-PV: Đồng chí cho biết tình hình tội phạm SHTT tại Việt Nam?
-Đại tá Hoàng Văn Trực: Trong thời gian qua, tình hình xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả ở Việt Nam diễn ra rất phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các hành vi này xảy ra trong mọi lĩnh vực với mọi loại hàng hóa từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng đặc biệt quan trọng như vàng, thẻ tín dụng, thuốc chưa bệnh, phân bón, thực phẩm, xăng dầu, thiết bị điện, mỹ phẩm…
Có thể thấy trên thị trường, hàng hóa nào có thương hiệu, có uy tín được người tiêu dùng ưa chuộng thì lập tức có hàng giả. Hàng giả, xâm phạm SHTT không chỉ được sản xuất bẳng nhiều đường kể cả chính ngạch và tiều ngạch, trong đó chủ yếu nhập lậu qua biên giới với Trung Quốc và một số nước có đường biên giới với nước ta. Năm 2015, một số mặt hàng giả dư luận đặc biệt quan tâm là thuốc tân dược giả, thực phẩm chức năng các mặt hàng lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm giả…
Đại tá, PGS-TS Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an
Những năm qua, lãnh đạo Bộ Công an đã quan tâm, chỉ đạo sát sao lực lượng CSKT từ trung ương đến địa phương tăng cường công tác đấu tranh chống xâm phạm SHTT và hàng giả. Nhiều vụ xâm phạm SHTT và sản xuất, buôn bán hàng giả đã được phát hiện, điều tra khám phá và xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Năm 2014, lực lượng CSKT đã phát hiện 665 vụ xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả; đã khởi tố 120 vụ, 196 bị can (so với năm 2013, tăng 130 vụ). Trong 6 tháng đầu năm 2015 đã phát hiện 316 vụ xâm phạm SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả, khởi tố 32 vụ, 51 bị can.
-PV: Trong việc thực thi pháp luật về SHTT, lực lượng CSKT thường gặp những vướng mắc nào, thưa đồng chí?
- Đại tá Hoàng Văn Trực: Thực tế cho thấy, các tội xâm phạm SHTT đã gây ra và đe dọa làm thiệt hại nền kinh tế của mỗi đơn vị, mỗi ngành, lĩnh vực và của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản, sức khỏe và tính mạng của con người, tác động xấu đến cả cộng đồng. Tuy nhiên, việc xử lý nhóm tội phạm xâm hại SHTT khá khó khăn, phức tạp vì chủ thể tội phạm chủ yếu là người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, tay nghề vững, có thế mạnh về kinh tế, hiểu hiết sâu lĩnh vực mình đang quản lý; đặc biệt có người giữ chức vụ, quyền hạn nhất định, có mối quan hệ rộng rãi trong xã hội. Đồng thời trong điều kiện của hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, tạo ra nhiều phương tiện, thiết bị tinh vi, hỗ trợ cho loại tội phạm này phát triển, gây khó khăn trong công tác điều tra xử lý tội phạm.
Hệ thống các quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về bảo hộ quyền SHTT cơ bản đáp ứng yêu cầu của Hiệp định TRIPS và các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống các hành vi xâm phạm SHTT cho thấy, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành còn nhiều điểm bất cập, còn mang nặng tính nguyên tắc chung nhưng chưa đầy đủ và thiếu tính cụ thể chi tiết, chưa đáp ứng được thực tiễn cũng như chưa phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Ví dụ, tín hiệu vệ tinh mang chương trình mã hoá, chương trình phần mềm máy tính, thủ tục xác lập quyền đối với thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, thủ tục chấp nhận nhãn hiệu đăng ký quốc tế và thủ tục công nhận nhãn hiệu nổi tiếng…
-PV: Để giảm thiểu tình trạng xâm phạm quyền SHTT, giảm tình trạng hàng giả, hàng nhái, theo đồng chí cần hoàn thiện hóa việc thực thi pháp luật như thế nào?
-Đại tá Hoàng Văn Trực: Theo tôi, các quy định về SHTT của Bộ luật Dân sự cần đầy đủ và cụ thể hơn. Cấu trúc hệ thống lấy Bộ luật Dân sự làm gốc khiến cho các văn bản luật của các lĩnh vực khác trong đó có lĩnh vực liên quan đến SHTT, thiếu các quy định về các khía cạnh hành chính, kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ. Các quy định này, thường phải đưa vào các văn bản của Chính phủ hoặc các bộ, ngành dẫn đến việc thực thi thiếu thống nhất. Trên cơ sở tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự nói chung và những quy định về SHTT nói riêng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý vi phạm SHTT. Luật Dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc bảo hộ quyền SHTT cần tiến hành pháp điển hóa, bổ sung, sửa đổi các văn bản liên quan đến SHTT theo hướng đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho chủ sở hữu tham gia bảo vệ quyền sở hữu đối với tài sản SHTT thuận lợi, hiệu quả nhất.
Về pháp luật hình sự thì nên quy định các tội xâm phạm quyền SHTT vào 1 chương để phân hóa trách nhiệm hình sự trong luật và cá thể hóa tối đa trong việc áp dụng luật hình sự, đồng thời thể hiện quyết tâm đấu tranh chống các hành vi vi phạm quyền SHTT nói chung, tội xâm phạm quyền SHTT nói riêng. Các tội này nên quy định theo từng hành vi riêng biệt và theo nhóm đối tượng tác động như trong luật SHTT. Hơn nữa, xây dựng các điều luật mới quy định đối với một số loại hàng giả cụ thể có tính phổ biến và có khả năng gây hại cao bằng việc tách các điều luật 156, 157 Bộ luật Hình sự.
Cần nghiên cứu lại các khung hình phạt trong 6 Điều của Bộ luật Hình sự năm 1999 và được sửa đổi năm 2009 về xâm phạm quyền SHTT, có thể tăng một số khung hình phạt, nhưng giảm hình phạt tử hình để phù hợp với tập quán quốc tế, đồng thời tăng tính khả thi của văn bản pháp luật. Ngoài việc xử lý hình sự, cần phải tăng mức phạt bổ sung (phạt tiền) mới đủ sức răn đe.
Trong pháp luật hành chính thì sửa đổi các cách thức xác định mức vi phạm hành chính dựa trên nguyên tắc: mức phạt phải cao hơn lợi nhuận mà người vi phạm có thể thu được từ hành vi vi phạm. Đồng thời, xác định về nguyên tắc mức phạt, cần tăng mức phạt theo tính nghiêm trọng của hành vi như vi phạm có tổ chức, tái phạm, vi phạm liên quan đến các sản phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân và cả cộng đồng…
Tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật SHTT theo hướng thể chế hóa kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến SHTT.
Bên cạnh hoàn thiện hệ thống hóa pháp luật, lực lượng CSKT tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm phạm SHTT. Bên cạnh đó, cần tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm nói chung, xâm phạm quyền SHTT nói riêng, tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội xâm phạm quyền SHTT.
Xin cảm ơn Đại tá!