(CAO) Đó là phát biểu của Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC, nằm trong khuôn khổ Hội nghị SOM3 và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại TP.HCM.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh cộng đồng APEC đang ở trong thời điểm mang tính bước ngoặt khi thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trải qua những chuyển biến căn bản và nhanh chóng.
Trong khi toàn cầu hóa và thương mại tự do đã thúc đẩy đáng kể thương mại và tăng trưởng toàn cầu, góp phần giảm đói nghèo, thì khoảng cách giàu nghèo vẫn ngày càng mở rộng.
Trong khi các xu hướng đang nổi lên như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ số đang mở ra những cơ hội phát triển chưa từng có, thì vẫn còn nhiều quan ngại về gia tăng khoảng cách số và nhiều người bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội việc làm và kinh doanh trong kỷ nguyên số. Đấy là chưa kể có nhiều nhân tố khác cản trở phát triển bao trùm của khu vực chúng ta như dân số già hóa, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, thiên tai….
Trong khi APEC đã có rất nhiều nỗ lực thúc đẩy phát triển bao trùm, thì những gì APEC đã làm được vẫn còn cách xa mong đợi của người dân.
Sau gần ba thập kỷ hình thành và phát triển, APEC luôn đóng vai trò dẫn dắt phát triển bao trùm về kinh tế, thương mại và đầu tư.Từ các mục tiêu Bô-go tới Chiến lược tăng trưởng, từ các hoạt động cải cách cơ cấu tới chương trình nghị sự về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, từ các sáng kiến về người khuyết tật tới các dự án về phụ nữ và kinh tế…, các chương trình, kế hoạch hành động của APEC đều chứa đựng các yếu tố phát triển bao trùm.
Tuy nhiên, thực tiễn hợp tác APEC về bao trùm hiện nay còn rải rác và thiếu sự phối hợp thỏa đáng. APEC chưa hình thành các chính sách toàn diện để thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong khi ba lĩnh vực này tùy thuộc và bổ trợ lẫn nhau.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại diễn đàn
Bao trùm về kinh tế tạo điều kiện cho mọi thành phần của xã hội tiếp cận các cơ hội kinh tế và tham gia một cách có ý nghĩa vào đời sống kinh tế, với tư cách là nhà tuyển dụng, doanh nghiệp, người tiêu dùng và công dân…
Bao trùm về tài chính tạo điều kiện cho mọi thành phần xã hội tiếp cận dễ dàng hơn các sản phẩm và dịch vụ tài chính hữu ích và với chi phí hợp lý, nhằm đáp ứng các nhu cầu như giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dung và bao hiểm; cung cấp các dịch vụ này một cách trách nhiệm và bền vững.
Bao trùm về xã hội là quá trình nâng cao quyền năng của các thành viên của xã hội trong tận dụng các cơ hội đang mở ra ngày càng nhiều trên phạm vi toàn cầu và thúc đẩy bình đẳng.
Cần chú trọng đồng đều cả ba trụ cột của bao trùm: kinh tế, tài chính và xã hội. Hiệu quả của một trụ cột sẽ giảm sút nếu hai trụ cột kia không theo kịp.
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tăng trưởng kinh tế có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, bản thân tăng trưởng không phải là mục tiêu cuối cùng.
Diễn đàn phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trong APEC
Thực tiễn của khu vực cho thấy, chúng ta không thể theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá mà không biết ai sẽ được hưởng lợi và tăng trưởng đó bền vững thế nào về xã hội, kinh tế và tài chính. Điều hiển nhiên là, tăng trưởng sẽ không bền vững và không thể đạt ngưỡng tối đa nếu không bảo đảm tính bao trùm. Để củng cố vai trò của APEC là động lực của tăng trưởng toàn cầu, cần huy động sự tham gia của mọi thành phần xã hội.