Bão số 12 giật cấp 15, sáng sớm mai đổ bộ vào đất liền

Thứ Sáu, 03/11/2017 22:56  | Hoàng Sơn - Minh Thắng

|

(CAO) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, vị trí tâm bão lúc 22 giờ tối 3-11 vào khoảng 12,70N-111,30E; cách bờ biển Phú Yên-Khánh Hòa-Ninh Thuận khoảng 210km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/h), giật cấp 15. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 15km/h.

Dự báo, khoảng sáng sớm mai (4-11), bão sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Nam Phú Yên đến Bắc Bình Thuận với sức gió mạnh nhất cấp 11-12, giật cấp 15. Đến 7 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,4 độ Vĩ Bắc; 109,1 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Tại Phú Yên: Để chủ động ứng phó với cơn bão mạnh số 12, chiều 3-11, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các phương án phòng chống bão số 12 tại tỉnh Phú Yên. Phó thủ tướng yêu cầu tỉnh này cương quyết không để bất cứ phương tiện, người dân nào hoạt động trên biển, trên sông ngay từ thời điểm này; tính toán các phương án di dân ở khu vực ngập sâu, vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão. Đối với các công trình hồ, đập, lực lượng chức năng phải bố trí theo dõi 24/24 giờ, chủ động các phương án ứng phó vì nếu bão vào sẽ có mưa rất lớn. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến khu vực đang xây dựng kè xóm Rớ giai đoạn 2 (TP.Tuy Hòa) để kiểm tra thực tế tình trạng triều cường, xâm thực.

Tại Bình Thuận: Ngày 3-11, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn - làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về công tác ứng phó với bão số 12. Theo báo cáo của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, đến 10 giờ cùng ngày, tất cả tàu thuyền của tỉnh này đã neo đậu tránh trú bão an toàn. Các đồn biên phòng thực hiện nghiêm lệnh cấm biển bắt đầu từ 9 giờ ngày 2-11, không có bất kỳ phương tiện nào được xuất bến.

Tại Đồng Nai: Dự báo khu vực tỉnh Đồng Nai từ đêm 3-11 và những ngày tiếp theo có mưa nhiều nơi, có nơi mưa rất to, trong mưa có giông, lượng mưa có thể lên đến 500 - 1.000mm. Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai yêu cầu Công an các đơn vị, địa phương theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến của mưa bão để chủ động bảo vệ tài sản, hồ sơ, tài liệu; đảm bảo tuyệt đối an toàn trụ sở cơ quan, các nhà tạm giữ, trại tạm giam. Chủ động lực lượng, rà soát phương tiện sẵn sàng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống xảy ra. Trong ngày 4 và 5-11, công an các đơn vị, địa phương bố trí quân số trực, đảm bảo phục vụ chiến đấu và tham gia cứu nạn, cứu hộ.

Tại TPHCM: Trao đổi với phóng viên Báo CATP, ông Lê Đình Quyết - Phó trưởng phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - nhận định: Từ 1 giờ ngày 4-11, gió tại các tỉnh thuộc Nam Trung bộ sẽ mạnh dần lên từ cấp 7 - 8. Sáng sớm cùng ngày, bão sẽ đổ bộ, tập trung tại các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận. Khi vào đất liền, bão vẫn giữ cấp 10 - 11, sau đó mới giảm. Tại các tỉnh phía nam Trung Trung bộ, toàn bộ các tỉnh Nam Trung bộ bị ảnh hưởng nặng nề, gió mạnh, mưa rất to, nguy cơ lũ rất cao.

Mưa ở các tỉnh miền Đông Nam bộ sẽ tăng từ sáng 4-11. Tổng lượng mưa cả đợt này đối với các tỉnh miền Đông Nam bộ khoảng 50 - 100mm, riêng TPHCM khoảng 60 - 80mm. “Điều đáng lo là hệ thống sông Sài Gòn sẽ có đợt triều cường lớn. Đỉnh triều cường cao nhất ngày 5-11 là 1,63m, ngày 6-11 là từ 1,67 - 1,68m. Có khả năng mưa kết hợp triều cường” - ông Quyết nói.

Ông Lê Minh Dũng - Chủ tịch UBND H.Cần Giờ - cho biết: Huyện có hơn 6.000 người dân trên xã đảo Thạnh An cần được sơ tán khi có thiên tai. Hiện khoảng 1.400 cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24 giờ, khi thành phố có lệnh sẽ lập tức triển khai công tác ứng phó. UBND H.Cần Giờ đã ra lệnh cấm tàu thuyển ra khơi từ 1 giờ ngày 3-11. Các lực lượng chức năng, phương tiện, thiết bị của công tác cứu hộ cứu nạn sẵn sàng khi có lệnh điều động. Theo ông Võ Tuấn Thảo - Phó chủ tịch TT.Cần Thạnh (H.Cần Giờ) - chính quyền đã cử lực lượng trực tiếp đến hỗ trợ một số gia đình cụ già neo đơn, hoàn cảnh khó khăn trong việc sơ tán đến nơi an toàn.

Tưởng niệm nạn nhân siêu bão Linda

Sáng 3-11, tại xã Khánh Hội (huyện U Minh, tỉnh Cà Mau), UBND tỉnh này tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân chết và mất tích trong cơn bão số 5 cách đây 20 năm. Buổi lễ được diễn ra sau một ngày tạm hoãn vì ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.

Ngày 2-11-1997, bão số 5 (tên quốc tế là Linda) đã đổ bộ vào đất liền, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và nhân mạng tại 21 tỉnh, thành ở miền Nam. Trong đó, Cà Mau chịu hậu quả nặng nề nhất, có 128 người chết, 1.164 người mất tích, 601 nạn nhân bị thương; hơn 160.000 căn nhà sập, hư hỏng; 666 tàu cá bị chìm, hư hỏng… Thiệt hại về tài sản tại tỉnh Cà Mau ước tính hơn 2.700 tỷ đồng.

T.N

Điện lực miền Nam ứng phó với bão

Công nhân ngành điện thực hiện các phương án bảo vệ lưới điện

Ngày 3-11-2017, Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) cho biết, đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị thành viên như Công ty cổ phần (CP) Thủy điện miền Trung, Công ty CP Thủy điện miền Nam… yêu cầu rà soát các phương án ứng phó với bão, đảm bảo an toàn cung cấp điện, thiết bị, công trình và nhân dân. Chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do bão gây ra. Rà soát, thực hiện phương án đảm bảo hệ thống mạng viễn thông dùng riêng, báo cáo Ban Phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các tỉnh, thành về phương án cắt điện trong mưa bão. Chủ động cắt điện ngay khi bão vào nhằm hạn chế thiệt hại và đảm bảo an toàn cho người dân.

Quang Hà

Bình luận (0)

Lên đầu trang