều chấp hành quay đầu xe.

NHUẬN ĐIỀN

Bình luận (0)

Lên đầu trang