Thủ tướng thăm EU và hàng loạt nước châu Âu

Thứ Sáu, 12/10/2018 09:47

|

(CAO) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự ASEM 12, P4G, thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh Châu Âu (EU).

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Thủ tướng Cộng hòa Áo Sebastian Kurz, Thủ tướng Vương Quốc Bỉ Charles Michel, Thủ tướng Vương quốc Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị cấp cao Á – Âu (ASEM) lần thứ 12, Hội nghị thượng đỉnh Đối tác vì Tăng trưởng xanh và các Mục tiêu toàn cầu đến năm 2030 (P4G) và thăm chính thức Cộng hòa Áo, Vương quốc Bỉ, Vương quốc Đan Mạch, thăm làm việc tại Liên minh châu Âu từ ngày 14 – 21/10/2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc  và phu nhân trong một chuyến công du nước ngoài

Quan hệ Việt Nam - Áo phát triển sâu rộng

Năm 2017, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt hơn 4 tỷ USD (tăng 42% so với năm 2016). Áo trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Việt Nam ở châu Âu. 7 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu của Việt Nam sang Áo đạt 2,58 tỷ USD (tăng 47% so với cùng kỳ năm trước). Nhập khẩu của Việt Nam từ Áo đạt 167 triệu USD (giảm 16%).

Đến tháng 8/2018, Áo có 31 dự án còn hiệu lực đang đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký là 143,9 triệu USD, đứng thứ 43 trong tổng số 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Áo thuộc loại vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí.

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Áo tại Việt Nam, tín dụng ưu đãi của Áo đang được sử dụng để thực hiện các dự án trong các lĩnh vực như giao thông đường sắt, trang thiết bị y tế, phòng cháy, chữa cháy, đào tạo nghề…

Hợp tác Việt Nam –Bỉ ngày càng tích cực

Bỉ là một thị trường nhỏ nhưng quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Bỉ ở mức cao do hàng xuất khẩu của Việt Nam qua Bỉ để sang các nước Tây Âu khác (cảng Antwerp của Bỉ là một trong những hải cảng trung chuyển hàng hóa lớn ở châu Âu). Hiện Bỉ là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam trong EU (sau Đức, Hà Lan, Anh, Italy, Pháp, Tây Ban Nha và Áo).

Năm 2017, Bỉ có 62 dự án với tổng số vốn đầu tư đạt 595 triệu USD, chủ yếu vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo (20 dự án với 91,3 triệu USD). Các dự án chủ yếu là 100% vốn nước ngoài với quy mô tương đối nhỏ. Hiện Việt Nam mới có hai dự án là Trung tâm xúc tiến thương mại tại Bruxelles (152.000 USD) và dự án Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại Thủy sản châu Âu (90.000 USD).

Quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và Bỉ bắt đầu từ năm 1977, đến nay, Bỉ đã cho Việt Nam vay và viện trợ không hoàn lại gần 300 triệu USD (trong đó viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 60%).

Việt Nam chủ động đóng góp vào quan tâm chung của ASEM

Hội nghị cấp cao Á - Âu lần thứ 12 (ASEM 12) với chủ đề “châu Á và châu Âu: Quan hệ đối tác toàn cầu nhằm ứng phó với với các thách thức toàn cầu” diễn ra tại Vương quốc Bỉ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị.

Đến nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên tích cực của Diễn đàn với đề xuất 24 sáng kiến và đồng bảo trợ 27 sáng kiến về những lĩnh vực thiết thực với địa phương, doanh nghiệp và người dân như: văn hóa, y tế, giao thông vận tải, an ninh năng lượng, tăng trưởng xanh, an sinh xã hội, tăng trưởng bao trùm, kinh tế số…

Việt Nam là một trong những nước đi đầu khởi xướng và duy trì cơ chế hợp tác đầu tiên trong ASEM về quản lý nguồn nước là “Đối thoại ASEM về phát triển bền vững”, trong đó tập trung hợp tác tiểu vùng các nước ven sông Mê Công - Đa-nuýp, góp phần nâng hợp tác tiểu vùng Mê Công lên tầm liên khu vực.

Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM) được chính thức thành lập ngày 1/3/1996, theo sáng kiến của Singapore, Pháp và sự ủng hộ tích cực của 26 nhà Lãnh đạo Á - Âu, đặc biệt từ ASEAN. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ của các nước thành viên ASEM, lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Ban Thư ký ASEAN.

Mục tiêu của ASEM là tạo dựng "một mối quan hệ đối tác mới toàn diện giữa Á - Âu vì sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn", “tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai châu lục và thiết lập đối thoại chặt chẽ giữa các đối tác bình đẳng”.

Qua 5 đợt mở rộng, ASEM đã tăng từ 26 lên 53 thành viên (22 châu Á và 31 châu Âu), trong đó có 4 Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an, Liên hợp quốc, 12 nước G20, 4 nước Brics, đại diện cho 60% dân số thế giới, đóng góp hơn 55% thương mại, 65% GDP và 75% du lịch toàn cầu.

Tăng cường hợp tác Việt Nam - EU

Ngày 28/11/1990, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Năm 2017, EU là đối tác thương mại lớn ba (sau Trung Quốc, Hoa Kỳ) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Hoa Kỳ) của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt khoảng 50,46 tỷ USD, (tăng 11,9% so với năm 2016). Kim ngạch thương mại hai bên trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt khoảng 27 tỷ USD (tăng 12.35% so với năm 2017).

Các nước Đức, Anh, Hà Lan, Italy, Pháp, Tây Ban Nha, Áo và Bỉ là 8 thị trường lớn nhất thuộc EU nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam, hàng năm đều đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là hàng dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, máy vi tính, linh kiện điện thoại… Hiện nay, hai bên đang tích cực thúc đẩy ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA).

Tính đến hết tháng 8/2018, đã có 24/28 nước EU đầu tư vào Việt Nam với 2.141 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 24,17 tỷ USD, đứng thứ năm trong số các nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (sau Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore). Trong số các nước EU đầu tư vào Việt Nam, tính theo giá trị vốn đầu tư, Hà Lan đứng đầu (318 dự án với tổng vốn đầu tư 9,16 tỷ USD), tiếp theo là Pháp (527 dự án với tổng vốn đầu tư 3,63 tỷ USD), Anh, Đức…Nhìn chung đầu tư Việt Nam sang EU là không nhiều, tính đến tháng 8/2018 có 94 dự án với tổng vốn đăng ký 207,4 triệu USD.

Thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Đan Mạch

Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2017 đạt 664,6 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu sang Đan Mạch các sản phẩm dệt may, giầy dép, đồ gỗ, hàng kim khí, thủ công mỹ nghệ, thiết bị điện, cà phê… và nhập chủ yếu là sản phẩm sữa, máy móc thiết bị, hóa chất, dược phẩm, hàng thủy sản…

Đan Mạch là một trong số các nước Bắc Âu sớm đầu tư vào nước ta. Hiện Đan Mạch có 132 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 686 triệu USD, xếp thứ 26/129 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Đan Mạch là một trong những nước Tây Âu sớm cung cấp viện trợ phát triển cho Việt Nam và thuộc nhóm các nước cung cấp nhiều vốn ODA không hoàn lại nhất cho Việt Nam.

Từ 1972 đến nay, Đan Mạch đã viện trợ cho Việt Nam tổng cộng hơn 1 tỷ USD vốn ODA; trung bình hàng năm đạt khoảng 64 triệu USD/năm. Các lĩnh vực tập trung: xây dựng cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự ASEM 12, P4G, thăm chính thức Áo, Bỉ, Đan Mạch, thăm làm việc tại EU lần này khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế.
Đồng thời truyền tải thông điệp, Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương, tham gia hiệu quả, đóng góp giải quyết các thách thức toàn cầu tại các tổ chức đa phương.

Bình luận (0)

Lên đầu trang