(CATP) 45 năm sau ngày chiến thắng lịch sử 30-4, thống nhất đất nước gây chấn động địa cầu, như báo chí nước ngoài bình luận đã thể hiện được một "Việt Nam kiên cường, anh dũng" và giờ đây là một Việt Nam thống nhất, với nền kinh tế năng động, sáng tạo, có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, luôn nghĩa tình với bạn bè quốc tế. Tất cả đã làm thay đổi vị trí, tư thế của một Việt Nam mới.
Hãng thông tấn AFP từng viết "30-4 tại Việt Nam chính là sự kiện nổi bật nhất năm 1975 và sẽ có tác động lớn đối với khu vực lẫn toàn thế giới trong tương lai gần", đây cũng là dấu hiệu cho thấy nhân loại sẽ phải làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn chiến tranh, thời kỳ các nước mạnh dùng vũ lực để giết chết tinh thần dân tộc đã chấm dứt.
Để rồi trong những ngày đại dịch Covid-19 tàn phá, thế giới tiếp tục chứng kiến một Việt Nam mới mẻ, sáng tạo trong phát triển kinh tế và được nhiều quốc gia đánh giá là hình mẫu trong phòng chống dịch. Việt Nam còn thể hiện là quốc gia chan chứa nghĩa tình, sẵn sàng viện trợ tiền bạc, chia sẻ vật tư y tế, dụng cụ chống dịch cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Một Việt Nam ở những năm đầu thế kỷ XXI đang khác đi rất nhanh trong mắt bạn bè quốc tế, sáng tạo, thân thiện, trở thành đối tác tin cậy và trách nhiệm. Trong đại dịch Covid, vừa chống dịch hiệu quả, vừa hỗ trợ bạn bè quốc tế chống dịch, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn phát triển đáng kinh ngạc dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, xuất khẩu ước đạt hơn 59 tỉ USD, tăng 0,5%; cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đến hết tháng 3 đạt thặng dư 2,8 tỉ USD.
Đó là con số rất đáng suy nghĩ, khẳng định tiềm năng của nền kinh tế trẻ trung, năng động dù bị đại dịch Covid-19 bủa vây. Lấy kinh tế năm 2019 (có tính điển hình nhất) để so sánh mới thấy sự năng động của một nền kinh tế trẻ trung. Với GDP 266 tỷ USD, 2.800 USD là thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,45%, thành tựu này với nhiều quốc gia đang phát triển thực sự rất "đáng kinh ngạc".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN về ứng phó với dịch Covid-19
Các doanh nghiệp Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, hiện có 7 doanh nghiệp nằm trong danh sách 200 doanh nghiệp có doanh thu trên 1 tỷ USD tốt nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Forbes Asia 2019 bình chọn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hướng tới đột phá trong sản xuất công nghiệp và công nghệ với hy vọng vươn ra thị trường quốc tế. Trong danh sách tỷ phú USD thế giới được Forbes vinh danh, Việt Nam có 4 - 5 người.
Thành công của Việt Nam nhờ những bước đi táo bạo, sáng tạo bằng những chính sách cởi mở, thực tế. Trước đại dịch Covid-19 và cho đến nay vẫn trong cơn đại dịch Covid, Việt Nam vẫn là "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài rất cao. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam năm 2019 đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, cao nhất trong vòng 10 năm gần đây.
Tạp chí Mỹ US News and World Report tháng 9-2019 xếp Việt Nam đứng thứ 8 trong 20 quốc gia dẫn đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư (tăng 15 bậc từ vị trí thứ 23 năm 2018). Trong báo cáo Năng lực Cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng thứ 67/141 nền kinh tế năm 2019 với 61,5 điểm trên thang điểm 100. Còn nhớ năm 2018, Việt Nam chỉ xếp thứ 77/140 nền kinh tế với 58,1 điểm. Đây là mức tăng nhiều nhất và duy nhất trên thế giới, với hơn 10 bậc và 3,5 điểm.
Thành công này là nhờ sự điều hành tốt của Chính phủ kiến tạo và năng động do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo trong thời gian qua.
Không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, theo Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo được kỳ tích trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. UNDP đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất thế giới với năm 2019 là 0,63, xếp thứ 118/189 nước và chỉ cần thêm 0,007 điểm là vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Tiềm năng kinh tế Việt Nam còn rất lớn nếu phát triển đúng hướng. Chính phủ đã thấy rất rõ điều đó và đang tìm cách đưa nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu với thế giới, tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị. Tính đến tháng 4-2020, Việt Nam đã đàm phán, ký kết, thực thi 16 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) với gần 60 đối tác, trong đó đã thực thi 12 FTA, ký và chuẩn bị phê chuẩn một số FTA khác. Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ ngày 14-1-2019 và FTA Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Nghị viện châu Âu (EP) bỏ phiếu thông qua ngày 12-2. Đây là những FTA có mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư sâu rộng và lộ trình ngắn hơn so với các FTA nước ta đã ký kết, tham gia trước đây.
Một số FTA được xem là đòn bẩy tăng trưởng, như EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường châu Âu (EU) đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD. Hiện EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018 đạt 55,8 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,9 tỷ USD, nhập khẩu 13,9 tỷ USD). Một nghiên cứu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư dự tính: "Xét về tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU, dự kiến kim ngạch của nước ta sẽ tăng trung bình 5,21 - 8,17% (năm 2019 - 2023), 11,12 - 15,27% (năm 2024 - 2028) và 17,98 - 21,95% (năm 2029 - 2033). Điều đó cho thấy khi EVFTA có hiệu lực, nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu và lớn mạnh thế nào.
Các FTA đem lại nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng cũng đặt ra những thách thức cần vượt qua để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy các hoạt động kinh tế đối ngoại. Những thách thức đó ở góc độ phát triển chỉ có lợi, thúc đẩy nền kinh tế nước ta phát triển nhanh hơn, chất lượng hơn.
Việt Nam cũng đang thực hiện nhiều kế hoạch thực chất để tận dụng được công nghệ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cả trong đầu tư nội địa lẫn thu hút đầu tư ngày càng chất lượng, phát triển tốt nền tảng kinh tế hiện tại, qua đó kỳ vọng duy trì GDP tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm.
Trên chính trường quốc tế, Việt Nam đang đóng vai trò kép khi vừa làm rất tốt trách nhiệm của Chủ tịch ASEAN, cùng với đó còn đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Tất cả cho thấy vị thế của một Việt Nam mới trên chính trường quốc tế ngày càng đi lên, sau 45 năm thống nhất đất nước.