TPHCM: Đỉnh dịch có thể chưa đạt, sẽ còn diễn biến phức tạp những ngày tới

Thứ Tư, 21/07/2021 22:03

|

(CAO) Theo Phó bí thư thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi, trong 3 tình huống mà TP đề ra trước đây, đến thời điểm này phù hợp hơn với tình huống 2, tức là phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí tăng cường một số giải pháp tại một số địa bàn để siết chặt hơn.

Chiều 21/7, phát biểu kết luận tại buổi họp báo về công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian tới TP tập trung tuyên truyền vận động giám sát để mọi người dân thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn. TP cũng sẽ tập trung bảo vệ và mở rộng dần “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 TPHCM.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thời gian qua, số ca dương tính được phát hiện hàng ngày của TP tăng rất cao và còn đang diễn biến phức tạp, nên TPHCM nhận định đánh giá là đỉnh dịch có thể chưa đạt và sẽ còn diễn biến phức tạp trong vài ngày tới.

 Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại một hội nghị.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, trong 3 tình huống mà TP đề ra trước đây, đến thời điểm này phù hợp hơn với tình huống 2, tức là phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, thậm chí tăng cường một số giải pháp tại một số địa bàn phải siết chặt hơn. Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM cũng đang chuẩn bị cho những giải pháp trong thời gian tới.

Trong đó tập trung tuyên truyền vận động giám sát để người dân, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn TPHCM thực hiện giãn cách xã hội triệt để hơn, giữa nhà với nhà, người với người để hạn chế tối đa tiếp xúc lây lan mầm bệnh.

Đối với một khu vực nguy cơ rất cao, đông dân cư, ví dụ các khu nhà trọ của công nhân, người lao động rất động nên việc thực hiện giãn cách chưa đảm bảo, TPHCM sẽ tính toán biện pháp phù hợp để giãn mật độ, có điều kiện mọi người ít tiếp xúc hơn.

Đồng chí đề nghị, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người thực hiện giãn cách triệt để 1 tuần - 10 ngày tới để chặn nguồn lây lan, lập đỉnh trong thời gian này, sau đó tiến hành các biện pháp tiếp theo.

Bên cạnh thực hiện triệt để giãn cách, TPHCM sẽ tập trung cao cho việc phân loại, phân tầng quản lý chăm sóc điều trị F0. Ngành y tế đã đề ra mô hình các tầng điều trị.

Song song với nhóm 2 biện pháp trên, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhất là cho khu phong tỏa, nhóm gia đình khó khăn sẽ tăng cường hơn.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, khi thực hiện giãn cách xã hội triệt để, hạn chế tối đa việc ra ngoài thì việc tiếp cận lương thực thực phẩm, đặc biệt các gia đình khó khăn càng khó nên TPHCM phải tập trung cho việc này.

Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP cũng sẽ tập trung bảo vệ và mở rộng dần “vùng xanh” trên bản đồ Covid-19 TPHCM. Thời gian qua, TP đã tập trung nhiều cho các vùng nguy cơ cao. Sắp tới, TP sẽ mở ra hoạt động ở các vùng đệm để bảo vệ được vùng xanh, củng cố mở rộng vùng xanh.

Như huyện Củ Chi thời gian qua chỉ có 2 xã màu xanh được an toàn và củng cố dần dần có thêm nhiều mảng xanh hơn. Huyện Cần Giờ cũng cố gắng giữ là mảng xanh.

Một phần của Nhà Bè hay một số quận khu vực trung tâm cũng cố gắng làm sạch địa bàn, bằng nhiều biện pháp kể cả giãn cách, rà lại xét nghiệm để kịp thời tách F0 ra khỏi cộng đồng để chuyển hóa địa bàn, có nhiều màu xanh hơn trên bản đồ.

“Đây cũng là một sự chuyển hướng, chuyển trọng tâm trong thời gian tới. Bên cạnh việc bao vây, làm hẹp vùng đỏ thì việc mở rộng vùng xanh cũng rất cần thiết”. – Đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Đề cập đến việc sản xuất an toàn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, sản xuất của TP cũng rất quan trọng. Đó là công ăn việc làm của hàng triệu công nhân, là kinh tế - xã hội của TPHCM. Đó là câu chuyện mà nếu không tiếp tục sẽ đứt gãy chuỗi sản xuất, thị trường bên ngoài, bên trong cũng sẽ mất và sau này chiếm lĩnh lại thị trường rất khó. Nên TPHCM rất quan tâm đến việc này.

Đồng chí cho biết, thời gian qua đề ra tiêu chí sản xuất an toàn với 2 phương thức là “3 tại chỗ” và “2 điểm đến 1 cung đường”. Tuy nhiên quá trình chuẩn bị chưa được kỹ nên khi áp dụng có nơi thực hiện “3 tại chỗ” “2 điểm đến 1 cung đường” không an toàn. TPHCM đã thấy việc này và đã làm việc với Ban Quản lý các Khu Chế xuất – Khu Công việc, làm việc với các hiệp hội.

Sắp tới sẽ tiếp tục có điều chỉnh để có biện pháp an toàn nhất để tổ chức sản xuất. Có thể không phải “3 tại chỗ”, hoặc vẫn là “3 tại chỗ” nhưng phải được test âm tính, đảm bảo không lây lan. Bên cạnh đó, quy mô giảm xuống mức tối thiểu có thể để đảm bảo được giãn cách. Chỗ ở cũng cần tổ chức để sản xuất trong thời gian dài không ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý. Tất cả những việc này không phải chỉ chuẩn bị cho 10 ngày, 2 tuần tới mà chuẩn bị cho lâu dài.

Từ phía doanh nghiệp cũng có những giải pháp sáng tạo để an toàn và tổ chức sản xuất. Không nên tổ chức mang tính hình thức nhưng không nghiêm túc, tiềm ẩn yếu tố không an toàn, doanh nghiệp không sản xuất được nữa và TPHCM phải tiếp tục xử lý hệ lụy nếu xảy ra ca lây nhiễm từ kẽ hở này này. TP đã thống nhất với các hiệp hội, doanh nghiệp ở điểm này và chắc chắn sẽ tìm ra những cách thức mới để tổ chức sản xuất an toàn nhất.

Đối với hoạt động của các chợ, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, chúng ta đã nghe về việc Chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức mở lại điểm trung chuyển hàng hóa và một số chợ truyền thống hoạt động trở lại nhưng không phải mở lại chợ truyền thống mà là mở lại chợ an toàn. TPHCM đã có quy trình, đang cố gắng điều chỉnh để khởi động lại các chợ an toàn. Các chợ đầu mối có khởi động lại một số điểm trong không gian của mình và truyền thống có khởi động lại cũng phải trên tiêu chí chợ an toàn.

Quận Bình Tân và huyện Bình Chánh có số ca COVID-19 cao nhất đợt dịch này
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang