Tường thuật: Ngược về tâm bão Con Voi

Thứ Bảy, 04/11/2017 12:33

|

(CAO) Sức gió khủng khiếp của cơn bão số 12 khi vào hai tỉnh Khánh Hoà, Phú Yên làm chocây ngã khắp nơi, cúp điện diện rộng, nhiều đường đang ngập trong nước, hàng nghìn căn nhà bị thổi bay nóc. Câu chuyện ngược về tâm bão Con Voi với sức tàn phá kinh khủng đang được phóng viên Báo CATP tường thuật trực tiếp trên chuyến xe từ TP.HCM về 3 tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hoà, Phú Yên trong buổi sáng sớm ngày hôm nay…

13 giờ, đoàn xe chở hơn 50 hành khách về Khánh Hòa đi qua huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận). Các hành khách đã bắt đầu cảm nhận rõ ảnh hưởng của cơn bão, trời mưa xuyên suốt đoạn đường đi. Ngồi trên xe, chị Nghị không một phút ngơi nghỉ khi liên tục nhận được thông tin từ chồng của mình sau khi bão đi qua. "Bè tôm của tôi đã hết cơ hội cứu vãn, chắc kiểu này 2 vợ chồng bỏ quê vô Sài Gòn làm mướn" - chị thẫn thờ nhìn qua ô cửa kính, nói.

Khung cảnh tan hoang sau bão

 

Cả đêm Sài Gòn không ngủ

6 giờ sáng, cơn bão Con Voi đã vào sâu đất liền, trên chuyến xe về Nha Trang, tất cả các hành khách đều chung tâm trạng lo lắng, liên tục nhận điện thoại từ người thân ở quê để nghe ngóng những thông tin mới nhất về cơn bão.

Chị Lê Thị Nghị (45 tuổi – ngụ P.Cam Phước Nam, TP.Cam Ranh) mặt lo âu nhận được cuộc gọi từ chồng mình. Chị Nghị cho biết từ hôm qua đến giờ chị không ngủ được vì lo lắng cơn bão ở quê nhà.

Trong điện thoại, chồng chị Nghị kể, hiện tại tất cả những căn nhà ở xung quanh gia đình chị đều bị tốc ngói, bay mái tôn. Riêng 15 lồng tôm hùm đã đầu tư hơn 500 triệu đồng của chị đang có nguy cơ bị sóng biển phá huỷ hoàn toàn. Nghe tới đó, chân tay chị bủn rủn, nước mắt lưng tròng, chị không ngừng dặn dò các con không được rời khỏi nhà khi bão chưa tans.

6 giờ 30, anh Huỳnh Đức (40 tuổi – ngụ tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đón nhận cuộc gọi của nhân viên từ TP.Nha Trang, thông báo tình hình về cơn bão đang đổ bộ. Anh Đức là giám đốc một doanh nghiệp đóng trên địa bản TP.Nha Trang.

Bão đổ bộ gây nhiều thiệt hại

Cầm điện thoại trên tay, anh Đức không ngừng truy cập những thông tin mới nhất về diễn biến của cơn bão dữ. Anh nói: “Cả đêm qua tôi không ngủ được giấc nào vì quá lo lắng trước sức tàn phá của cơn bão này. Doanh nghiệp tôi đang đóng ở Nha Trang với nhiều trang thiết bị đắt tiền. Nghe tin bão đổ bộ, tôi vội vã đón xe từ Sài Gòn ra ngoài đó ngay để nắm bắt tình hình. Cầu mong điều xấu nhất không xảy ra”.

7 giờ sáng, em Nguyễn Huỳnh Thảo Nguyên (sinh viên năm nhất Trường Học viện Hàng không TP.HCM) nhận được điện báo của mẹ từ nơi quê nhà. Trong điện thoại, Nguyên nghe mẹ nói thời tiết ở quê em (xã Hồ Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) khá yên ắng.

Tuy nhiên, Nguyên cũng khá lo lắng vì em nghe được thông tin bão sẽ gây ảnh hưởng đến tỉnh Ninh Thuận trong buổi sáng ngày hôm nay.

“Em lo lắm, hôm qua giờ nghe tin bão mà em không ngủ được. Các bạn em có quê ở Nam Trung Bộ cũng vậy, đứa nào cũng thức hết. Sáng nay, em vội bắt chuyến xe sớm nhất, mong về kịp với mẹ. Ở nhà chỉ có mình mẹ nên em muốn về ngay để còn đỡ đần nếu bão vào” – Nguyên chia sẻ.

Sức tàn phá kinh hoàng

7 giờ 30 phút, lực lượng cộng tác viên của Báo CATP ở Cam Ranh (Khánh Hoà) tường thuật từ hiện trường cho biết, sức gió ở thời điểm hiện tại rất lớn và nhiều căn nhà đang bị tốc mái tôn, cây cối ngã đổ. Chị Huỳnh Thị Ngọc Anh (37 tuổi - giáo viên mầm non tại TP.Cam Ranh) hoảng hốt nói trong điện thoại: “Hiện tại gió đang dội về với tốc độ kinh hoàng, rít từng đợt như cơn lốc khiến gia đình tôi rất lo lắng”.

Nhiều ngôi nhà tốc mái ở Nha Trang

Cùng thời điểm, anh Nguyễn Ngọc Tho (24 tuổi – quê Phú Yên) kể cho phóng viên Báo CATP qua điện thoại rằng, anh đang có mặt trên một chiếc xe từ Sài Gòn về Phú Yên. Hiện tại đoàn xe của anh với hơn 50 hành khách đang di chuyển qua Tu Bông (Khánh Hoà) và trú ẩn trong một quán cơm ven đường để tránh bão. “Ở đây hiện tại dù trời sáng nhưng sức gió rất lớn, như muốn nhấc bổng chiếc xe lên vậy. Hành khách mắc kẹt trên xe ai cũng rất lo lắng” – anh Tho thuật lại.

8 giờ, tại Cảng Hòn Rớ (TP.Nha Trang), anh Nguyễn Văn Binh (37 tuổi) cho phóng viên Báo CATP biết hiện anh đang cùng hơn 300 con người trú ẩn trong nhà văn hoá thôn Thành Đạt, xã Phước Đồng (TP.Nha Trang). Gió đang giật rất mạnh, cây xanh ngã đổ dường như hoàn toàn. Lực lượng chức năng đang hỗ trợ mì tôm và nước nóng để người dân dùng trong thời gian trú bão.

8 giờ 30, người nhà của 2 phóng viên đang có mặt tác nghiệp trên chuyến xe ngược về tâm bão điện thoại, cùng cho biết nhà (ở tỉnh Khánh Hoà và Phú Yên) bị tốc mái và hiện mọi người trong gia đình đang tìm nơi ẩn nấp an toàn. Không khí trên chuyến xe hết sức căng thẳng và không một hành khách nào ngừng rời chiếc điện thoại trên tay.

9 giờ, chị Lê Thị Nghị nước mắt lưng tròng khi nhận được điện thoại từ chồng cho biết số lồng nuôi tôm hùm của gia đình chị đã bị sóng đánh tan tành. “Tiền bạc như vậy thì trôi sông trôi biển hết còn đâu. Bao nhiêu năm tích góp coi như trắng tay. Ông trời sao nỡ…” – chị Nghị thất thần không nói được hết lời.

9 giờ 30, anh Nguyễn Ngọc Tho, từ chuyến xe về Phú Yên cho biết hiện đang xảy ra tình trạng kẹt xe từ Tu Bông (Khánh Hoà) về đến đèo Cả (Phú Yên). Lượng mưa vẫn rất lớn và gió vẫn còn từng đợt.

Cây gãy đổ

10 giờ, chị Huỳnh Minh Duyên (ngụ P.Phú Đông, TP.Tuy Hoà, Phú Yên) cho biết cơn bão đã qua khỏi khu vực này nhưng mưa vẫn còn. “Khung cảnh để lại là một mớ hoang toàn. Hầu hết nhà cửa ở đây đều bị hư hỏng và tốc mái. Chưa bao giờ tôi thấy một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đến thế” – chị Duyên hãi hùng kể lại.

10 giờ 15 phút, thầy Nguyễn Văn Du, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo TP.Cam Ranh (Khánh Hoà) thở phào nhẹ nhõm trong điện thoại, cho biết cơn bão đã qua khỏi TP.Cam Ranh. Về thiệt hại trường lớp, thầy Du thống kê được có 3 trường trên địa bản bị bị tốc mái nhẹ, tất cả các em học sinh và thầy cô giáo của phòng đều an toàn tính mạng.

10 giờ 30 phút, ông Phạm Ngọc Thắng, Chủ tịch UBND P.Phú Đông, TP.Tuy Hoà (Phú Yên) nói gấp trong điện thoại hiện địa phương này có 2 nhà bị sập và rất nhiều căn nhà khác bị tốc mái. “Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Võ Ngọc Kha, Chủ tịch UBND TP.Tuy Hoà cùng lãnh đạo thành phố, chúng tôi đã trực tiếp có mặt tại cơ sở, nhất là những điểm bị thiệt hại nặng để giúp người dân sau cơn bão. Lãnh đạo thành phố cả đêm qua tới giờ không có đồng chí nào ngủ được” – ông Thắng nói.

11 giờ, trao đổi với phóng viên Báo CATP, đồng chí đại tá Nguyễn Khắc Cường, Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hoà cho biết, khi nhận được tin dự báo siêu bão đổ bộ vào khu vực miền Trung, công an tỉnh đã lập kế hoạch chỉ đạo tập trung toàn bộ lực lượng giúp dân đối phó siêu bão; tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, đặc biệt từ 12 giờ đêm qua, toàn bộ công an tỉnh đến công an các địa phương đã tăng cường sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện, vì quá khẩn trương để ứng cứu người dân nên công an tỉnh chưa có hồ sơ ứng cứu cụ thể. Chúng tôi đang tiếp tục triển khai công tác hỗ trợ, ứng cứu người dân đến khi cơn bão thật sự đi qua.

11 giờ 15 phút, ông Võ Ngọc Kha (Chủ tịch UBND TP.Tuy Hoà, Phú Yên) nghe máy phóng viên Báo CATP. Ông Kha cho biết, hiện trên địa bàn thành phố cây ngã đổ rất nhiều, nhà dân tốc mái. “Sáng nay, đầu tiên thành phố đã chỉ đạo chặt cây đổ ngã gây tắc đường, thứ 2 tập trung xử lý hệ thống điện, thứ 3 tất cả lãnh đạo phường xã phải xuống cơ sở để lo cho dân. Tôi và toàn bộ lãnh đạo thành phố đều xuống hiện trường” – ông Kha nói.

11 giờ 30 phút ông Trần HữuThế (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên) nói vội trong điện thoại với phóng viên Báo CATP rằng, hàng ngàn ngôi nhà dân bị tốc mái, rất nhiều lồng bè nuôi thuỷ sản bị thiệt hại. Hiện sau bão trời vẫn mưa và thuỷ điện xả lũ 7 dến 9 ngàn mét khối/ giây và rất nhiều tuyến đường bị tắc. Riêng con số thông kê cụ thể về thiệt hại sẽ được UBND tỉnh tiếp tục thông tin đến báo chí để người dân nắm rõ.

Phóng viên Báo Công an TP.HCM sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang