Chủ tịch nước trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thứ Năm, 01/04/2021 15:43

|

(CAO) Việc miễn nhiệm, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, là do yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tiếp tục công tác nhân sự, chiều 1/4, Quốc hội đã nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình, đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc Tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc

Lý do miễn nhiệm, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, là do yêu cầu sắp xếp công tác nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy Nhà nước và công tác cán bộ.

Ông Nguyễn Xuân Phúc vừa được Chủ tịch nước trình miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ

Trước đó, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII được Quốc hội tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, theo đánh giá của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tại kỳ họp Quốc hội này, Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội xem xét việc miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Trước kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, các thông tin từ phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, đây là lần đầu tiên một Thủ tướng Chính phủ đương nhiệm được giới thiệu vào vị trí lãnh đạo đứng đầu Nhà nước. Do đó, công tác nhân sự tại kỳ họp đã được điều chỉnh so với thông lệ, để tránh tình huống tân Chủ tịch nước sau khi đắc cử lại phải trình Quốc hội miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng của chính mình.

Ông Nguyễn Xuân Phúc sinh năm 1954, quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông có 4 khoá tham gia Ban Chấp hành Trung ương và 3 khoá tham gia Bộ Chính trị.

Trước khi nhận công tác ở Trung ương với vị trí Phó Tổng Thanh tra Chính phủ vào tháng 3/2006, ông Phúc từng kinh qua nhiều vị trí ở địa phương.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, sau đó làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, Phó Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ủy ban Kinh tế - Ngân sách Quốc hội khoá XI từ 6/2006 – 8/2007.

Từ 8/2007 - 01/2011 ông làm Bí thư Đảng ủy Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối cơ quan Trung ương; Tổ trưởng Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

Từ 1/2011 - 7/2011, ông Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI; Ủy viên Ban Cán sự Đảng Chính phủ; Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

8/2011 - 7/4/2016, ông là Ủy viên Bộ Chính trị khoá XI và khoá XII; Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ Việt - Lào; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc; Trưởng ban Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ; Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại; Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ; Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia; Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống tham nhũng; Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương…

7/4/2016: Tại kỳ họp lần thứ 11 Quốc hội khoá XIII, ông Nguyễn Xuân Phúc được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ và tiếp tục tái cử vị trí này sau khi được Quốc hội khoá XIV bầu tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 26/7/2016.

Tháng 1/2021: Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII và được bầu vào Bộ Chính trị.

Bình luận (0)

Lên đầu trang