TPHCM chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ DN nắm bắt cơ hội từ EVFTA

Thứ Năm, 06/08/2020 18:33

|

(CAO) Sáng 6/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA)”. Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 mở ra những cơ hội và triển vọng to lớn, đây cũng là thời điểm đặc biệt quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác toàn diện Việt Nam-EU.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo 63 tỉnh/thành trong cả nước tại các điểm cầu trực tuyến cùng lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp của Việt Nam và EU.

Tại TP. Hồ Chí Minh, hội nghị được truyền trực tuyến tại hai điểm cầu UBND TP. Hồ Chí Minh và tại Trung tâm Báo chí TP.

Giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định

Hội nghị đã thảo luận một số nhóm vấn đề lớn liên quan đến công tác truyền thông về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và FTA nói riêng; các giải pháp để tận dụng hiệu quả cam kết; giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng cơ sở để đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả cũng như vấn đề về cạnh tranh trên thị trường nội địa với các sản phẩm của EU…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chào mừng các vị khách quốc tế tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Mở đầu hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cách đây hơn một năm, vào ngày 30/6/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký kết, thể hiện tư duy chiến lược, mở ra không gian hợp tác rộng lớn giữa Việt Nam và EU, vì hòa bình, phồn thịnh của mỗi quốc gia.

Để có được thành tựu trên, Thủ tướng bày tỏ trân trọng cảm ơn Nghị viện châu Âu và Quốc hội Việt Nam ngay trong những tháng đầu năm 2020, mặc dù có rất nhiều khó khăn, đã đặt ưu tiên cao và hoàn thành việc phê chuẩn 2 hiệp định quan trọng này.

Thủ tướng nhấn mạnh: EU luôn là thị trường có yêu cầu khắt khe về chất lượng và tiêu chuẩn cao đối với hàng hóa, dịch vụ, nơi không có chỗ cho những doanh nghiệp thiếu kiên trì, không sáng tạo, hàng hóa kém chất lượng.

Do đó, EVFTA mở ra cơ hội để Việt Nam đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tự nâng cấp chính mình, chấp nhận những luật chơi mới, khó hơn để tiến sâu hơn, vươn lên những công đoạn có giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng, chuỗi phân phối của EU và toàn cầu. Hiệp định EVFTA là cơ hội vàng để giúp Việt Nam và EU đẩy mạnh hợp tác và cùng phát triển.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, 84% các dòng thuế, chiếm 71% xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được giảm xuống mức 0%. Sau 7 năm, 99,2% các dòng thuế, chiếm 99,7% xuất khẩu Việt Nam sang EU sẽ được loại bỏ. Đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam.

Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi 65% giá trị xuất khẩu của EU sang Việt Nam sẽ được miễn thuế nhập khẩu ngay sau khi thỏa thuận có hiệu lực. Phần còn lại sẽ được loại bỏ theo các lộ trình cam kết 10 năm.

Đề cập đến các giải pháp nâng cao hiệu quả của FTA thế hệ mới này, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, để giúp các doanh nghiệp tận dụng tối đa những cơ hội mà Hiệp định mang lại, cần tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, ban hành chính sách với phương châm tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, minh bạch và bảo đảm công bằng, không có sự phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế.

“Điều quan trọng là chúng ta cần thay đổi tư duy trong việc xây dựng chính sách từ cấp trung ương đến địa phương, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Có như vậy, những chính sách được ban hành mới thực sự đi vào cuộc sống và giúp doanh nghiệp hoạt động tốt hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đây là thời điểm mà cộng đồng doanh nghiệp trong nước cần tăng tốc nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, các vấn đề như phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh cũng là một điểm nhấn cần khắc phục trong thời gian tới để đáp ứng nhu cầu phát triển.

TP. Hồ Chí Minh: Ban hành đề án phát triển logistic đến năm 2025

Đánh giá cao vai trò của EVFTA , Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết không chỉ tại FTA này mà tại các FTA trước, Thành phố cũng đã chủ động để nắm bắt các cơ hội mang lại.

Cụ thể, TP. Hồ Chí Minh sẽ tổ chức tập huấn về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) cho công chức theo từng nhóm ngành, bám sát yêu cầu công việc cụ thể để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp, nhằm chủ động đón cơ hội từ EVFTA.

Liên minh châu Âu (EU) là nhà đầu tư, đối tác thương mại truyền thống của TP. Hồ Chí Minh. Trong hơn 30 năm qua, EU có 909 dự án được cấp phép chứng nhận đầu tư với tổng vốn 3,17 tỉ USD (không bao gồm nước Anh). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, EU có 54 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức phát biểu ý kiến tại Hội nghị.

Về thương mại, EU là thị trường xuất siêu truyền thống của TP, là đối tác xuất khẩu thứ 3, và là đối tác nhập khẩu thứ 2. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của TP sang EU đạt tỉ USD, tương đương 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 3,6 tỉ USD. Tính riêng 7 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,7 tỉ USD và kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỉ USD.

Xét về cơ cấu mặt hàng, sản phẩm xuất nhập khẩu của TP và EU không đối đầu, không cạnh tranh trực tiếp mà sản phẩm của hai bên bổ trợ cho nhau. TP chủ yếu xuất vào EU các mặt hàng dệt may, da giày, nông sản các loại và ngược lại, nhập khẩu từ EU máy móc thiết bị sản xuất hiện đại.

Do đó, hiệp định EVFTA sẽ mở ra cánh cửa rộng lớn hơn cho hàng hóa TP tiếp cận thị trường trên 500 triệu dân của EU.

Để chuẩn bị cho việc thực thi EVFTA, TP đã xây dựng kế hoạch triển khai các hiệp định thế hệ mới, bao gồm CPTPP và EVFTA, thống nhất một đầu mối chỉ đạo thực hiện là Ban chỉ đạo TP về hội nhập quốc tế.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức khẳng định, TP không thụ động chờ EVFTA có hiệu lực. Từ khi EU thông báo thông qua EVFTA vào tháng 10/2018, TP đã chủ động triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nắm và đón nhận cơ hội từ EVFTA với trọng tâm là hiểu quy tắc xuất xứ hàng hóa, xem đây là yếu tố then chốt để DN được hưởng thuế xuất ưu đãi từ Hiệp định.

Bên cạnh đó, TP thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nâng cao chất lượng sản xuất để khai thác về chiều sâu đối với thị trường quan trọng EU. Đồng thời, TP triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn với chuỗi cung ứng khu vực châu Á và kết nối với doanh nghiệp FDI trong đó có doanh nghiệp FDI của EU.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết thêm, thời gian qua, thông qua các hội nghị, hội thảo của các Bộ - ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương triển khai trên địa bàn TP, phổ biến cho doanh nghiệp hiểu, nắm rõ những cơ hội và thách thức của EVFTA. Cuối tháng 7 vừa qua, TP phối hợp với EuroCham tổ chức đối thoại, trao đổi cơ hội hợp tác khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó bao gồm cả việc trao đổi, tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra.

Trên cơ sở đó, TP đã có kế hoạch thực thi EVFTA với những giải pháp cụ thể. Trước hết, nắm rõ nhu cầu của doanh nghiệp, TP tích cực tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về EVFTA. Kinh nghiệm của TP là không dàn trải mà phải tập trung vào những vấn đề doanh nghiệp cần, lắng nghe doanh nghiệp để điều chỉnh nội dung và cách thức truyền thông. Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, có thể triển khai tập huấn trực tuyến, phát huy vai trò của các hiệp hội, ngành hàng ở từng địa phương.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho rằng, hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp chưa biết, chưa hiểu rõ về EVFTA, vì vậy công tác truyền thông cần nhấn mạnh những yêu cầu khắt khe của EU, để doanh nghiệp ý thức tự nâng cao năng lực, thực sự tận dụng cơ hội từ thị trường EU.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức, TP xác định 2 nhóm sản phẩm tiềm năng mở rộng xuất khẩu sang EU.

Thứ nhất, nhóm nông nghiệp, nổi bật là café, hồ tiêu, thủy hải sản, rau củ quả nhiệt đới. Nhóm này chủ yếu từ các tỉnh đưa về TP chế biến và xuất khẩu đi EU.

Thứ hai, nhóm sản phẩm công nghiệp, ngoài dệt may, da giày, TP còn có lợi thế xuất khẩu về công nghệ thông tin và các sản phẩm, dịch vụ nội dung số.

Dựa vào đó, TP đề xuất các Bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Thương vụ, Tham tán thương mại tiếp tục hỗ trợ về thông tin thị trường từng nước thành viên EU để TP hỗ trợ xúc tiến thương mại cho gần 20 nghìn doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn.

Mặt khác, TP cũng sẽ tiếp tục triển khai phát triển công nghiệp hỗ trợ để kết nối sản xuất vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số, phát triển DN số.

Xác định vai trò của TP. Hồ Chí Minh là cửa ngõ xuất – nhập khẩu với thị trường EU của cả khu vực phía Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh, chiến lược của TP là phát triển dịch vụ hỗ trợ, phát triển hạ tầng logistic để cùng các tỉnh đưa hàng hóa vào EU nhanh hơn, với chi phí thấp hơn.

Theo đó, sắp tới TP sẽ ban hành Đề án phát triển logistic đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên tinh thần phát huy liên kết vùng, gắn kết chặt chẽ với các tỉnh thành Đông - Tây Nam bộ, giúp doanh nghiệp phía Nam giảm được chi phí xuất - nhập khẩu, khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và các hiệp định thương mại tự do khác.

Bình luận (0)

Lên đầu trang