Quốc hội thảo luận Luật quản lý nợ công:

Tránh tư duy nhiệm kỳ trong quản lý nợ công

Thứ Sáu, 03/11/2017 18:53  | Thanh Hoà

|

(CAO) Chiều 3-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thảo luận về Luật quản lý nợ công.

Tại buổi thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều thừa nhận dự thảo Luật lần này được cơ quan soạn thảo tiến hành công phu, khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, một vấn đề được hầu hết các ý kiến đề cập, đó là đầu mối quản lý nợ công, được quy định trong Điều 15, dự thảo Luật.

Các đại biểu đề nghị chỉ quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nợ công để khắc phục hạn chế thời gian qua, như vậy cũng là thực hiện bộ máy hành chính tinh gọn hiệu quả, phù hợp với thông lệ quốc tế là chỉ 1 cơ quan quản lý nhà nước về nợ công, tránh chồng chéo.

Bộ Tài chính sẽ vừa là cơ quan quản lý, vừa thực hiện đàm phán, ký kết; có trách nhiệm quản lý nợ vay, phân bổ vốn vay, trả nợ vay. Chỉ ra tình trạng ngày càng nhiều dự án quản lý vốn vay kém hiệu quả, thậm chí không hiệu quả, dẫn đến trách nhiệm trả nợ công dồn cả cho ngân sách, khiến nợ công tăng cao, làm mất an ninh tài chính, các đại biểu cho rằng nguyên nhân chính bởi không tập trung 1 đầu mối chung trong quản lý nợ công.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) còn đề nghị, nếu không giao trách nhiệm cho Bộ tài chính thì phải quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ; xem lại cơ quan quản lý ngành để bảo lãnh nợ công; đồng thời cũng phải xem lại có nên gắn trách nhiệm cá nhân trong quản lý nợ công hay không, tránh tư duy nhiệm kỳ trong trong nợ công, cứ vay đời sau sẽ trả, làm mất lòng tin của người dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu) thì đề nghị quy định luôn cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm Luật quản lý nợ công phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Tiền Giang) cho rằng, mặc dù dự thảo Luật quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý về nợ công nhưng lại không quy định rõ vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đặc biệt là nguyên tắc phối hợp giữa các cơ quan này.

Đại biểu Tuyết đánh giá đây cũng chính là điểm yếu trong công tác quản lý nợ công thời gian qua, khiến việc quản lý nợ công như những mảnh ghép chứ không thống nhất. Bà Tuyết còn đề nghị cần xem xét tính chất từng dự án để quyết định có được bảo lãnh Chính phủ vay vốn nước ngoài hay không để giảm áp lực lên nợ công. Cụ thể, đại biểu này đề nghị, các doanh nghiệp thực hiện các công trình liên quan đến dự án sân bay Long Thành không được bảo lãnh Chính phủ để vay vốn.

Giải trình các ý kiến đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trước tình trạng nợ công sắp kịch trần, Bộ xác định thẩm quyền của các cơ quan quản lý nợ công, xác định vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giám sát nợ công.

Ông Dũng cũng khẳng đinh, không có chuyện đi vay để cho vay thương mại, “một loạt các dự án sau khi xem xét chúng tôi đã không đồng ý cho vay, cũng có chuyện các hiệp định này chuẩn bị đàm phán nhưng lại nằm ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn mà Quốc hội phê chuẩn nên cũng không thực hiện được. Yêu cầu đầu tư cần nguồn vốn rất lớn, nhưng bội chi nợ công rất gay go, nên phải tính toán rất sít sao” - Bộ trưởng Bộ tài chính cho hay.

Về điều kiện cho vay lại, ông Dũng cho biết, đối với các dự án sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì do các ngân hàng thương mại chịu rủi ro. Còn về phân công trách nhiệm các cơ quan, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu, giải trình với Quốc hội quyết định trong thời gian tới.

*** Các doanh nghiệp thực hiện công trình liên quan dự án sân bay Long Thành không được bảo lãnh Chính phủ để vay vốn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang