Trưa 21/6, tại Trung tâm Báo chí TP, UBND TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp. Tham dự có Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cùng đại diện các cơ quan báo chí.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp báo trưa 21/6/2021. Ảnh: TTBC TPHCM
Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức bày tỏ, TPHCM rất vinh dự khi được Chính phủ giao và triển khai tiêm 836.000 liều/1 triệu liều vắc xin COVID-19 của Hãng dược AstraZeneca (Anh) do Nhật Bản tặng.
Trong số 836.000 liều, có 30.000 liều giao thẳng cho Bộ Quốc phòng khu vực phía Nam để chủ động tiêm phòng cho lực lượng vũ trang theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng; có 20.000 liều chỉ định giao cho lực lượng Công an tại TPHCM (trong đó 18.000 liều cho Công an của TPHCM, 2.000 liều cho lực lượng Bộ Công an đóng trên địa bàn TP).
Riêng TPHCM nhận 804.000 liều và sẽ tiêm trong thời gian 5 ngày. Đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại TP. Theo Kế hoạch, chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 lần này được chuẩn bị từ ngày 19/6 và sẽ bắt đầu tiêm từ chiều ngày 21/6/2021 đến 25/6/2021.
Huy động 5.000 nhân viên y tế và 4.000 tình nguyện viên cho chiến dịch
Trảw lời các câu hỏi của phóng viên, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết: Qua 3 đợt tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại TPHCM, đã có 43.926 người được tiêm 1 mũi; 50.718 người được tiêm đủ 2 mũi.
Căn cứ quy định về nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí theo Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và trên cơ sở số lượng vắc xin được phân bổ đợt 4 cũng như đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại TP, TPHCM tổ chức tiêm vắc xin cho các nhóm đối tượng bao gồm: lực lượng tuyến đầu chống dịch (người làm việc tại cơ sở y tế, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp).
Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Hoài Nam trả lời một số vấn đề báo chí quan tâm. Ảnh: TTBC TPHCM
Số lượng vắc xin còn lại sẽ dành tiêm cho lực lượng quân đội; lực lượng công an; hải quan; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải (bến xe, nhà ga, tài xế xe bus, xe khách, xe công nghệ, taxi…), du lịch; người cung cấp dịch vụ điện, nước, ngân hàng, vệ sinh môi trường, viễn thông, xăng dầu, hàng hoá; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người yếu thế; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch (công nhân khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (KCNC), công viên phần mềm…).
Cũng trong đợt tiêm chủng này, Sở Y tế TP phân bổ 78.000 liều cho công nhân, người lao động tại các KCX, KCN và KCNC TP. Bao gồm, KCX Linh Trung được phân phân bổ 20.000 liều, KCX Tân Thuận 20.000 liều, KCN Tân Tạo 10.000 liều, KCN Tân Phú Trung 13.000 liều và KCNC 15.000 liều.
Để triển khai tiêm 836.000 liều vắc xin trong vòng 5 ngày, ngành Y tế huy động hơn 5.000 nhân viên y tế từ hàng trăm đơn vị y tế công lập, tư nhân và của lực lượng quân đội, công an đóng trên địa bàn TP; cùng với khoảng 4.000 sinh viên, thanh niên tình nguyện đã được tập huấn đầy đủ.
Từ đó, tổ chức 946 điểm tiêm chính thức bao gồm: điểm tiêm tại Trung tâm Y tế, Trạm Y tế và các điểm tiêm lưu động; mỗi điểm tiêm dự kiến tiêm cho 200 người/ngày, tổng cộng tiêm cho 189.200 người/ngày.
Mỗi đội tiêm gồm 01 bác sĩ thực hiện khám sàng lọc, 02 nhân sự thực hiện tiêm vắc xin, 01 bác sĩ và 01 điều dưỡng phụ trách theo dõi, xử trí các phản ứng sau tiêm. Tổ công tác hành chính gồm 3 nhân sự, Tổ an ninh trật tự gồm 7 nhân sự.
Bên cạnh đó, 59 bệnh viện công lập dự phòng 01 đội tiêm/đơn vị dự phòng để tăng cường hỗ trợ tiêm cho các địa điểm tiêm có thể bị quá tải.
Các điểm tiêm chủng tuyệt đối tuân thủ yêu cầu 5K
Về công tác giám sát, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam thông tin, ngành Y tế đã chỉ đạo, hướng dẫn tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ hộp thuốc cấp cứu phản vệ và trang thiết bị cấp cứu; bố trí tại mỗi điểm tiêm 01 đội cấp cứu để theo dõi, xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm (tổ chức cấp cứu trong vòng 2-3 phút); tổ chức các đội cấp cứu lưu động tại mỗi địa bàn sẵn sàng vận chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng về bệnh viện; thực hiện giám sát sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 để chủ động phát hiện và xử trí kịp thời các sự cố bất lợi sau tiêm vắc xin phòng COVID-19, đặc biệt là tai biến nặng sau tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; Bố trí chỗ ngồi hợp lý, giãn cách cho những người vừa tiêm xong để bác sĩ thuận tiện theo dõi sức khỏe sau khi tiêm.
Ngoài ra, thực hiện theo dõi người được tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm chủng và hướng dẫn gia đình hoặc đối tượng tiêm chủng để tiếp tục theo dõi ít nhất 7 ngày sau tiêm chủng; cung cấp số điện thoại của cơ sở tiêm chủng để người được tiêm chủng liên hệ khi cần.
Rút kinh nghiệm từ các đợt tiêm chủng trước và để thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 ngày 19/6/2021 của UBND TP, tại các điểm tiêm chủng tuyệt đối tuân thủ yêu cầu 5K; thực hiện giãn cách, sàng lọc đối tượng đầy đủ trước khi tiêm chủng, tư vấn đầy đủ cho đối tượng tiêm chủng về tác dụng, lợi ích của việc sử dụng vắc xin và giải thích những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Đồng thời, thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19.
TPHCM đã chủ động tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất vắc xin
Liên quan đến các vấn đề trong chiến dịch tiêm chủng, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết: TP đã thành lập Tổ chuyên trách về công tác tiêm vắc xin, sáng nay các đoàn kiểm tra của TP đã đi kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác chuẩn bị tại các điểm tiêm.
Về nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19, theo Phó Chủ tịch UBND TP, hiện nay nguồn cung rất ít và đã xuất hiện vắc xin giả trên thị trường. Song song với đó, một số loại vắc xin chỉ định tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên và chưa triển khai tiêm cho người từ 65 tuổi trở lên.
Vì vậy, bên cạnh nguồn cung từ Chính phủ, TPHCM đã chủ động tiếp xúc trực tiếp với các nhà sản xuất, dự kiến TP sẽ có thêm khoảng 5 -10 triệu liều vắc xin trong năm nay và phấn đấu đến cuối năm 2021, có 2/3 người dân TPHCM được tiêm vắc xin.
Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cũng nhấn mạnh: Việc đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm vắc xin là quan trọng nhất. Do đó, Phó Chủ tịch UBND TP kêu gọi và đề nghị các cơ quan báo chí có các tuyến tin bài tuyên truyền sâu rộng để mọi người cùng chia sẻ và tự giác thực hiện nghiêm các yêu cầu của TP.