Phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất

Chủ Nhật, 18/09/2022 12:07

|

(CAO) Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, phương pháp xác định giá đất hiện nay chưa thực sự nhất quán, chưa chính xác và tạo một số lỗ hổng, tới đây phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để định ra phương pháp xác phù hợp, chính xác, nhất quán nhất, như phương pháp so sánh, hay phương hệ số...

Phiên thảo luận chuyên đề “Đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 diễn ra hôm nay (18/9), ghi nhận nhiều ý kiến góp ý xung quanh 11 chính sách lớn được Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra.

Điều phối phiên thảo luận, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu nhìn nhận, Chính phủ đang rất tích cực sửa đổi Luật đất đai với kỳ vọng sẽ tạo ra cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu lực, hiệu quả sử dụng đất.

Toàn cảnh phiên thảo luận chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - hoàn thiện chính sách đất đai

Nêu câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà, ông Hiếu đề nghị Bộ trưởng lựa chọn 3 nội dung cải cách đột phá trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống của người dân.

Cho rằng toàn bộ 11 chính sách của Nghị quyết 18 đều là những điểm “cốt lõi”, song để quản lý Nhà nước thì Bộ trưởng đánh giá, công tác quy hoạch chính là công cụ quan trọng nhất.

Theo Bộ trưởng, phải đổi mới về phương pháp, nội dung, hình thức quy hoạch và xác định lại vị thế để quy hoạch mang được quyền hạn, trách nhiệm của Nhà nước trong việc phân bổ nguồn lực tài nguyên hết sức quý giá, đặc biệt và quan trọng là đất đai. Giải quyết được công bằng, bình đẳng cho các bên, hay nói đúng ra là phải bảo đảm công bằng, bình đẳng cho các thế hệ và giải quyết được nhu cầu sử dụng đất, giải quyết những vấn đề trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thông qua công cụ này thể hiện được tính dân chủ trong quá trình các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân, có thể tham gia.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà

Điểm quan trọng nữa, theo Bộ trưởng, chính là vấn đề định giá đất, tài chính đất đai. “Đây là những vấn đề, cả về mặt lý thuyết và thực tiễn, đang còn khoảng cách, nhận thức rất khác nhau” - Bộ trưởng phản ánh và cho rằng, nếu giải quyết được vấn đề định giá đất đai một cách công khai, minh bạch, bình đẳng, thì chúng ta sẽ giải quyết được các mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giải quyết được mối quan hệ của Nhà nước, những người dân có đất, những người dân bị thu hồi đất và doanh nghiệp.

Như vậy, định giá đất là một vấn đề đi kèm vấn đề kinh tế và tài chính đất đai. Khi định giá đúng, với tất cả những quan điểm, chính sách vừa thị trường theo công cụ kinh tế nhưng phải là định hướng XHCN, thì chúng ta sẽ thực hiện được các chính sách về mặt xã hội thông qua vấn đề tài chính đất đai.

“Tức là chúng ta hoàn toàn có thể chuyển từ mệnh lệnh hành chính sang từng bước kết hợp với thị trường, công cụ kinh tế kết hợp với hành chính, có như vậy chúng ta mới giải quyết được những vấn đề liên quan hiện nay, như đầu cơ thổi giá, đất đai sử dụng không hiệu quả, trường hợp có quá nhiều đất nhưng không sử dụng...”, Bộ trưởng nói.

Nội dung thứ ba, được Bộ trưởng “hết sức tâm đắc và hết sức quan trọng”, là chúng ta quản lý nguồn lực lớn như vậy nhưng chúng ta có nắm được về số lượng, chất lượng và kinh tế không trong khi chúng ta thiếu thông tin, thiếu đánh giá, thiếu giám sát?

Với vấn đề thông tin dữ liệu đất đai, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị chuyển đổi số ở lĩnh vực này càng sớm càng tốt, như thế sẽ thực hiện được quyền của Nhà nước thay mặt Nhân dân để giám sát nguồn lực này một cách tốt nhất.

Thông qua dữ liệu đất đai, theo Bộ trưởng, sẽ giám sát được nguồn lực, giúp người dân có thể tiếp cận được các thông tin đất đai một cách công bằng, công khai và bình đẳng.

