(CAO) Chiều ngày 20-6, tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị giao ban của Thủ tướng với các tỉnh Tây Nguyên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trong 6 tháng đầu năm 2016.
Hội nghị còn có sự tham dự của Thượng tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 6 tháng đầu năm 2016, vùng Tây Nguyên phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của hạn hán kéo dài, gây thiệt hại hơn 5.400 tỷ đồng, giá các loại nông sản sụt giảm, biến động mạnh…nhưng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương, khu vực Tây Nguyên tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6% so với cùng kỳ năm 2015; huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 21.000 tỷ đồng (tăng 8,4%); thu ngân sách đạt 8.157 tỷ đồng (tăng 11%)…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo nhiều địa bàn nông thôn. Trong 6 tháng đầu năm 2016, đã có thêm 34 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 80 xã được UBND các tỉnh công nhận đạt chuẩn và 15 xã đã đạt 19 tiêu chí và đang đề nghị công nhận.
Công tác an sinh xã cũng được tập trung chăm lo, triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giống vật nuôi cây trồng; xóa nhà tạm bợ, nhà dột nát cho người nghèo; cung cấp thiết bị giáo dục, y tế cho các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Công tác giáo dục, đào tạo nghề có nhiều chuyển biến tích cực, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...
Bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, các tỉnh Tây Nguyên vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế như: Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng nhưng chưa phát triển được vì thiếu nguồn lực và sự liên kết; môi trường đầu tư chậm cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh còn thấp; hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu; một số lĩnh vực vốn là thế mạnh như sản xuất cà phê, cao su, hồ tiêu...tiếp tục bộc lộ khó khăn, hạn chế, còn phát triển tự phát ngoài quy hoạch, chưa kiểm soát được dịch bệnh trên cây trồng.
Tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, chất cấm trong chăn nuôi còn là vấn đề bức xúc. Công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều khó khăn; tình trạng phá rừng lấy đất sản xuất, chặt trộm gỗ quý, chống người thi hành công vụ còn diễn biến phức tạp.
Nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện chính sách dân tộc còn phân tán; nhiều địa phương cân đối ngân sách khó khăn nên thiếu vốn đối ứng cho một số chương trình, dự án ở vùng DTTS. Việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo vẫn còn khó khăn, tiến độ chậm. Việc quy hoạch, sắp xếp ổn định dân di cư tự do vẫn là vấn đề cấp bách...
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững vùng Tây Nguyên thì chính quyền địa phương các tỉnh cần phải tập trung thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương đã ban hành; tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở mục tiêu tăng trưởng.
Trong quản lý, điều hành, phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; giải quyết tốt vấn đề đất đai, nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân. Các địa phương cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh gắn chặt với triển khai hiệu quả cơ chế liên kết vùng để hình thành những ngành hàng, sản phẩm mũi nhọn, giá trị kinh tế cao; không ngừng mở rộng thị trường tiềm năng, nhất là những thị trường lân cận như Lào, Campuchia.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên cần chú trọng hơn nữa việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao chỉ số cạnh tranh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; khuyến khích khởi nghiệp theo tinh thần Nghị quyết 19/CP và Nghị quyết 35/CP của Chính phủ, từ đó huy động mọi nguồn lực phục vụ tăng trưởng.
Các tỉnh Tây Nguyên cần chủ động phương án, biện pháp chuẩn bị tốt cho việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như TPP, EVFTA; sẵn sàng cho hội nhập thành công.
Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Việc phát triển kinh tế phải đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện tốt việc duy trì, bảo tồn và xúc tiến hoạt động văn hóa, truyền thống đậm đà bản sắc các dân tộc Tây Nguyên để Tây Nguyên luôn là điểm đến hấp dẫn của khách du lịch trong nước và quốc tế”.