Phát biểu tại lễ khai giảng, Đại tá, PGS. TS Nguyễn Giang Nam – Phó Hiệu trưởng nhấn mạnh, nhà trường với chức năng, nhiệm vụ được giao là đào tạo cán bộ CSND có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng chức danh, nghiệp vụ cho cán bộ chỉ huy; tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc phòng và an ninh; thực hiện công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo theo chương trình, kế hoạch của Bộ Công an.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Giang Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CSND phát biểu
Hiện nay, nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên chất lượng cao. Về tổ chức bộ máy của Trường Đại học CSND gồm 23 đơn vị: 07 phòng (Phòng Hành chính tổng hợp, Phòng Chính trị, Phòng Quản lý đào tạo và Bồi dưỡng nâng cao, Phòng Bảo đảm chất lượng đào tạo, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Phòng Quản lý học viên, Phòng Hậu cần); 13 khoa (Khoa Lý luận chính trị và Khoa học xã hội nhân văn; Khoa Luật; Khoa Nghiệp vụ cơ bản; Khoa Nghiệp vụ điều tra hình sự; Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội; Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường; Khoa Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy; Khoa Kỹ thuật hình sự; Khoa Quản lý hành chính về trật tự xã hội; Khoa Cảnh sát giao thông; Khoa Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp; Khoa Cảnh sát vũ trang; Khoa Ngoại ngữ - Tin học) và 03 Trung tâm (Trung tâm Lưu trữ và Thư viện; Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học; Trung tâm dạy nghề và đào tạo lái xe). Nhà trường hiện có 01 Giáo sư, 28 Phó Giáo sư, 139 đồng chí có chức danh giảng viên chính, 117 tiến sĩ, 260 thạc sĩ.
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở vật chất đang từng bước xây dựng, dần hoàn thiện. Hiện nay, nhà trường có ba địa điểm đào tạo: Trụ sở chính ở số 36 Nguyễn Hữu Thọ (phường Tân Phong, Quận 7) và hai địa điểm đào tạo: Số 179A Kha Vạn Cân (phường Linh Tây, TP. Thủ Đức) và số 71 Cách Mạng Tháng 8, (phường An Thới, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ). Về cơ bản cơ sở vật chất đáp ứng được yêu cầu tổ chức giảng dạy, rèn luyện của học viên, sinh viên CAND.
Với truyền thống 48 năm hình thành và phát triển, tính đến nay, Nhà trường đã đào tạo hơn 80.000 cán bộ có trình độ Đại học, 2.153 cán bộ có trình độ thạc sĩ và 69 Tiến sĩ. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý có kinh nghiệm và không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt, có sự tâm huyết, tận tụy, yêu ngành, yêu nghề. Hệ thống chương trình, giáo trình đã được hoàn chỉnh, đổi mới sát hợp với thực tiễn công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.
Tất cả học viên của bốn khóa học này đều là những cán bộ đã kinh qua công tác thực tiễn, các đồng chí đều là những sĩ quan, cán bộ CAND đã khẳng định được trình độ của bản thân khi vượt qua một kỳ thi tuyển chặt chẽ để trở thành học viên của Trường Đại học học CSND. Riêng đối với khóa VB9T-T05, nhiều đồng chí đang là lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ nguồn ở các đơn vị, địa phương có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác và trong chiến đấu. Đó chính là những điều kiện thuận lợi mà mỗi học viên cần tận dụng và phát huy để đạt thành tích cao trong quá trình học tập.
Đại biểu dự lễ khai giảng
Về chương trình đào tạo các khóa đều có 02 khối kiến thức: Kiến thức giáo dục đại cương, ví dụ như: Môn Pháp Luật, Chính trị, Tâm lý và kiến thức giáo dục chuyên nghiệp, ví dụ như: Những Vấn đề cơ bản về đấu tranh phòng chống tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao… và thời lượng từng khối kiến thức với từng hình thức đào tạo sẽ khác nhau.
Bốn khóa học khai giảng, thời gian học tập, khối lượng kiến thức theo chương trình đào tạo khác nhau nhưng mục tiêu chung cần đạt được là: Đào tạo cán bộ Công an tốt nghiệp trình độ đại học, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức chuyên môn toàn diện; hiểu được những nguyên lý, các quy luật tự nhiên, xã hội; có kỹ năng ứng dụng thành thạo kiến thức nghiệp vụ chuyên môn trong đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ gìn TTATXH; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Xuất phát từ mục tiêu đào tạo nêu trên, Nhà trường sẽ tổ chức đào tạo theo phương pháp diện rộng, có kế thừa kiến thức đã đào tạo ở các bậc học trước; từ đó bổ sung, mở rộng và phát triển trình độ chuyên môn nghiệp vụ theo lĩnh vực, chuyên ngành đào tạo. Coi trọng việc tự học, tự nghiên cứu của sinh viên trên cơ sở gợi ý, nêu vấn đề nghiên cứu, giao bài tập, chuyên đề môn học.
Với phương châm đào tạo “lấy người học làm trung tâm”, Nhà trường sẽ thực hiện tổng thể các phương pháp sư phạm tích cực, giảm giờ giảng lý thuyết, tăng cường khâu thảo luận... Kết hợp hài hòa giữa hai nhiệm vụ học tập và rèn luyện nhằm xây dựng nhân cách nghề nghiệp, đạo đức, tác phong của người sỹ quan CSND đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Nhà trường sẽ tiếp tục biên soạn, cập nhật giáo trình, tài liệu, đổi mới trang thiết bị dạy học nhằm nâng cao khả năng vận dụng lý luận vào giải quyết các yêu cầu của thực tiễn.
Bên cạnh việc học tập, tiếp thu khối lượng kiến thức trong chương trình đào tạo, nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu đối với các đồng chí học viên là rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, Điều lệnh CAND; thường xuyên rèn luyện thể lực để có sức khỏe bền bỉ, dẻo dai, nhanh nhẹn, thích ứng với mọi hoàn cảnh, môi trường công tác...