(CAO) Chiều 16/6, bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội-Haraco thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam cho biết chủ trương hợp nhất Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã được Tổng công ty đường sắt Việt Nam thống nhất.
“Hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về chủ trương này và Tờ trình Đề án tái cơ cấu hai công ty đã được gửi lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chờ phê duyệt,” bà Phùng Thị Lý Hà cho hay.
Chia sẻ về lý do đi đến chủ trương hợp nhất này, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (đơn vị đang nắm quyền chi phối về vốn của hai doanh nghiệp này) cho hay Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cùng thực hiện nhiều hoạt động trùng lặp, dẫm chân lên nhau.
Vì thế, việc hợp nhất 2 đơn vị này sẽ tạo lên những lợi thế nhất định nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là sự chuyên biệt hóa vận tải hàng hóa, hành khách đường sắt, đồng thời loại bỏ sự cạnh tranh chính giữa các đơn vị trong ngành.
Ảnh minh họa
Theo mô hình tổ chức hiện tại Tổng công ty đường sắt Việt Nam đang có 3 đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải đường sắt gồm: Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn và Công ty Cổ phần Vận tải và thương mại đường sắt (Ratraco).
Hai công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn đều kinh doanh cả vận tải hàng hóa và hành khách đường sắt, riêng Công ty Ratraco chỉ kinh doanh vận tải hàng hóa đường sắt.
Vừa qua Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải Sài Gòn đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.
Theo đó, ngày 15/6, Công ty Cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2020.
Tại đại hội này, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dự kiến trong năm nay công ty có thể lỗ tới hơn 300 tỷ đồng.
Cụ thể, dự kiến tổng doanh thu năm 2020 chỉ đạt hơn 1.630 tỷ đồng, bằng 63% so với năm 2019, trong khi tổng chi phí phải chi hơn 1.900 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế đều âm hơn 300 tỷ đồng.
Năm 2019, tổng doanh thu của công ty đạt gần 2.600 tỷ, lợi nhuận gần 14 tỷ đồng; trong đó, riêng hoạt động kinh doanh vận tải đạt 2.254 tỷ đồng, bằng 100,12% so với năm 2018.
Phát biểu tại đại hội, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đề nghị công ty tiếp tục mở rộng nghiên cứu thị trường, cân nhắc việc đầu tư phương tiện, thiết bị trong điều kiện khó khăn về sản xuất, vốn hiện nay…
“Việc tiếp cận, nghiên cứu mở rộng thị trường đã làm rồi, làm nhiều nhưng chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Giữa giải pháp và đưa vào thực tiễn phải có thời gian.
Vì vậy cần có chiến lược trước, nghiên cứu trước, chứ nhiều khi cận kề mới bắt tay vào làm thì vụt mất cơ hội. Trước đây cứ nhiều khách, nhiều hàng càng tốt, giờ phải tư duy khác, phải tính đến hiệu quả, ít mà doanh thu tốt, khách hàng hài lòng,” ông Đặng Sỹ Mạnh cho hay.