“Thông qua hệ thống này, chúng ta cũng có thể cải cách thủ tục hành chính để Nhà nước chuyển sang là một trong những cơ quan phục vụ Nhân dân, hơn là gây khó khăn về các “rừng thủ tục” hành chính như hiện nay” - Bộ trưởng Hà bày tỏ.

Nhận được đề nghị trả lời về vấn đề tài chính đất đai sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chỉ ra một số “lỗ hổng” hiện nay. Cụ thể, trong chuyển mục đích sử dụng đất, Bộ trưởng Tài chính phân tích, có lỗ hổng mà Luật Đất đai hiện hành không bịt được.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trao đổi tại phiên thảo luận

Theo Bộ trưởng Phớc, nó tạo nên thất thoát lớn, gây ra chênh lệch địa tô, từ đây gây ra sai phạm. “Chúng ta phải quản lý mục đích sử dụng đất hết sức chặt chẽ” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Dẫn chứng trong cổ phần hoá doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính chỉ ra, sau khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp ngoài nhà nước nhìn vào khu đất để lấy khu đất này sau đấy chuyển đổi mục đích sử dụng để sử dụng vào mục đích thương mại, đất ở.

“Cái này là địa tô chênh lệch, thất thoát từ nhà nước ra bên ngoài. Chỉ một quyết định hành chính có thể mất 100 tỉ hay 1.000 tỉ đồng. Cho nên phải có cơ chế để bịt lỗ hổng” - Bộ trưởng Phớc nói.

Đề cập đến giá đất, lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, phương pháp xác định giá đất hiện nay chưa thực sự nhất quán, chưa chính xác và tạo một số lỗ hổng. Bộ trưởng yêu cầu tới đây phải rà soát lại các phương pháp xác định giá đất để định ra phương pháp xác định giá phù hợp, chính xác, nhất quán nhất, như phương pháp so sánh, hay phương hệ số.

“Xây dựng hệ số là tiệm cận thị trường, khi có biến động thì điều chỉnh bằng hệ số. Để chính xác thì chúng ta dùng hệ số dày hơn, hai nữa là tính hệ số cho từng loại nhà, công trình thì chắc chắn sẽ tạo ra nhất quán, tính chính xác cao hơn” - Bộ trưởng nhận định.

Liên quan đến việc giao đất, Bộ trưởng Tài chính lưu ý cần xác định giá đất trước thời điểm giao đất và thời điểm xác định giá đất trước thời điểm giao đất không quá 6 tháng. Khi nộp tiền vào ngân sách thì mới giao đất.

“Ông cha ta nói tiền trao cháo múc, khi bán ra phải thu tiền, chứ bán ra cho nợ, đến khi tài sản bán cho người thứ 3 rồi mà nợ vẫn chưa thu được thì ảnh hưởng tới người dân trong việc mua nhà, mua đất” - Bộ trưởng phân tích và cho đây là hiện tượng phổ biến, thực tế đã có những sai phạm, xảy ra lừa đảo ở những dự án đô thị.

 

Chuyên gia UNDP khuyên Việt Nam kích thích chi tiêu

Tại phiên thảo luận “Thúc đẩy thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động”, chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP (Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc) tại Việt Nam, ông Jonathan Picus cho rằng, tiêu dùng nội địa đóng góp 60% vào tăng trưởng GDP. Do đó, theo ông, nếu không kích thích được tiêu dùng nội địa sẽ dẫn đến sụt giảm GDP.

“Thực tế, năm 2021 chi tiêu giảm 21%, dẫn tới suy giảm GDP quý III” - ông Jonathan Picus nhận định.

Vì lẽ trên, để phục hồi và phát triển kinh tế trong giai đoạn hiện nay, cùng với những biện pháp về tài khóa, tiền tệ, ông Jonathan Picus khuyên Việt Nam cần quan tâm đến chi tiêu của người dân.

"Khi người dân được hưởng lợi sẽ kích thích chi tiêu, các doanh nghiệp hưởng lợi từ vòng quay mua sắm và tiếp tục tăng cường sản xuất kinh doanh” – chuyên gia kinh tế của UNDP phân tích.

Bình luận (0)

Lên đầu trang