TPHCM: Củng cố chất lượng chính quyền đô thị, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù

Thứ Bảy, 08/01/2022 19:11

|

(CAO) Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, củng cố chất lượng chính quyền đô thị, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, hoàn chỉnh chính sách về huy động nguồn lực, trong đó có tổ nhóm tư vấn, có chính sách phù hợp. Nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện từng chỉ số để người dân và DN hài lòng. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong KHCN, đạt chỉ số cao, TPHCM không thể đi sau khi là trung tâm cả nước.

Ngày  8/1, UBND TPHCM tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Tham dự và chủ trì hội nghị có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ; Phó Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Hồ Hải; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP…

Quang cảnh hội nghị

Đã chi trên 12.047 tỉ đồng hỗ trợ các nhóm đối tượng khó khăn

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh một số kết quả thực hiện trong năm 2021. Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát từ cuối tháng 9; đến nay, Thành phố đã cơ bản hoàn thành việc tiêm liều cơ bản cho người từ 18 tuổi trở lên và đang khẩn trương tiêm mũi bổ sung và mũi nhắc lại cho các đối tượng theo quy định.

Thành phố đã tập trung nguồn lực cho công tác an sinh xã hội, đảm bảo sinh kế của người dân, đã chi trên 12.047 tỉ đồng hỗ trợ cho các nhóm đối tượng khó khăn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch ngày càng được nâng cao. Thành phố đã chủ động nghiên cứu, ban hành Kế hoạch phục hồi kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025; triển khai thực hiện chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tạo cơ sở vững chắc mở ra nhiều triển vọng phát triển trong những năm tới.

Về thực hiện chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, mặc dù bị ảnh hưởng rất nhiều do tác động của làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 nhưng vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Thành phố đã hoàn thành việc sắp xếp các phường, thành lập TP Thủ Đức theo Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổ chức thành công bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, trong đó thực hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân cấp quận, phường theo quy định của Nghị quyết số 131 và Nghị định số 33; hoàn thành việc hướng dẫn các quận, phường về tổ chức chính quyền đô thị, đến nay từng bước đi vào nề nếp, hoạt động thông suốt, hiệu quả.

Thành phố đã thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư có sử dụng đất không sử dụng vốn ngân sách nhà nước; Tổ công tác hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong tình hình dịch bệnh Covid-19, Tổ công tác theo dõi, chỉ đạo hoạt động các Tổng Công ty 100% vốn nhà nước, Nhóm công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp FDI;... các Tổ công tác đã giúp tháo gỡ nhanh chóng, thực chất khó khăn cụ thể của các doanh nghiệp; đồng thời chủ động làm việc với các cơ quan Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho các dự án trọng điểm của Thành phố.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

Trong điều kiện vô cùng khó khăn của dịch bệnh, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 381.531 tỷ đồng, đạt 104,5% dự toán năm 2021. Hoạt động tín dụng - ngân hàng tăng trưởng ổn định, đóng góp một phần cho tăng thu ngân sách nhà nước. Kim ngạch nhập khẩu ước tăng 12,9% so với cùng kỳ. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) đạt 7,23 tỷ USD, tăng 38,48% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ (năm 2020 đạt 5,22 tỷ USD). Lượng kiều hối về Thành phố ước đạt 6,6 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ.

Một sự kiện quan trọng giúp cho Thành phố có thêm nguồn lực phát triển là việc Quốc hội thông qua mức ngân sách giữ lại của Thành phố năm 2022 là 21%. Thành phố hoàn thành 14/29 chỉ tiêu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 mà HĐND Thành phố đề ra. Trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 và thực hiện các cấp độ giãn cách xã hội trong gần 5 tháng, Thành phố dự kiến chưa hoàn thành 13/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 44,83%; chưa đủ cơ sở tính toán được 2/29 chỉ tiêu, tỷ lệ 6,89%.

Phấn đấu năm 2022 tăng trưởng 6% - 6,5%

Năm 2022, Thành phố xây dựng chủ đề năm là: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần XI; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giai đoạn 2021 - 2025.

