Chính phủ khóa XIV đã thực hiện tốt tinh thần “làm việc đến giờ phút cuối cùng”

Thứ Tư, 31/03/2021 21:44  | Thanh Hoà

|

(CAO) Chiều 31-3, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2021, được xem là phiên họp cuối cùng trước khi kiện toàn của Chính phủ khóa XIV với các thành viên Chính phủ mới.

Nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIV đã thành công với nhiều thành tựu nổi bật. “Như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói, trong suốt nhiệm kỳ, con tàu Việt Nam đã vượt qua hải trình muôn vàn bão tố”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Nhiệm vụ quá hạn của nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021 là 1,8%, so với đầu nhiệm kỳ đã giảm được hơn 23%, và là nhiệm kỳ đầu tiên không nợ đọng văn bản, thể hiện một Chính phủ thượng tôn pháp luật.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3/2021

Phiên họp cuối cùng của Chính phủ khóa XIV trước khi kiện toàn diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế đã đi qua quý đầu tiên của năm 2021 với kết quả rất tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế Quý I/2021 cao hơn Quý I/2020, ước tăng 4,48% (cùng kỳ tăng 3,68%).

Hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại trạng thái bình thường làm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế tăng; thị trường chứng khoán tăng trưởng khá với tổng mức huy động vốn tăng 42% so với cùng kỳ.

Vốn đầu tư phát triển tăng khá, đạt 6,3%, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tổng vốn FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần đạt trên 10 tỷ USD, tăng 18,5%. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài tăng 6 lần. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 27,5% vốn đăng ký. Hoạt động xuất nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA đã được ký kết. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1% (cùng kỳ tăng 5,9%). Xuất siêu trên 2 tỷ USD.

Chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát ở mức thấp; hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng có xu hướng phục hồi. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I/2021, tăng 5,1% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nền kinh tế còn đối diện không ít khó khăn, nhất là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt là tình trạng giải thể, phá sản doanh nghiệp tăng cao, ngành vận tải gặp nhiều khó khăn, vấn đề thiếu việc làm, tình trạng sốt đất “ảo”. Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% năm 2021 là thách thức lớn, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc thực hiện mục tiêu kép đạt kết quả khi chúng ta ngăn chặn hiệu quả, không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, “có thể nói, chúng ta đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng, không chỉ kinh tế mà cả văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh đều bảo đảm”.

Chúng ta kịp thời giải quyết hỗ trợ người dân lúc giáp hạt, Chính phủ đã xuất cấp gần 3.400 tấn gạo cứu đói giáp hạt cho hơn 236,2 ngàn nhân khẩu tại 7 tỉnh. Điều quan trọng là đời sống, niềm tin của người dân tăng lên; không khí làm ăn, đầu tư đáng mừng.

Chính phủ cũng đã thực hiện tốt tinh thần “làm việc đến giờ phút cuối cùng”, không có tư tưởng cầm chừng, ỷ lại, chờ đợi trong lúc giao thời, kiện toàn bộ máy, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ với trách nhiệm cao trước Đảng, trước dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp thường kỳ Chính phủ

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra ngay sau phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Sau phiên họp hôm nay, nhiều thành viên Chính phủ sẽ nhận nhiệm vụ mới hoặc nghỉ hưu theo quy định. Tuy nhiên các thành viên Chính phủ đều khẳng định dù ở cương vị nào cũng sẽ nỗ lực đóng góp cho Đảng, cho dân, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh hùng cường.

Các thành viên Chính phủ mong muốn cho Chính phủ nhiệm kỳ mới tiếp tục kế thừa, phát huy những thành quả, truyền thống trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành công trong nhiệm kỳ mới.

Trả lời câu hỏi về đường dây xăng giả tại Đồng Nai, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, đây là một “đại án” được Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đưa vào diện theo dõi. Trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, vật chứng thu giữ, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án “Buôn lậu”, “Sản xuất, buôn bán hàng giả”, “In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước” theo Điều 188, Điều 192 và Điều 203 Bộ Luật Hình sự.

Quá trình điều tra, phát hiện dấu hiệu buông lỏng quản lý, “bảo kê” tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng giả. Hoạt động buôn lậu diễn ra khá lâu, có dấu hiệu “bảo kê” nên rất khó khăn khi điều tra, phá án. Do đó, khi Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện đã báo cáo với Bộ Công an và lãnh đạo Bộ đã cử tổ công tác đặc biệt, do một đồng chí là Anh hùng LLVT, có nhiều kinh nghiệm điều tra sông nước trực tiếp tham gia phá án. Bởi chỉ cần sơ suất, các đối tượng trong đường dây này sẽ tiêu hủy chứng cứ, rất khó trong việc phá án.

Việc đưa hối lộ của các đối tượng trong đường dây rất tinh vi, không gặp trực tiếp mà quy định như một hộp thư chết, cho 1 đối tượng hàng tháng đưa một khoản tiền và có người đến nhận, hoặc lập riêng 1 tài khoản. Ngày 17-2-2021, Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt Ngô Văn Thụy, Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam, Tổng cục Hải quan, là một đầu mối trong hệ thống về tội Nhận hối lộ.

Đến nay, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 52 bị can về tội “Buôn lậu” và 1 bị can về tội “Nhận hối lộ”. Vật chứng thu giữ gồm 14 tàu thủy, 10 xe bồn, 13 xe ô tô, hàng triệu lít xăng, hóa chất pha chế xăng giả, trên 123 tỷ đồng tiền mặt, 15 số tiết kiệm, 91 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, niêm phong nhiều bến thủy nội địa, hàng chục cây xăng, bồn chứa, phong tỏa, kê biên hàng chục tài khoản ngân hàng của các đối tượng với số tiền phong tỏa trên 200 tỷ đồng.

“Sắp tới, Bộ sẽ tiếp tục điều tra triệt để đường dây tội phạm này theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng Trung ương", Thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết.

Bình luận (0)

Lên đầu trang