Trong 44 cơ chế, chính sách được quy định tại Nghị quyết có nhiều chính sách mới lần đầu được thí điểm liên quan đến lĩnh vực đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đất đai, quy hoạch và tổ chức bộ máy.
Theo đó, về đầu tư, TPHCM được thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), trong đó sử dụng ngân sách địa phương triển khai dự án đầu tư công độc lập để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch vùng đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt, nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3.
Quốc hội cho phép TPHCM đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) với dự án lĩnh vực thể thao, văn hóa; y tế, giáo dục đào tạo. TP được áp dụng loại hợp đồng BOT với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Trường hợp chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng chiếm tỷ trọng lớn hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án và phương án tài chính sơ bộ của dự án PPP không bảo đảm khả năng hoàn vốn, HĐND TP xem xét, quyết định việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP nhưng không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án.
TPHCM cũng được áp dụng hợp đồng BT, với tổng mức đầu tư dự án theo loại hợp đồng này được xác định như dự án đầu tư công. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT. Các chi phí này được tính vào tổng mức đầu tư dự án.
Liên quan đến tài chính, ngân sách Nhà nước, HĐND TP quyết định và điều chỉnh mức, tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa có trong danh mục của Luật Phí, lệ phí (trừ phí, lệ phí tòa án, các loại phí thuộc nguồn thu ngân sách trung ương). Ngân sách TP được hưởng 100% số tăng thu từ các khoản thu do điều chỉnh phí, lệ phí.
Cạnh đó, TPHCM được thực hiện cơ chế tạo nguồn để cải cách tiền lương, chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền. TP được vay qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước và nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho vay lại, với tổng dư nợ tối đa 120% số thu ngân sách TPHCM được hưởng theo phân cấp.
Tổng mức vay và bội chi ngân sách TP hằng năm do Quốc hội quyết định theo Luật Ngân sách nhà nước. Hằng năm, TP được bổ sung tối đa 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán được Thủ tướng giao...
Trong cơ chế về tổ chức bộ máy, Quốc hội đồng ý để HĐND TP thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Sở này có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bộ máy trên cơ sở chuyển chức năng quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP từ 3 sở (Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương).
UBND huyện thuộc TP có không quá 3 phó phủ tịch. Phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì UBND có không quá 3 phó chủ tịch.
Việc bầu, tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức làm việc tại xã, thị trấn và cán bộ phường thực hiện theo quy định của pháp luật và thuộc biên chế cán bộ, công chức cấp huyện trở lên được giao hằng năm. Quốc hội giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
HĐND TP được trao quyền quyết định bố trí ngân sách TP để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động... theo hiệu quả công việc, ngoài việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Mức chi này bảo đảm không vượt quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ và chi thu nhập tăng thêm không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý.
Riêng TP.Thủ Đức, UBND thành phố này được trao quyền quyết định phê duyệt dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và ký kết các hợp đồng dự án đối với các dự án nhóm B, nhóm C đầu tư theo phương thức PPP. UBND TP có không quá 4 phó chủ tịch. TP.Thủ Đức cũng được thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP.
Về thu hút nhà đầu tư chiến lược, TP được tự quyết cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực sản xuất chíp, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, vật liệu mới.
Nghị quyết cũng đưa ra chính sách miễn thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn góp, quyền góp vốn vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Với lĩnh vực xây dựng - quy hoạch và đầu tư, Nghị quyết trao quyền cho TPHCM được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội trong diện tích dự án làm nhà ở thương mại hoặc đất được Nhà nước giao, cho thuê phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cũng như quy hoạch đô thị, xây dựng. UBND TP có trách nhiệm phải bảo đảm đúng tỷ lệ bố trí nhà ở xã hội theo quy định về nhà ở và chủ đầu tư cần làm dự án ở vị trí được quy hoạch hoán đổi, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đất đai trên vị trí đất được hoán đổi theo quy định, để bảo đảm tính pháp lý, người dân yên tâm sở hữu nhà...
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, 481/484 đại biểu Quốc hội đã đồng ý thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế đặc thù cho phát triển TPHCM. Nghị quyết này được coi là cơ sở pháp lý, động lực để TPHCM phát triển nhanh, bền vững.