Thành phố xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với 19 chỉ tiêu, trong đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn Thành phố (GRDP) đạt 6% - 6,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP; chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 0,75%/GRDP; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. Tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 86,05%…

Đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đề ra năm 2022 sẽ có nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp ở các quốc gia trên thế giới với các biến chủng mới, nhất là biến chủng mới Omicron đã xuất hiện tại Thành phố.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và các đại biểu tại hội nghị.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, để vực dậy nền kinh tế từ tăng trưởng âm 6,78% năm 2021 có thể đạt được mức tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% và tạo đà tăng trưởng bình thường như trước đại dịch là thách thức bao trùm đối với kinh tế Thành phố. Song việc đặt chỉ tiêu GRDP tăng trưởng từ 6% - 6,5% thể hiện quyết tâm cao của Thành phố, của Lãnh đạo Thành phố, đồng thời để bảo đảm hài hòa, linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu năm 2022 (bằng với chỉ tiêu tăng trưởng GRDP cả nước năm 2022) trên cơ sở những nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi của cả hệ thống chính trị; cùng với những giải pháp đã triển khai trong năm 2021 sẽ phát huy tác dụng trong năm 2022 và cả giai đoạn 2022 – 2025.

Đồng thời đòi hỏi chúng ta phải giữ vững thành quả chống dịch, phát huy hơn nữa truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đi đầu, cùng cả nước, vì cả nước trong triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2022. Vấn đề rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết để đạt được các mục tiêu của năm là nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện và nâng cao hiệu lực - hiệu quả của chính quyền cơ sở; mạnh mẽ cải thiện môi trường đầu tư, điều hành doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, nhất là ở các lĩnh vực: doanh nghiệp tư nhân, xây dựng, quy hoạch, kế hoạch đầu tư, thuế, thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cấp chính quyền.

Tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị tất cả các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, hiệp hội tập trung trí tuệ, nêu cao trách nhiệm, quán triệt sâu sắc phương châm hành động của Chính phủ đề ra năm 2022 là “Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển”, gắn với chủ đề và các chỉ tiêu năm 2022 của Thành phố để cùng nghiên cứu, đánh giá, thẳng thắn trao đổi, cho ý kiến về những vấn đề quan trọng, những giải pháp thiết thực, khả thi năm 2022 nhằm phát huy lợi thế, huy động tổng thể nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; nêu rõ những mô hình hay, cách làm hiệu quả để nhân rộng triển khai.

Tập trung làm rõ, đánh giá sâu, bổ sung cụ thể hơn vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2022 Thành phố đề ra, các giải pháp khắc phục tình trạng tăng trưởng âm của một số ngành, lĩnh vực năm 2021. Trong đó, tập trung thảo luận 3 Chuyên đề: Về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế; Về tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị; Cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp, nhằm khắc phục được những hạn chế, tạo được sự đột phá, hiệu quả cao nhất trong quá trình triển khai thực hiện.” - đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị.

Sau phát biểu khai mạc, các sở ngành đã có báo cáo phân tích làm rõ những kết quả hoạt động năm 2021 và phương hướng nhiệm vụ năm 2022.

Cán bộ lãnh đạo phải cố gắng nhiều hơn

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên đánh giá cao các ý kiến phát biểu tham luận đã tập trung vào trọng điểm TP đề ra các giải pháp sát với tình hình của TP. Nhắc nhớ những bài học sâu sắc rút ra từ năm 2021, đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn cán bộ lãnh đạo phải cố gắng nhiều hơn, khắc phục những điểm làm chưa tốt thời gian qua. Nếu làm tốt những gì đã đề ra trong năm 2022 thì sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, vì vậy hãy biến những suy nghĩ, lời nói, hành động thành dòng chảy đem lại hiệu quả.

Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, năm 2021, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố, TP đã “mất đà”, lần đầu tiên TP tăng trưởng âm, kéo lùi những chỉ tiêu đề ra. Cho nên gánh nặng của năm thứ 2, vừa vượt chướng ngại vật, vừa phải tăng tốc để bù lại. Giai đoạn này không phải là ứng phó, mà phải kiến tạo để đem lại kết quả. Dù khó khăn, nhưng TP vẫn có niềm tin để đưa ra kỳ vọng, để có thể hoàn thành Nghị quyết Đại hội đề ra.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, chúng ta phải luôn trong tâm thế linh hoạt, thích ứng an toàn, phải nghĩ tới những cách làm việc hiệu quả, thay đổi phong cách, lối sống, chấp nhận cái mới, đương đầu với thử thách và dấn thân theo lẽ sống, lý tưởng đã đề ra. Mỗi người phải sống có tình yêu thương, có lòng trắc ẩn và những người đảng viên, cán bộ lãnh đạo phải sống vì nhân dân. Tập trung thực hiện chủ đề năm đã đề ra, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN, thể hiện sự đồng hành với người dân và DN.

“Bộ Chính trị đã nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát đến năm 2023, do đó phải có sự chủ động chuẩn bị đối phó, TP đã có kế hoạch chuẩn bị và hành động như tăng cường lực lượng y tế cơ sở, phát huy đội ngũ công – tư, tổ chức mạng lưới thế trận trong từng khu phố, tiêm vaccine đầy đủ, chuẩn bị oxy đầy đủ. Đây là điều kiện ổn định tình hình dịch bệnh, để phát triển kinh tế”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận định.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, củng cố chất lượng chính quyền đô thị, bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù, hoàn chỉnh chính sách về huy động nguồn lực, trong đó có tổ nhóm tư vấn, có chính sách phù hợp. Đồng thời, nỗ lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, quan trọng cải thiện từng chỉ số để người dân và DN hài lòng. Đẩy mạnh xây dựng chính quyền số, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong KHCN, đạt chỉ số cao, TPHCM không thể đi sau khi là trung tâm cả nước.”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Triển khai các dự án giải quyết “điểm nóng” về hạ tầng

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi nhấn mạnh, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025.

Để thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022, đồng chí Phan Văn Mãi đề nghị tập trung kiểm soát, đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh; tập trung hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, kinh doanh; khôi phục những gãy đổ chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp những DN tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, nhất là nhóm ngành du lịch. Trong đó, tập trung hỗ trợ về tín dụng, tổ chức sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí và chăm lo đời sống người lao động, mở rộng thị trường, đào tạo nguồn nhân lực.

Về khôi phục kinh tế dịch vụ, TP sẽ tập trung giải pháp phục hồi ngành thương nghiệp bán buôn - bán lẻ, ngành vận tải - kho vận, ngành lưu trú - ăn uống, ngành kinh doanh bất động sản. Trong đó, tập trung triển khai kế hoạch phục hồi ngành du lịch, Đề án phát triển ngành logistics, Đề án phát triển thương mại điện tử; hoàn thành pháp lý trung tâm tài chính quốc tế. Trước mắt, đảm bảo cung hàng và phục hồi các dịch vụ dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó là thúc đẩy phát triển công nghiệp; Tiếp tục triển khai 3 Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và sản phẩm các ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm; Chiến lược phát triển các ngành cơ khí - tự động hóa, cao su - nhựa, chế biến thực phẩm.

TP sẽ rà soát, đánh giá, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức HĐND quận, phường; xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về TP Thủ Đức và huyện Cần Giờ. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp - ủy quyền cho các sở ngành và quận huyện; hoàn thành Đề án phân cấp, ủy quyền cho TP Thủ Đức và Đề án cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thúc đẩy cơ chế phối hợp nội bộ trong giải quyết thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp. TP cũng tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng DN; Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư tư nhân; Tập trung công tác quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Quy hoạch Thành phố giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về phát triển hạ tầng giao thông, TP đẩy nhanh tiến độ tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, khởi công tuyến Metro số 2. Triển khai các dự án giải quyết “điểm nóng” sân bay Tân Sơn Nhất, đường cảng Cát Lái; các dự án có tính chất kết nối liên vùng: Cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Vành đai 3, 4; Cao tốc TPHCM - Chơn Thành...

Trong năm 2022, TP cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, triển khai kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích việc xây dựng nhà ở xã hội, giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, giãn dân tại các khu vực có điều kiện sống không đảm bảo. Tiếp tục triển khai dự án chống ngập TP; chuẩn bị khởi công công trình kênh Tham Lương - rạch Nước lên - Bến Cát, khởi động dự án Rạch xuyên tâm, kênh Hy vọng.

Đồng thời, TP cần thực hiện tốt chính sách đối với người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo vệ người lao động; xây dựng đề án chăm lo cho trẻ em mồ côi cha, mẹ tử vong do dịch Covid-19. Trước mắt, huy động mọi nguồn lực tổ chức chăm lo Tết cho bà con nhân dân thật chu đáo, không để ai không có điều kiện đón Tết.

Sắp đến Tết cổ truyền dân tộc, đề nghị các đồng chí tập trung thực hiện tốt Chỉ thị của UBND Thành phố về chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 với tinh thần “Tuyệt đối đảm bảo an toàn phòng chống dịch, Tết an lành và tiết kiệm” gắn với nỗ lực thực hiện hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Quản lý và tổ chức các hoạt động đón Tết nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch; không tổ chức các đoàn đi thăm, chúc Tết lãnh đạo các cấp; nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên dưới mọi hình thức. Không sử dụng kinh phí, phương tiện, tài sản công vào các hoạt động mang tính cá nhân, trái quy định trong dịp Tết. Chủ động chuẩn bị nguồn hàng hóa dồi dào, phong phú, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nâng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động gặp gỡ, thăm hỏi, tặng quà, chăm lo Tết các gia đình chính sách, khó khăn, phù hợp với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân” một cách hiệu quả, thiết thực, có ý nghĩa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang