Thi tuyển cán bộ công chức: Có sự phiền hà về việc văn bằng, chứng chỉ!

Thứ Năm, 07/11/2019 13:00

|

(CAO) Thừa nhận thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân nhận khuyết điểm này vì đã để một quyết định  20 năm không sửa, khiến cho thủ tục rườm rà.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sáng nay (7-11), nhiều đại biểu đặt vấn đề về tinh giản biên chế, về việc dịch chuyển lao động gây khó khăn cho ngành giáo dục. 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) phản ánh, cả nước đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng nghịch lý là chất lượng dịch vụ công như giáo dục, y tế chỉ cải thiện khi số nhân sự trên đầu người học, người bệnh tăng lên. Đại biểu yêu cầu Bộ trưởng đưa ra giải pháp khắc phục mâu thuẫn này.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân

Đề cập tình trạng di dân không có kế hoạch và dịch chuyển lao động gây khó khăn lớn cho ngành giáo dục, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nêu nghi vấn phải chăng việc sửa định mức biên chế với ngành này bị động?

Cũng liên quan đến việc tinh giản biên chế, đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn Bộ trưởng  làm sao để không loại bỏ nhầm người giỏi, người tài, giữ lại người kém?

Trả lời các câu hỏi, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải thích, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế là vấn đề phức tạp. Cả hai ngành này đều đang than không đủ giáo viên đứng lớp, không đủ nhân viên y tế phục vụ việc khám chữa bệnh.

"Tổng biên chế sự nghiệp cả nước hiện nay là khoảng 1.800.000 người, riêng giáo viên khoảng hơn 1,5 triệu người, chiếm tỷ lệ rất lớn. Tính chung, biên chế cho giáo viên và nhân viên y tế chiếm tới khoảng 80% trên tổng số biên chế sự nghiệp" - Bộ trưởng thông tin, đồng thời cho biết, thống kê ban đầu đã xác định 87.000 giáo viên các cấp còn thiếu. Ngành y tế cũng thiếu khoảng hơn 12.000 người.

Hiện, theo Bộ trưởng, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục xác minh cụ thể từng địa phương, từ đó có đề xuất Chính phủ và Bộ Chính trị  tiếp tục bổ sung biên chế để đảm bảo đúng chủ trương, có người học là phải có giáo viên, có người bệnh là phải có người chăm sóc.

Nêu cách tháo gỡ, Bộ trưởng Nội vụ chia sẻ, định mức biên chế của ngành giáo dục và y tế đã xây dựng, áp dụng từ năm 2007. Tuy nhiên, đến nay, sau 12 năm đã quá lạc hậu.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn tại Quốc hội sáng nay (7-11)

Do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, 2 ngành này cần tiến hành xây dựng định mức, xác định cho rõ lại, tiến tới xây dựng lộ trình tự chủ và xã hội hoá trong các lĩnh vực để giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

"Ngành Nội vụ chỉ đặt vấn đề giảm số người hưởng lương từ ngân sách chứ không giảm nhân lực làm việc trong các đơn vị sự nghiệp" - Bộ trưởng Tân nói.

Liên quan đến vấn đề thi tuyển, bổ nhiệm, đánh giá cán bộ công chức, người đứng đầu ngành Nội vụ  xác nhận, có sự phiền hà lớn về việc văn bằng chứng chỉ. Việc này, theo ông Tân, do quy định áp dụng từ năm 1993 đến nay, hơn 20 năm rồi, phải sửa.

“Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này vì một quyết định để 20 năm không sửa, để cho thủ tục rườm rà. Chúng tôi cam kết với Quốc hội, sau khi Luật cán bộ, công chức sửa đổi, chúng tôi sẽ sửa ngay  nội dung này" - Bộ trưởng Tân nói.

Cũng theo Bộ trưởng, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện quy trình bổ nhiệm, thăng hạng, xét nâng ngạch công chức theo đúng quy định của Đảng, không thêm bất cứ một hồ sơ thủ tục nào.

Riêng vấn đề kiểm soát trình độ ngoại ngữ, tin học, theo Bộ trưởng, sẽ thi trên máy luôn, không cần yêu cầu bằng cấp, chứng nhận.

Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) hỏi Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân có hay không tình trạng dĩ hòa vi quý khi đánh giá cán bộ, công chức?

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) thì đặt vấn đề về tình trạng cán bộ, công chức tham nhũng vặt gây khó dễ và sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp còn diễn ra nhiều nơi, chậm được khắc phục, gây bức xúc trong cử tri và xã hội.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Cầu, là do chế tài xử lý quy định trong Luật cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, chưa mạnh tay xử lý các sai phạm. Đại biểu muốn biết, sửa đổi Luật cán bộ, công chức lần này, Bộ trưởng có đề xuất gì mạnh tay hơn mới hơn để khắc phục các tình trạng nói trên?

Các câu hỏi này sẽ được Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân làm rõ trong phiên trả lời vào buổi chiều.

Bình luận (0)

Lên đầu trang