Sáng 11/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TPHCM về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và công tác triển khai tăng cường, siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19. Tham dự có lãnh đạo một số Bộ ngành liên quan tại điểm cầu Chính phủ.
Tham dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Phan Văn Mãi.
Tại điểm cầu UBND TPHCM có Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Tô Thị Bích Châu; các Phó Chủ tịch UBND TP cùng lãnh đạo một số sở ngành, quận/huyện.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chủ trì cuộc họp tại điểm cầu UBND TPHCM
TPHCM đã có hơn 12.000 trường hợp mắc COVID-19
Thông tin tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 6 giờ ngày 10/7 đến 6 giờ ngày 11/7, TPHCM ghi nhận 1.403 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là khu vực cách ly, khu vực phong tỏa; 172 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 272 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.
Hiện TP đang điều trị 11.308 trường hợp dương tính mới, có 178 ca đang thở máy (08 ca cần can thiệp ECMO). Trong ngày 10/7 có thêm 49 trường hợp khỏi bệnh. Như vậy, Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP đã có hơn 12.000 trường hợp mắc COVID-19.
TP đã triển khai đồng bộ các biện pháp trong cách ly, xét nghiệm và điều trị. Cụ thể, khảo sát và đưa vào sử dụng các khu cách ly tập trung, các bệnh viện dã chiến, các khu điều trị bệnh nhân có triệu chứng nặng; Chuẩn bị sẵn sàng phương án điều trị với 50.000 giường để tiếp nhận, điều trị ca nhiễm COVID-19.
Về công tác xét nghiệm, UBND TP giao mỗi quận - huyện, TP Thủ Đức phải có kế hoạch xét nghiệm cụ thể, hợp lý, theo nguyên tắc “Rõ - Nghiêm - Nhanh - Hiệu quả” và ưu tiên xét nghiệm ở các nơi có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.
Để đảm bảo an toàn trong sản xuất tại các KCX-KCN, KCNC, TP đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp danh sách công nhân làm việc (gồm cả công nhân làm việc toàn thời gian và thời vụ) để lên kịch bản xử lý khi có ca nhiễm F0 xuất hiện, đồng thời định kỳ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân.
Một bộ phận người dân có sự nhầm lẫn về giá cả
Đối với việc một số cửa hàng tiện lợi còn có hiện tượng hàng về chậm, tại một số thời điểm bị thiếu hàng cục bộ, TP đã triển khai bổ sung hàng hóa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Lượng hàng hóa trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã ổn định. Qua kiểm tra tại các hệ thống siêu thị, giá cả hàng hóa không tăng so với thời điểm trước khi TP áp dụng Chỉ thị 16.
Siêu thị mini 0 đồng và Chợ nghĩa tình ở khắp các quận/huyện
Sở Công Thương cho biết, TP đã cho hoạt động trở lại “Siêu thị mini 0 đồng” với quy mô 10 siêu thị/ngày. Đồng thời, mô hình “Chợ nghĩa tình” do các thầy cô giáo và Đoàn Thanh niên tổ chức triển khai đồng loạt trên 22 quận/huyện, TP Thủ Đức; các bếp ăn nghĩa tình, các hoạt động từ thiện,.. cũng được TP tạo điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn phòng chống dịch để kịp thời đem thực phẩm về với người nghèo.
Ngành Công Thương đẩy mạnh hoạt động bán hàng bình ổn lưu động, nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu với giá cả ổn định cho người dân trên mọi địa bàn TP.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, hiện nay một bộ phận người dân đang có sự nhầm lẫn về giá cả. Trong đó, thứ nhất là sự chênh lệch giá giữa hàng hóa nhập khẩu với hàng hóa trong nước, đơn cử như rau củ của Australia thì cao hơn 2-3 lần so với rau củ cùng loại. Thứ hai, do các siêu thị dừng chương trình khuyến mại nên giá hàng hóa trở lại giá niêm yết ban đầu.
Nhằm tạo điều kiện mua sắm thuận lợi cho người dân, vừa đảm bảo nguyên tắc không tập trung đông người, TP đã phối hợp với Tổ công tác của Bộ Khoa học Công nghệ và các doanh nghiệp triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý, định vị các điểm bán hàng.
Về công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TP cho hay, theo Nghị quyết của HĐND TP, kinh phí chăm lo cho các đối tượng khoảng 886 tỷ đồng. Từ ngày 6/7 đến nay, TP đã chi 70 tỷ đồng để chăm lo cho 45.000 đối tượng.
Hiện nay, các quận - huyện đã chủ động ứng ngân sách địa phương để giải quyết kịp thời cho những người lao động mất việc, lao động tự do, người kinh doanh nhỏ lẻ và người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn.
Ngoài ra, có 30.000 thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng bảo trợ xã hội, người có công, thân nhân người có công, giáo viên… đã được tiêm vắc xin COVID-19 trong chiến dịch tiêm chủng đợt 4 vừa qua.
Về tình hình giao thông, TP đã tổ chức phân luồng giao thông ở 12 chốt chính tại cửa ngõ vào/ra TP, phân luồng riêng cho các phương tiện có Giấy nhận diện phương tiện do Sở Giao thông Vận tải cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu được lưu thông nhanh chóng.
Tình hình giao thông tại các chốt kiểm định dần ổn định, lượng phương tiện giao thông giảm 20-25% so với ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 9/7). Tại các cửa ngõ TP, hiện tượng ùn ứ và lượng xe cũng đã giảm hẳn so với 2 ngày đầu...
Kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân khó khăn
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị UBND TP đẩy nhanh công tác mua sắm trang thiết bị y tế để đảm bảo cho hoạt động phòng chống dịch tại các cơ sở; chú ý công tác vệ sinh ở các khu cách ly, điểm cách ly, xử lý rác thải y tế cùng với việc chăm sóc y tế, dinh dưỡng… cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ, nhân viên y tế để có sức khỏe chiến đấu với dịch bệnh.
Bên cạnh đó, công tác chấm thi tốt nghiệp THPT cần tính toán và sắp xếp thời gian phù hợp để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch chung của TP. Bí thư Thành ủy đề nghị khẩn trương bổ sung các kênh phân phối, hỗ trợ để kịp thời cung cấp nhu yếu phẩm, hàng thiết yếu cho người dân, nhất là bộ phận người dân nghèo gặp khó khăn.
Ưu tiên lớn nhất trong thời gian này là giữ khoảng cách
Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến của TPHCM, tại cuộc họp, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lưu ý một số vấn đề.
Trong đó, về xét nghiệm, Phó Thủ tướng cho rằng công tác này cần phải đẩy nhanh hơn, tận dụng triệt để các thiết bị xét nghiệm. Phải lường trước các điểm có tỉ lệ F0 cao để có phương án hướng dẫn kịp thời.
Bộ phận chuyên môn tại TPHCM làm việc với Bộ Y tế để xem xét, điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp. Hiện nay TP đã triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, điều quan trọng khi thực hiện phương án này là phải làm sát với thực tiễn, kịp thời hướng dẫn các biện pháp để người dân an tâm.
Phó Thủ tướng đồng tình với phương án rà roát toàn bộ danh sách công nhân để nắm bắt được tình hình sức khoẻ tổng thể, kích hoạt lại Bộ tiêu chí an toàn COVID-19 trong sản xuất tại tất cả các đơn vị.
Về chăm lo đời sống của người dân, theo Phó Thủ tướng, cần lưu ý các địa điểm, khu vực, kênh phân phối hàng hoá để thông tin kịp thời cho người dân và phát động các chương trình thiện nguyện. Tuy nhiên, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng, chống dịch.
Về vắc xin ngừa COVID-19, Phó Thủ tướng cho biết Trung ương vẫn tiếp tục ưu tiên vắc xin cho TPHCM. Tuy nhiên, vắc xin cần có thời gian để phát huy hiệu quả. Vì vậy, ưu tiên lớn nhất trong thời gian này là giữ khoảng cách giữa người với người, nhà với nhà…
Việc tiêm vắc xin vẫn tiến hành theo kế hoạch nhưng tuyệt đối không chạy theo tiến độ, thành tích. Cần có kế hoạch cho nhân dân đăng kí tiêm qua mạng, lên lịch chi tiết các đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm. Tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình tiêm, không cấp tập tiêm trong vài ngày, tránh tình trạng tập trung đông đúc.
Bên cạnh đó, cần đặc biệt ưu tiên phòng dịch, phân ca, kíp đối với lực lượng xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Trong lực lượng này phải có một nhóm chuyên xử lý rác thải y tế với quy trình nghiêm ngặt.
Thành phố cần thực hiện nhanh các biện pháp để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kịp thời phân phối về các cơ sở, đảm bảo đủ cho nhu cầu phòng chống dịch và giảm bớt gánh lo cho cơ sở y tế tuyến dưới.
Đối với công tác chấm thi THPT, kết quả chấm thi tại TPHCM, Phó Thủ tướng đề nghị TP không áp lực về thời gian, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn với dịch bệnh, không để một giáo viên nào trong khu chấm thi nhiễm COVID-19.
Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT được đảm bảo an toàn phòng dịch
Liên quan đến công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức thông tin: Hiện nay các thầy cô giáo, cán bộ chấm thi đều được xét nghiệm và đảm bảo kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 mới được vào chấm thi.
Ngoài ra, các phòng chấm thi đảm bảo giãn cách 10 người/phòng; không tạo áp lực về thời gian; không giao tiếp trong quá trình nghỉ giải lao, ăn uống; quá trình bàn giao bài thi, bài chấm… cũng được đảm bảo về giám sát, khử khuẩn, khoảng cách…